08:45 03/12/2007

IPO tại Mỹ có quá tầm tay?

Hồng Vinh

Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam còn rất rụt rè và nghĩ rằng Mỹ là thị trường vượt tầm với của mình

Mặt trước Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE).
Mặt trước Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE).
Ngày 1/12, tại Tp.HCM, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) kết hợp với tập đoàn tài chính Lea Management (Mỹ) đã tổ chức hội thảo “Phát hành ra công chúng: từ doanh nghiệp chưa niêm yết trở thành công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán Mỹ”.

Đây được xem là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu thông tin khi muốn tham gia IPO và niêm yết tại thị trường này.

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Mỹ đã thảo luận về các vấn đề như làm thế nào tăng vốn hoạt động nhanh chóng và dễ dàng, giảm nhu cầu về vốn đầu tư mạo hiểm và vốn tài trợ từ ngân hàng, thực hiện việc sáp nhập và mua lại, cung cấp cho các cổ đông kiến thức về tính thanh khoản của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận các thông tin hữu ích về việc tuân thủ các qui định của Luật Chứng khoán Mỹ, vấn đề định giá công ty, phương án sử dụng tiền thu được từ bán cổ phiếu...

Theo các chuyên gia kinh tế, Mỹ là thị trường vốn lớn nhất thế giới với số lượng nhà đầu tư đông đảo, nhiều nhà đầu tư lớn, mức độ thanh khoản cao. Thị trường này hiện có trên 250 quỹ đầu tư, mỗi quỹ quản lý trên 50 tỷ USD. Và khả năng để các doanh nghiệp Việt Nam huy động vốn từ thị trường này để mở rộng sản xuất là rất lớn.

Tuy nhiên, không dễ để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận với thi trường này vốn đầy tiềm năng này, mặc dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có khung pháp lý điều chỉnh hoạt động IPO và niêm yết tại thị trường chứng khoán quốc tế thông qua Nghị định 14 về “niêm yết và phát hành tại nước ngoài, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi có cơ hội niêm yết ra nước ngoài”.

Theo thống kê, hiện có trên 1.000 doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng đã và đang tăng nhanh hoạt động đầu tư gián tiếp vào Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư như VinaCapital, Indochina Capital, IGD Venture, Dragon Capital, AnphaCapital... Thế nhưng, hiện mới chỉ có 2 doanh nghiệp Việt Nam niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ. Đó là Công ty Cổ phần Quốc tế Hoàng Gia và Công ty Cavico Việt Nam.

Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp khác cũng đang tìm hiểu thị trường này, nhưng hầu hết các doanh nghiệp còn rất rụt rè và nghĩ rằng Mỹ là thị trường vượt tầm với của mình.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do các doanh nghiệp Việt Nam thiếu tự tin. Một số doanh nghiệp khác thì cho rằng có nhiều rào cản về thủ tục pháp lý như phải tuân theo chuẩn mực của Luật Chứng khoán Mỹ, Luật thuế Liên bang và Tiểu bang Mỹ... cùng hàng loạt các thủ tục, văn bản và các chuẩn mực mà phía Mỹ đưa ra ngặt nghèo hơn các thị trường khác.

Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam không tự tin lắm vào thực lực của mình và bị hạn chế về ngôn ngữ. Đây là một trong những rào cản hạn chế quá trình tiếp cận thị trường chứng khoán Mỹ.

Một khía cạnh khác cũng không kém quan trọng là khi tham gia thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam phải công khai chiến lược phát triển, doanh thu và dự kiến doanh thu, báo cáo tài chính... điều mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thực hiện tốt.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tài chính tại Mỹ, đại diện Lea Management nói sẽ giúp đỡ, hướng dẫn doanh nghiệp tư nhân các qui trình để trở thành một công ty đại chúng tại thị trường Mỹ thông qua đội ngũ các luật sư, kế toán, nhà phân tích tài chính, chuyên gia nghiên cứu thị trường và những người quản lý dự án trên toàn cầu.

Trong khuôn khổ hội thảo, Lea Management còn dành riêng hai ngày để thảo luận và tư vấn trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam để giúp họ nắm kỹ hơn về các quy trình, thủ tục và chi phí khi tiến hành IPO tại thị trường chứng khoán Mỹ.