Hợp tác vận tải biển ASEAN: Hướng đến tương lai số hoá và phát triển bền vững
Hợp tác song phương, đa phương hiệu quả giữa các quốc gia ASEAN đang hướng tới việc xây dựng một tương lai kỹ thuật số của ngành vận tải biển, với sự phát triển bền vững hơn, giải quyết các vấn đề môi trường biển...
Từ ngày 9-11/5, Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tổ chức Hội nghị Nhóm Công tác vận tải Hàng hải ASEAN lần thứ 44 (MTWG 44) tại Đà Nẵng.
Thành phần tham dự bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), các đối tác đối thoại: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và các hiệp hội khu vực của ASEAN.
Việt Nam đăng cai tổ chức tổ chức hội nghị MTWG ASEAN, nhiệm kỳ 2022-2023 vừa thực hiện nghĩa vụ của quốc gia thành viên ASEAN; đồng thời là cơ hội để nước chủ nhà Việt Nam khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế trong hợp tác giao thông vận tải với bạn bè quốc tế. Cục Hàng hải Việt Nam được Bộ Giao thông vận tải giao làm Trưởng Nhóm Công tác vận tải Hàng hải ASEAN theo cơ chế luân phiên.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang, Tổng thư ký Ban Thư ký Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), khẳng định hàng hải là một trong những lĩnh vực hợp tác sâu rộng của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN. Theo đó, những năm vừa qua, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải biển giữa các nước trong khối thành viên, Việt Nam đã ký kết các hiệp định hàng hải, vận tải biển song phương với các quốc gia thuộc ASEAN như: Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Brunei và Myanmar.
Việt Nam cũng ký kết thỏa thuận công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền viên theo Công ước Quốc tế về các tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca thuyền viên (STCW) 1978 với các quốc gia trong khu vực là: Singapore, Indonesia, Malaysia, Brunei, Myanmar và Thái Lan.
"Sự hợp tác sâu rộng của Việt Nam trong ASEAN những năm qua không chỉ giúp hoạt động vận tải biển dễ dàng hơn mà còn mở “cửa sáng” cho thị trường thuyền viên Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhận định và thay mặt nước chủ nhà Việt Nam, ghi nhận sự hợp tác thành công và hiệu quả giữa các quốc gia ASEAN và mong muốn cùng các quốc gia hướng tới một tương lai hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn".
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, sự hỗ trợ, đồng hành của Tổ chức Hàng hải quốc tế đóng góp lớn trong việc thúc đẩy sự hợp tác giữa Chính phủ của các quốc gia thành viên về các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, đào tạo và vận tải biển, tiến tới thống nhất ở mức cao nhất các tiêu chuẩn về an toàn và bảo vệ môi trường hàng hải.
Điển hình là dự án bảo vệ môi trường biển các nước Đông Nam Á (MEPSEAS) được thành lập nhằm mục đích tăng cường năng lực quản lý của quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và hỗ trợ việc thực thi các Công ước IMO về bảo vệ môi trường biển. Hội nghị bảo vệ môi trường biển các nước Đông Nam Á cũng được tổ chức thành công tại Việt Nam vào tháng 10/2022.
Tổ chức hàng hải quốc tế cũng có những hỗ trợ không ngừng nghỉ cho cộng đồng ASEAN trong những năm gần đây trong việc xây dựng một hệ thống vận tải biển phát triển bền vững và giải quyết các vấn đề môi trường biển đang là thách thức trong giai đoạn trước mắt và tương lai về sau.
“Với vai trò là một quốc gia thành viên của IMO, Việt Nam luôn luôn hoàn thành mọi nghĩa vụ quốc gia thành viên và hưởng ứng tích cực các hoạt động, phong trào được phát động bởi IMO", Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang khẳng định.
Theo đó, năm 2023, Việt Nam hướng tới chủ đề mới do IMO phát động, đó là “'MARPOL tròn 50 tuổi – Sự cam kết bảo vệ môi trường biển không ngừng nghỉ”. Đây chủ đề phản ánh lịch sử lâu dài của IMO trong việc bảo vệ môi trường khỏi tác động của việc vận chuyển thông qua khung pháp lý mạnh mẽ và nhấn mạnh cam kết liên tục của IMO đối với công việc quan trọng này.
Việt Nam với vai trò là Chủ tịch mong muốn các quốc gia ASEAN tiếp tục đồng hành, trao đổi tích cực, cởi mở hướng đến mục tiêu tăng cường hợp tác song phương, đa phương tạo tiền đề phát triển ngành hàng hải thế giới nói chung, ASEAN nói riêng.
Ông Ki Tack Lim, Tổng thư ký IMO cũng nhấn mạnh mục tiêu hướng tới của IMO trong thời gian sắp tới là thực hiện số hoá và chiến lược khử cacbon sang nhiên liệu cacbon thấp hoặc bằng không.
Với mục tiêu này IMO sẽ cùng với cộng đồng quốc tế tập trung đóng góp cho sứ mệnh toàn cầu chống biến đổi khí hậu và hướng tới một tương lai kỹ thuật số của ngành vận tải biển và nhấn mạnh việc sẽ tạo nhiều sự quan tâm của IMO đến các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các quốc gia kém phát triển nhất.
Hội nghị MTWG 44 lần này tập trung vào một số chương trình quan trọng như: thực hiện các biện pháp liên quan đến giao thông hàng hải theo kế hoạch Chiến lược Kuala Lumpur 2021-2026; hiện thực hóa Thị trường vận tải biển thống nhất ASEAN (ASSM) thông qua việc thực hiện các chiến lược và biện pháp đã được thống nhất (MT-1); hiện thực hoá vận hàng mạng lưới vận chuyển RO-RO tại ASEAN (MT-2); phát triển mạng lưới vận tải thuỷ nội địa (IWWT) hiệu quả và tích hợp (MT-3); tăng cường hệ thống định vị và các biện pháp an ninh theo tiêu chuẩn quốc tế (MT-4).
Cùng với đó, hội nghị sẽ trao đổi và xây dựng các sáng kiến và khuyến nghị chính sách cần thiết để phát triển logistics vận tải biển chiến lược giữa ASEAN và các đối tác đối thoại; tăng cường hợp tác trong khu vực trong việc cải thiện an toàn giao thông; tăng cường hợp tác khu vực trong việc phát triển các chính sách và chiến lược liên quan đến giao thông vận tải bền vững (ST-1); xác định và thực hiện các biện pháp chính về giao thông bền vững (ST-2); tăng cường hợp tác khu vực trong ứng dụng công nghệ thông minh trong lĩnh vực giao thông vận tải (ST-4).
Các sáng kiến giao thông hàng hải nhằm ứng phó với đại dịch, khủng hoảng Covid-19; hợp tác khu vực ASEAN về quản lý chất thải tàu biển; tiến độ thực hiện các công việc của Nhóm công tác giai đoạn 2022-2023; hợp tác ASEAN với các đối tác khu vực tư nhân như hiệp hội cảng biển, chủ tàu và đối tác đối thoại khu vực; vận tải hàng hải mới và các vấn đề khẩn cấp… cũng sẽ được trao đổi tại hội nghị.