10:08 19/09/2022

Khủng hoảng năng lượng “đe dọa” ngành du lịch châu Âu mùa đông này

Tường Bách

Du lịch châu Âu đã trở lại như trước đại dịch, du khách vào các nước trong Liên minh châu Âu (EU) theo thị thực Schengen không bị ràng buộc bất cứ quy định nào về phòng chống dịch như hộ chiếu vaccine hay đeo khẩu trang ở nơi công cộng…

Ảnh: Financial Times
Ảnh: Financial Times

Tuy nhiên, châu Âu lại đang đối mặt khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng, khiến ngành du lịch đối mặt với nhiều khó khăn vào những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023. Giờ đây, khi đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 dẫn khí từ Nga sang Đức đã ngừng hoạt động vô thời hạn, hệ quả của sự khan hiếm là giá năng lượng tại châu Âu dự báo sẽ tiếp tục tăng. Thụy Điển mới đây thông báo, nước này có khả năng mất điện vào mùa đông tới.

Trong khi đó, những quốc gia châu Âu khác liên tục phải đưa ra các biện pháp tiết kiệm điện. Mùa đông này, người ta cũng quan ngại về việc ánh sáng điện liệu có chiếu trên đất nước Thuỵ Sĩ, một trong những quốc gia giàu nhất thế giới? Câu hỏi này đang làm đau đầu đối với người dân vốn quen với cuộc sống vô lo. Bắt đầu từ tháng 10 tới, một loạt quốc gia châu Âu cũng sẽ tăng phí tiêu thụ cho việc sử dụng khí đốt và điện.

Trong tình hình đó, một công ty ở Anh đang khuyến khích du khách đặt những kỳ nghỉ đông năm nay ở nước ngoài để tránh việc phải thanh toán loạt hóa đơn năng lượng dự đoán sẽ có thể tăng rất cao. Công ty TravelTime World của nước này đã khởi động một chiến dịch tiếp thị có tên “The Heat Is On”, nhấn mạnh mức chi phí cực kỳ hấp dẫn cho một kỳ nghỉ dài ở nước ngoài.

Ashley Quint, chuyên viên thiết kế kỳ nghỉ tại công ty, cho biết ý tưởng này được khởi xướng sau khi có báo cáo rằng giới hạn giá năng lượng ở Anh có thể lên tới 7.000 bảng Anh (8.120 euro) một năm vào tháng 4/2023.

Để tiết kiệm điện, nhiều công trình kiến trúc có nguy cơ không còn được thắp sáng.
Để tiết kiệm điện, nhiều công trình kiến trúc có nguy cơ không còn được thắp sáng.

Theo tờ Euronews Travel, các điểm đến nước ngoài như Malta, miền Nam Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, có thể sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo trong tháng 1 và tháng 2/2023 khi thời tiết ở những nơi này vẫn vô cùng dễ chịu và ấm áp. “Du khách hoàn toàn có thể đặt được một khách sạn hay căn hộ (bao gồm cả chi phí chuyến bay và dịch vụ đưa đón) với giá khoảng 20 - 25 bảng Anh (23 - 29 Euro) mỗi đêm, nếu lưu trú dài ngày trong bốn tuần,” tờ báo viết.

Các điểm đến có thời tiết ấm áp hơn như Quần đảo Canary có thể sẽ đắt hơn. Đi đường dài, các chuyến bay đắt hơn, nhưng chỗ ở và chi phí sinh hoạt rẻ hơn, vì vậy du khách cần cân nhắc để tìm cho mình những lựa chọn thích hợp. Ban đầu, chiến dịch hướng tới những đối tượng đã nghỉ hưu, nhưng sau đại dịch những người có thể làm việc từ xa ngày càng nhiều nên phạm vi tiếp cận ngày càng được mở rộng.

