12:04 09/07/2013

Kinh tế Đà Nẵng, những dấu hiệu “cần đặc biệt quan tâm”

Nguyễn Lê

Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng chuẩn bị tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt

Cầu Rồng tại Đà Nẵng. Ban Kinh tế và Ngân sách của Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng chất lượng tăng trưởng kinh tế của thành phố đang bộc lộ những dấu hiệu cần đặc biệt quan tâm.
Cầu Rồng tại Đà Nẵng. Ban Kinh tế và Ngân sách của Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng chất lượng tăng trưởng kinh tế của thành phố đang bộc lộ những dấu hiệu cần đặc biệt quan tâm.
Thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, sức mua giảm…, nhiều dự báo không mấy lạc quan về tình hình 6 tháng cuối năm 2013 đã được đưa ra tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 của Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng, sáng 9/7.

Nửa năm trước, phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng khi đó là ông Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh, năm 2012 tình hình kinh tế, xã hội thành phố phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có.

Sáng nay (9/7), tân Chủ tịch Trần Thọ đánh giá, nền kinh tế vẫn giữ được nhịp độ phát triển so với năm trước dù phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, khi phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 7 của Hội đồng Nhân dân thành phố.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến cho biết, GDP của Đà Nẵng ước tăng 7,1% so với năm 2012. Tuy nhiên, hoạt động của doanh nghiệp chậm phục hồi, thu ngân sách còn nhiều khó khăn, vốn tín dụng tăng chậm, quản lý nhà nước trong xây dựng cơ bản còn bất cập...

Thẩm tra báo cáo của UBND thành phố, Ban Kinh tế và Ngân sách của Hội đồng Nhân dân nhìn nhận, trong 6 tháng đầu năm GDP tăng 7,1 % là một cố gắng lớn của Đà Nẵng trong điều kiện hiện nay. Thu ngân sách đạt 44%, tổng chi ngân sách đạt 56,5% so với dự toán, tuy chưa đảm bảo tiến độ nhưng số thu nội địa từ thuế, phí đạt 50,6% so với cùng kỳ năm trước, cơ cấu nguồn thu chuyển dần theo hướng tích cực hơn.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, chất lượng tăng trưởng kinh tế của thành phố đang bộc lộ những dấu hiệu cần đặc biệt quan tâm.

Sau nhận định này, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách Mai Đức Lộc nhấn mạnh việc tăng thu ngân sách từ phát sinh kinh tế chưa vững chắc. Tổng vốn đầu tư xã hội giảm tới 23,8% so với cùng kỳ là điểm cần tập trung để cải thiện môi trường kinh doanh của thành phố. Bên cạnh đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giảm trong khi chỉ số giá (CPI) có xu hướng tăng. Hoạt động của các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn do sức mua thị trường còn thấp, công nghệ lạc hậu và vẫn khó tiếp cận tín dụng...

Báo cáo thẩm tra cũng cho rằng, thành phố chưa có cơ chế đủ mạnh trong hỗ trợ doanh nghiệp nên sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp. Việc thu hồi và hỗ trợ cho nông dân về đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng của các dự án chưa được xử lý thấu đáo. Bên cạnh đó, đền bù và hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp trong các dự án giao thông do các đơn vị Trung ương làm chủ đầu tư có sự khác biệt so với các địa phương khác cũng gây bức xúc trong nhân dân vùng giải tỏa.

Trong khi nhiều dự án tạm dừng hoặc không triển khai, việc các khu đất lớn trên các tuyến đường chính kéo dài thời gian thi công hoặc bỏ trống quá lâu gây phản cảm trong xã hội cũng là điều được lưu ý tại báo cáo thẩm tra.

Nhấn mạnh một số điểm trong 6 tháng cuối năm, Ban Kinh tế và Ngân sách cho rằng việc tập trung xử lý các yếu tố tác động xấu đến môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh là rất cần thiết, trong đó đặc biệt chú ý ban hành chính sách hỗ trợ mới cho doanh nghiệp.

Trong đầu tư phát triển và quản lý đô thị, Ban Kinh tế và Ngân sách nhấn mạnh cần xem lại chủ trương không di dời giải tỏa vào năm 2014. Để tạo nguồn vốn tái đầu tư xây dựng thêm các khu chung cư đề nghị UBND thành phố nghiên cứu việc bán căn hộ chung cư bên cạnh việc thực hiện cơ chế cho thuê hiện nay.

Với dự báo tình hình thu ngân sách sẽ có những khó khăn, nhất là khoản thu tiền sử dụng đất, Ban Kinh tế và Ngân sách đề nghị điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, đảm bảo kinh phí ưu tiên cho các công trình trọng điểm của thành phố, thực hiện các chính sách an sinh xã hội và đảm bảo nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình của Chính phủ.

Việc thanh toán các khoản nợ vay khi đến hạn, chú ý việc bảo đảm điều kiện để được phép phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (đợt 2) và phương án trả nợ, kiểm soát chi cũng được báo cáo thẩm tra lưu ý.

Theo chương trình, phiên thảo luận chung về kinh tế xã hội và các vấn đề của kỳ họp sẽ diễn ra trong chiều 9/7.

Vào sáng 10/7, Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt của thành phố và công bố kết quả ngay trong cuối buổi sáng.