06:00 04/12/2022

Ninh Thuận khởi công đường nối cao tốc Bắc - Nam và Cảng biển Cà Ná trị giá hơn 900 tỷ

Anh Tú

Dự án đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và Cảng biển tổng hợp Cà Ná (tỉnh Ninh Thuận) với tổng mức đầu tư của dự án là 903 tỷ đồng, chính thức được khởi công xây dựng...

Dự án đường nối cao tốc Bắc - Nam sau khi xây dựng xong sẽ tạo thành tuyến đường huyết mạch, liên thông, liên kết giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh.
Dự án đường nối cao tốc Bắc - Nam sau khi xây dựng xong sẽ tạo thành tuyến đường huyết mạch, liên thông, liên kết giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh.

Ngày 2/12, tại xã Phước Minh (Thuận Nam), UBND tỉnh Ninh Thuận khởi công xây dựng đường nối từ cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo với Quốc lộ 1 ra Cảng biển tổng hợp Cà Ná, nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông, góp phần khai thác có hiệu quả Cảng biển tổng hợp Cà Ná và Khu công nghiệp Cà Ná, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và của tỉnh nói chung. 

Đường nối có chiều dài tuyến 14,8 km, điểm đầu tại nút giao cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo với đường tỉnh 709, thuộc xã Nhị Hà (Thuận Nam). Điểm cuối tại Km 14+800, giáp ranh giới Khu công nghiệp Cà Ná thuộc xã Phước Diêm (Thuận Nam).

 

Đường nối từ cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo với Quốc lộ 1 ra Cảng biển tổng hợp Cà Ná có chiều dài tuyến 14,8 km. Dự án do Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Ninh Thuận làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án là 903 tỷ đồng, được chia thành 2 dự án thành phần.

Dự án được chia thành 2 dự án thành phần.

Trong đó, dự án thành phần 1, đoạn nối từ đường cao tốc với Quốc lộ 1 có chiều dài 10,14 km, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách 651,28 tỷ đồng.

Quy mô mặt cắt ngang nền đường hoàn thiện rộng 34 m, mặt đường gồm 6 làn xe rộng 21m và được phân kỳ đầu tư.

Cụ thể, giai đoạn 2022-2024, đầu tư xây dựng hạng mục nền đường rộng 34 m, mặt đường mỗi bên 2 làn xe rộng 7 m, thảm 1 lớp bê tông nhựa dày 7 cm. Giai đoạn 2024-2025, tiếp tục thực hiện đầu tư thêm mỗi bên 1 làn xe; hoàn thiện 1 lớp bê tông nhựa dày 6 cm theo quy mô dự án được phê duyệt.

Dự án thành phần 2, đoạn từ Quốc lộ 1 đến giáp ranh giới Khu công nghiệp Cà Ná có chiều dài 4,66 km, được đầu tư bằng nguồn vốn của nhà tài trợ là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam, khoảng 213,96 tỷ đồng và bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước 37,76 tỷ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng.

Quy mô mặt cắt ngang nền đường rộng 34m, mặt đường gồm 6 làn xe rộng 21m.

Ngoài ra, trên toàn tuyến xây dựng 3 cầu mới gồm: Cầu Sông Trăng, cầu vượt đường sắt (Km 9+814,81) và cầu vượt kênh Km 10+224,09, tải trọng thiết kế HL93, kết cấu nhịp băng dầm bê tông dự ứng lực.

Lễ khởi công xây dựng đường nối từ cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo với Quốc lộ 1 ra Cảng biển tổng hợp Cà Ná.
Lễ khởi công xây dựng đường nối từ cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo với Quốc lộ 1 ra Cảng biển tổng hợp Cà Ná.

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết dự án đường nối cao tốc sau khi xây dựng xong sẽ là một tuyến đường huyết mạch, liên thông, có tính kết nối vùng để phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh.

Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh; đặc biệt, Cảng biển tổng hợp Cà Ná có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 300.000 ĐW. Dự án cũng giúp kết nối lên các vùng kinh tế Tây Nguyên trong tương lai giúp vận chuyển, lưu thông hàng hóa, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và của tỉnh nói chung.

Ngoài ra, tuyến đường này còn tạo thuận lợi trong xử lý tình huống ứng phó với thiên tai; nâng cao tiềm lực an ninh, quốc phòng và từng bước hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo việc giải phóng mặt bằng áp dụng đầy đủ chính sách bồi thường, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân, vì vậy mong muốn nhân dân đồng thuận sớm thực hiện vì sự phát triển của tỉnh.

"Để dự án đúng tiến độ, đề nghị chủ đầu tư bám sát tiến độ thi công, đảm bảo an toàn, chất lượng, vệ sinh môi trường, các đơn vị phải huy động thiết bị, nhân sự tốt nhất, kiểm tra giám sát chất lượng tốt nhất", ông Nam nhấn mạnh.