Còn với du khách muốn đến châu Âu những tháng tới, các chuyên gia du lịch cho rằng hãy đặt phòng ngay từ bây giờ. Và hãy lựa chọn những cơ sở lưu trú cho phép hoãn, hủy đặt phòng. Đây là một trong những phương án tốt nhất giúp du khách không bị ảnh hưởng đến ví tiền, bởi sau hai năm dịch bệnh, giá phòng trung bình năm 2022 đã tăng 23% tại Italy, 21% tại Ireland, 17% ở Tây Ban Nha và 12% ở Anh... Giá trên Airbnb tăng 40% trong quý 2/2022 so với cùng kỳ 2019.

Con số này năm 2023 sẽ còn tăng cao, theo dự đoán của các chuyên gia đến từ STR, công ty chuyên cung cấp các dữ liệu cho khách hàng trong lĩnh vực lưu trú. Theo đó, giá khách sạn tại một số quốc gia nổi tiếng về du lịch như Hy Lạp, Croatia có thể tăng thêm 25%. Thậm chí, nhiều công ty lữ hành ký hợp đồng với các khách sạn Thổ Nhĩ Kỳ sang năm đang đối mặt với mức tăng giá phòng có thể lên tới 50%.

Hai nguyên nhân chính khiến giá phòng năm sau tiếp tục tăng là lạm phát và khủng hoảng năng lượng tại châu Âu. Giá điện giao vào năm tới của Đức giao dịch ở mức 995 USD mỗi MWh, trong khi giá ở Pháp tăng lên 1.100 USD, gấp hơn 10 lần ở cả hai nước so với năm ngoái. Tại Anh, cơ quan chính phủ quản lý năng lượng Ofgem cho hay sẽ tăng giá trần điện và khí đốt lên gần gấp đôi kể từ ngày 1/10.

Giá phòng khách sạn năm sau tiếp tục tăng là do lạm phát và khủng hoảng năng lượng tại châu Âu.
Giá phòng khách sạn năm sau tiếp tục tăng là do lạm phát và khủng hoảng năng lượng tại châu Âu.

Tại Bỉ, cô Katrien Vandenheuvel gần đây quyết định đóng cửa nhà hàng phục vụ khách du lịch của gia đình mình tại vùng Antwerp, sau khi nhận ra cô cần phải bán thêm khoảng 3.000 ổ bánh mì mỗi tháng mới đủ chi phí trang trải cho hoá đơn khí đốt gia tăng. Chưa kể, nhà hàng vốn đã phải trả thêm tiền cho các loại nguyên liệu bao gồm bột và phô mai so với trước kia. Trong khi đó, nếu tăng giá bán, khách hàng sẽ không còn tới nhà hàng.

“Chúng tôi không muốn nợ nần ngày càng nhiều. Không riêng tôi mà nhiều nhà hàng, khách sạn khác trong vùng, cũng như các nhà cung cấp nguyên liệu đều chứng kiến doanh thu sụt giảm bởi khách hàng không chấp nhận việc giá sản phẩm tăng và tôi nghĩ mọi chuyện sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn”, Katrien Vandenheuvel, doanh nhân 41 tuổi cho biết.

Những điều này đã khiến chính phủ nhiều nước châu Âu phải họp gấp, đưa ra các biện pháp để giải quyết tình trạng chi phí năng lượng ảnh hưởng tời ngành công nghiệp không khói. Bên cạnh đó, đại dịch cũng góp phần khiến ngành khách sạn, nghỉ dưỡng thế giới kiệt quệ trong hai năm. Vì vậy, các doanh nghiệp này sẽ không thể có nhiều chính sách ưu đãi nhằm hút khách. Bên cạnh đó, lượng khách quốc tế có nhu cầu tới châu Âu du lịch dự kiến vẫn sẽ tăng lên vào năm tới, sau một khoảng thời gian dài ai nấy phải ở nhà vì đại dịch, mà nguồn nhân lực trong ngành thì chưa kịp phục hồi.