16:19 28/04/2023

Bộ Giao thông vận tải công bố danh mục 11 cảng cạn Việt Nam

Ánh Tuyết

Bộ Giao thông vận tải vừa có Quyết định số 506 chính thức bổ sung Cảng cạn Tân cảng Long Bình tại Đồng Nai vào danh mục 11 cảng cạn Việt Nam...

Các cảng cạn được công bố đưa vào khai thác mới chiếm khoảng 15% tổng số cảng cạn được quy hoạch.
Các cảng cạn được công bố đưa vào khai thác mới chiếm khoảng 15% tổng số cảng cạn được quy hoạch.

Cảng cạn Tân Cảng Long Bình của Công ty cổ phần ICD Tân Cảng Long Bình có vị trí tại phường Long Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Như vậy, tỉnh Đồng Nai có 2 cảng cạn bao gồm: Cảng cạn Tân Cảng Nhơn Trạch và Cảng cạn Tân Cảng Long Bình.

CẢNG CẠN TÂN CẢNG LONG BÌNH ĐƯỢC XÂY DỰNG THEO TIÊU CHUẨN CAO

Bộ Giao thông vận tải giao Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Nghị định số 38/2017/NĐ-CP ngày 4/4/2017 của Chính phủ về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn và các quy định của pháp luật có liên quan.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 584/QĐ-BGTVT ngày 9/5/2022 của Bộ Giao thông vận tải về việc công bố Danh mục cảng cạn Việt Nam.

Nguồn: Quyết định số 506 của Bộ Giao thông vận tải.
Nguồn: Quyết định số 506 của Bộ Giao thông vận tải.

Trước đó, đầu năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành quyết định công bố mở Cảng cạn Tân cảng Long Bình giai đoạn 1.

ICD Tân Cảng - Long Bình hiện có diện tích khai thác 105ha, gồm 30 kho hàng, tổng diện tích gần 500.000m2 được xây dựng theo tiêu chuẩn cao, thực hiện nhiều chức năng khác nhau như kho ngoại quan, kho nội địa, kho CFS (kho chuyên dùng để lưu trữ hàng lẻ xuất nhập khẩu), kho phân phối, kho mát, kho lạnh, kho hóa chất nguy hiểm và các loại kho được thiết kế riêng biệt theo nhu cầu của khách hàng.

 

Cảng cạn Tân Cảng Long Bình có hệ thống kho hàng rộng lớn nhất tại Việt Nam với 40 kho chứa hàng trên diện tích hơn 500.000 m2 và 150.000 m2 bãi.

Theo thống kê, Đồng Nai đạt kim ngạch xuất nhập khẩu trên 43,5 tỷ USD, chiếm gần 7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Do đó, việc phát triển hệ thống kho bãi, cảng và hoạt động phục vụ xuất nhập khẩu, phục vụ các doanh nghiệp luôn là mối quan tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và Cục Hải Quan tỉnh Đồng Nai.

Theo đánh giá, việc mở Cảng cạn Tân Cảng Long Bình tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp, phát triển kinh tế địa phương, từ đó góp phần gia tăng chỉ số cạnh tranh dịch vụ của tỉnh Đồng Nai.

Được biết, vào tháng 3/2010, điểm kiểm hóa tập trung tại ICD Tân Cảng - Long Bình khai trương và chính thức đi vào hoạt động theo Quyết định 206/QĐ - TCHQ của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, với tổng diện tích: 3ha bao gồm khu kiểm tra hàng hóa và khu vực bãi, cho phép 100 xe các loại đỗ cùng một lúc, đồng thời cho phép đóng/rút các loại hàng hóa giữa xe tải – xe container thuận tiện.

Quyết định số 506 cũng nêu rõ TP. Hải Phòng có 3 cảng cạn, gồm: Cảng cạn Tân Cảng Hải Phòng, Cảng cạn Đình Vũ - Quảng Bình và Cảng cạn Hoàng Thành.

Sáu cảng cạn khác nằm ở 6 địa phương khác nhau gồm Hà Nội (Cảng cạn Long Biên), Phú Thọ (Cảng cạn ICD Hải Linh), Quảng Ninh (Cảng cạn Km3+4 Móng Cái), Hà Nam (Cảng cạn Tân Cảng Hà Nam), Ninh Bình (Cảng cạn Phúc Lộc - Ninh Bình); Bắc Ninh (Cảng cạn Tân cảng Quế Võ).

ĐẨY NHANH PHÁT TRIỂN CẢNG CẠN

Nhìn lại 4 năm thực hiện quy hoạch chi tiết cảng cạn, hiện có 11 cảng cạn trên cả nước được hình thành và đi vào hoạt động, góp phần tăng hiệu quả kết nối cảng biển với nguồn hàng, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hàng hóa và tăng hiệu suất xử lý hàng hóa tại cảng biển.

Một số cảng cạn hỗ trợ tốt cho các cửa khẩu đường bộ thông qua hàng hóa, giảm ùn tắc như cảng cạn Móng Cái, hỗ trợ hiệu quả cửa khẩu cảng biển như cảng cạn Nhơn Trạch.

Tuy nhiên, dù được đánh giá là “cánh tay nối dài”, san sẻ áp lực giúp cảng biển gia tăng tốc độ giải phóng hàng hóa nhưng các cảng cạn vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng theo tính toán của Cục Hàng hải Việt Nam. Các cảng cạn được công bố đưa vào khai thác mới chiếm khoảng 15% tổng số cảng cạn được quy hoạch.

Bởi còn nhiều cảng thông quan nội địa - ICD đang hoạt động thuộc các vị trí được quy hoạch cảng cạn nhưng các chủ đầu tư "chần chừ" chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi thành cảng cạn theo quy định. 

 

"Tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container thông qua các cảng cạn và ICD đang hoạt động hiện nay khoảng 4,2 triệu TEU/năm", Cục Hàng hải Việt Nam thông tin.

Cũng theo thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam, các cảng cạn, ICD trên phân bổ tập trung trên 5 hàng lang và khu vực kinh tế trong tổng số 15 hành lang và khu vực kinh tế có quy hoạch cảng cạn. Trong đó, hành lang kinh tế ven biển ở miền Bắc đã hình thành 4/5 cảng cạn được quy hoạch.

Các cảng tại miền Nam phát huy được ưu thế vận tải thủy nội địa (chiếm 35 -40%), hỗ trợ tốt cho các cảng biển trong việc trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container, giảm sự ùn tắc tại cảng biển và giao thông đô thị khu vực TP.HCM.

Tuy nhiên, "các cảng cạn miền Bắc chưa kết nối với cảng biển rõ rệt như đối với cảng cạn khu vực miền Nam do thị trường vận tải container đường biển chỉ bằng khoảng 30% so với Miền Nam", Cục Hàng hải đánh giá.

Dự báo tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển cảng cạn đến năm 2030 cần khoảng 15,9 - 18,7 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2030, ước tính nhu cầu vốn là 24,3 nghìn tỷ đồng và đến giai đoạn năm 2050, nhu cầu vốn đầu tư cho cảng cạn có thể lên tới 33,8 nghìn tỷ đồng.