Rà soát lại quy mô, diện tích sử dụng đất phát triển hệ thống cảng cạn đến năm 2050
Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải rà soát nội dung quy hoạch cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định rõ quy mô, diện tích sử dụng đất, dự án ưu tiên, đảm bảo hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực...
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về đề nghị phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
RÀ SOÁT LẠI QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CẢNG CẠN
Theo văn bản này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải căn cứ quy định của các Nghị quyết, ý kiến của các bộ ngành, chuyên gia để rà soát nội dung quy hoạch phát triển cảng cạn.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải căn cứ Nghị quyết số 61/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, Nghị quyết số 81/2023 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ý kiến của các Bộ (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Công an) cùng ý kiến của chuyên gia phản biện và Hội đồng thẩm định để rà soát nội dung Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Từ đó, đảm bảo quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thống nhất với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh có liên quan.
“Việc lựa chọn phương án quy hoạch phát triển cảng cạn từng giai đoạn đến năm 2025, năm 2030, năm 2050 xác định vị trí, quy mô, số lượng, diện tích sử dụng đất, dự án ưu tiên, khả năng kết nối phải có cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn qua kết quả triển khai quy hoạch thời gian qua, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng của từng vùng, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, bổ sung báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định và báo cáo tóm tắt quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định.
CẦN 34.000 TỶ ĐỒNG PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CẢNG CẠN ĐẾN NĂM 2030
Theo dự thảo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến nay, cả nước đã đầu tư, công bố và đưa vào khai thác 10 cảng cạn.
Ngoài ra, có 6 cảng thông quan nội địa (ICD) đang hoạt động thuộc các vị trí được quy hoạch cảng cạn nhưng các chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi thành cảng cạn theo quy định.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Cục Hàng hải Việt Nam, sau 4 năm thực hiện Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1201/QĐ-BGTVT ngày 11/6/2018, các cảng cạn được công bố đưa vào khai thác mới chiếm khoảng 15% tổng số cảng cạn được quy hoạch.
Hiện các cảng cạn, ICD trên phân bổ tập trung trên 5 hàng lang và khu vực kinh tế trong tổng số 15 hành lang và khu vực kinh tế có quy hoạch cảng cạn. Trong đó, hành lang kinh tế ven biển ở miền Bắc đã hình thành 4/5 cảng cạn được quy hoạch.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển cảng cạn giai đoạn 2022 - 2025 cần khoảng 9,5 - 15,3 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 cần khoảng 15,9 - 18,7 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2025, tập trung, khuyến khích đầu tư một số cảng cạn trên các hành lang vận tải kết nối với các cửa khẩu cảng biển lớn ở khu vực phía Bắc như: cảng biển Hải Phòng, cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn; khu vực phía Nam tại cảng biển thành phố Hồ Chí Minh, khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải, các cảng cạn gắn với các hành lang vận tải qua biên giới.
Đồng thời, ưu tiên đầu tư cảng cạn có vị trí kết nối được với hai phương thức vận tải, các vị trí gắn liền hoặc nằm gần các cụm khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung.
Để có thể thực hiện quy hoạch, Cục Hàng hải đưa ra giải pháp về huy động vốn đầu tư thông qua việc mở rộng và đa dạng hóa các hình thức đầu tư theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và khai thác cảng cạn bằng các hình thức theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, Cục Hàng hải cũng đề xuất xem xét áp dụng đầu tư phát triển cảng cạn theo theo hình thức đối tác công tư (PPP) với các cảng cạn có quy mô lớn theo hướng Nhà nước tạo điều kiện về quỹ đất, đầu tư kết nối đường sắt với cảng cạn, hoàn chỉnh môi trường pháp lý và ban hành cơ chế, chính sách phát triển cảng cạn và tư nhân đầu tư hạ tầng, thiết bị và tổ chức quản lý, khai thác cảng cạn.