20:19 13/05/2024

Đề xuất đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp được nhận 50% tiền đóng

Phúc Minh

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất những người đóng bảo hiểm thất nghiệp, khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào thì được hưởng 50% số tiền đã đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trước đó, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang lấy ý kiến, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất thêm trường hợp người lao động đủ điều kiện nhưng chưa hưởng lương hưu sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Vì thế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu quan điểm trên khi góp ý dự thảo Luật, nhằm khắc phục tình trạng nhiều người lao động đã xin nghỉ việc trước một năm trước khi nghỉ hưu, để hưởng được 12 tháng trợ cấp thất nghiệp cho bớt thiệt, rồi mới làm thủ tục hưởng lương hưu.

Thực tế có nhiều người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp, nhưng đến khi nghỉ hưu vẫn không thất nghiệp lần nào, nên sẽ không được hưởng quyền lợi gì từ phần đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Cùng với đó, Tổng Liên đoàn cũng đề nghị nghiên cứu, điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp.

Lý do là đa số các doanh nghiệp hiện đóng bảo hiểm thất nghiệp cho
người lao động theo mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, trong khi mức lương tối thiểu vùng hiện nay còn thấp.

Hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang đề xuất lương tối thiểu tăng thêm từ 200.000 - 280.000 đồng tùy vùng, áp dụng từ ngày 1/7 tới. Theo đó, dự kiến lương tối thiểu vùng I sẽ tăng lên 4,96 triệu đồng/tháng, vùng II là 4,41 triệu đồng/tháng, vùng III là 3,86 triệu đồng/tháng, vùng IV là 3,45 triệu đồng/tháng.

Vì vậy, Công đoàn cho rằng mức trợ cấp thất nghiệp cần tăng lên ít nhất 75% là phù hợp, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp.

Ngoài ra, Tổng Liên đoàn cũng đề nghị xem xét bổ sung quyền lợi của người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp liên tục từ tháng 145 trở đi. Theo đó, cứ tham gia thêm đủ 12 tháng thì được hỗ trợ thêm 0,1 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Mức này xấp xỉ bằng số tiền người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nhưng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sẽ có thêm 1% hỗ trợ của Nhà nước, và 1% người sử dụng lao động đóng.

Tổ chức Công đoàn cũng đề xuất xem xét sửa đổi quy định về thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo hướng không quy định thời gian hưởng tối đa và chỉ quy định thời gian hưởng tương ứng với thời gian đóng.

Một trong những mục tiêu của bảo hiểm thất nghiệp được dự thảo quy định là bảo đảm việc làm. Do đó, Công đoàn nêu quan điểm việc không quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa, sẽ tạo điều kiện cho người lao động có thời gian dài đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ kinh phí duy trì việc làm chủ động, sản xuất kinh doanh,… trong thời gian tương ứng với thời gian đóng, chứ không chỉ là 12 tháng tối đa.

Đặc biệt, việc giới hạn thời gian hưởng tối đa là 12 tháng sẽ dẫn đến hệ quả, như người lao động sau khi làm việc đủ 12 năm sẽ nghỉ việc để được hưởng tối đa 12 tháng thất nghiệp, thậm chí rút bảo hiểm xã hội một lần khi họ đã tham gia bảo hiểm xã hội từ sớm.

 “Tâm lý chung của người lao động là không nhìn thấy quyền lợi thì họ sẽ không tiếp tục tham gia và sẽ lựa chọn hình thức bảo hiểm khác. Do vậy, đề nghị quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng với thời gian đóng”, Tổng Liên đoàn đề xuất.