14:22 24/04/2021

Hướng đến mục tiêu 1.440 tỷ đồng thu từ du lịch nội địa

Nếu duy trì tỷ lệ 41-45% đóng góp thu từ khách du lịch nội địa trong cơ cấu tổng thu toàn ngành thì đến năm 2025, thu từ khách du lịch nội địa sẽ đạt khoảng 740.000-810.000 tỷ đồng và đến năm 2030 sẽ là 1.310-1.440 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch

Nhằm phục hồi ngành du lịch và đảm bảo an toàn trong bối cảnh bình thường mới, ngành du lịch thực hiện nhiều chương trình và biện pháp phát triển du lịch nội địa, chuẩn bị điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại. Phóng viên VnEconomy có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch về vấn đề này.

Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa thể mở cửa đón khách quốc tế, do đó ngành du lịch phải xác định “sống chung với dịch bệnh”, thích ứng với “trạng thái bình thường mới”. Ông đánh giá thế nào về vai trò của du lịch nội địa trong phục hồi và phát triển ngành du lịch?

Du lịch nội địa có vị trí, vai trò rất lớn đối với phát triển du lịch Việt Nam thời gian qua. Giai đoạn 2011 - 2019, khách nội địa tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào tổng thu của ngành du lịch.

Nếu năm 2011, khách nội địa mới chỉ đạt 30 triệu lượt thì đến năm 2019, con số này đã tăng lên 85 triệu lượt (gấp hơn 2,8 lần), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 15%/năm. Mốc tăng trưởng mạnh nhất của khách nội địa là năm 2015, với 57 triệu lượt khách, tăng 50% so với năm 2014 và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong các năm tiếp theo.

Thời gian chuyến đi và mức chi tiêu bình quân/ngày của khách du lịch nội địa ngày càng có xu hướng tăng cao. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, thời gian chuyến đi bình quân của một khách nội địa là 3,7 ngày, chi tiêu bình quân của một khách nội địa khoảng từ 1,0 - 1,6 triệu đồng/ngày.

Khách nội địa ngày càng có nhu cầu sử dụng dịch vụ của các cơ sở lưu trú. Năm 2017, khách sử dụng dịch vụ lưu trú đạt khoảng 35,7/73 triệu lượt khách, năm 2018 tăng lên 38,6/80 triệu lượt và năm 2019 tiếp tục tăng lên 48,3/85 triệu lượt.

Với sự tăng trưởng cao về lượng (số lượt khách), mức chi tiêu, thời gian chuyến đi và lưu trú, khách nội địa ngày càng có đóng góp tích cực vào tổng thu của ngành du lịch.

Năm 2015, khách nội địa mới chỉ đóng góp 158.000 tỷ đồng vào tổng thu toàn ngành. Đến năm 2019, tăng lên 334.000 tỷ đồng (tương đương 14,5 tỷ USD), tăng 2,1 lần, tăng trưởng bình quân đạt khoảng 20,5%/năm. Thu từ khách nội địa chiếm khoảng 41 - 44% trong cơ cấu tổng thu toàn ngành.           

Du lịch an toàn trở thành một nhu cầu và sản phẩm mới
Du lịch an toàn trở thành một nhu cầu và sản phẩm mới
                                              

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của du lịch nội địa trong sự phát triển của ngành du lịch. Xin ông cho biết rõ hơn về điều này?

Cụ thể hoá các nghị quyết của Đảng, Luật Du lịch, nghị quyết của Chính phủ, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/01/2020 tiếp tục nhất quán khẳng định vị trí, vai trò của du lịch nội địa trong quan điểm, mục tiêu và định hướng, giải pháp.

Với quan điểm “Phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa; đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch; tăng cường liên kết nhằm phát huy lợi thế tài nguyên tự nhiên và văn hóa; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam”.

Chiến lược đã xác định mục tiêu đến năm 2025: ngành du lịch phục vụ ít nhất 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân từ 6 - 7%/năm. Nếu duy trì được tỷ lệ 41-45% đóng góp thu từ khách du lịch nội địa trong cơ cấu tổng thu toàn ngành thì đến năm 2025, thu từ khách du lịch nội địa sẽ đạt khoảng 740.000-810.000 tỷ đồng và đến năm 2030 sẽ là 1.310-1.440 tỷ đồng.

Điều này cho thấy du lịch nội địa đóng góp không hề nhỏ đối với sự phát triển của ngành du lịch.

Để phát triển du lịch nội địa đảm bảo an toàn trong bối cảnh bình thường mới, các doanh nghiệp du lịch cần lưu ý vấn đề gì, thưa ông?

Trong bối cảnh bình thường mới, nhu cầu và thói quen tiêu dùng của khách có thay đổi. Khách có xu hướng sử dụng công nghệ trong việc chuẩn bị trước chuyến đi, trải nghiệm cá nhân trong chuyến đi và cho ý kiến nhận xét sau chuyến đi. Khách du lịch có thiên hướng tới trải nghiệm ở những khu vực có thiên nhiên hoang sơ, văn hóa truyền thống đặc sắc và nguyên bản.

Về phía cung, hầu hết doanh nghiệp du lịch cần có những giải pháp phù hợp để đáp ứng nhu cầu của khách và tình hình địa phương, đặc biệt chú trọng việc tạo tâm lý an toàn cho khách du lịch.

 

Du lịch an toàn trở thành một nhu cầu và sản phẩm mới. Thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có chiến lược hay kế hoạch sẵn sàng trong việc định hướng phát triển du lịch sau đại dịch.

Doanh nghiệp phải giải quyết đồng thời 2 thách thức: nhân lực du lịch đang có xu hướng bị thu hẹp do hậu quả của đại dịch Covid-19 và chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, ứng dụng thương mại điện tử. Tuy nhiên, khả năng áp dụng công nghệ trong cung ứng các sản phẩm du lịch như lưu trú, vận chuyển, ăn uống và các dịch vụ liên quan... còn hạn chế.

Phát triển hạ tầng giao thông tại các trung tâm du lịch và các thành phố lớn có ý nghĩa  với ngành du lịch và các ngành kinh tế khác. Vì vậy, cần đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và liên kết giữa giao thông hàng không, đường sắt và đường bộ.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây thiệt hại rất lớn cho ngành du lịch, song cũng là cơ hội để ngành nhìn nhận, đánh giá lại quá trình phát triển của mình. Để thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, ông có khuyến nghị giải pháp gì?

Về cơ chế chính sách, tôi cho rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Tổng cục Du lịch yêu cầu các vụ chức năng xây dựng cơ chế, chính sách riêng biệt và cụ thể đối với thị trường khách du lịch nội địa để thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa phát triển mạnh và bền vững trong điều kiện mới.

 

Năm 2020, Việt Nam chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế (trong quý 1), khách nội địa giảm đáng kể chỉ đạt khoảng 49 triệu lượt (giảm 42,3% so với năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 200 nghìn tỷ đồng (bằng tổng thu năm 2013), ngành du lịch thiệt hại khoảng 530.000 tỷ đồng (tương  đương  23 tỷ USD).

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa sản phẩm và mang đậm tính vùng miền địa phương: du lịch thông minh, du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch nghệ thuật, du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm.

Khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch mới tại những khu vực còn khó khăn nhưng có tiềm năng du lịch ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực nông thôn một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

Cần tăng cường năng lực quản lý điểm đến, dịch vụ du lịch an toàn. Triển khai có hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch. Thiết lập, kết nối mạng lưới trong thúc đẩy du lịch nội địa. Đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và xúc tiến du lịch…