08:50 17/05/2023

Lạm phát làm thay đổi ngành bán lẻ Bắc Mỹ

Tuệ Mỹ

Những kỳ vọng đã được Mỹ đưa ra khi lạm phát giảm xuống 4,9% vào tháng 4 sau khi đạt đỉnh 9,1% hồi tháng 6/2022. Trong khi đó, chính quyền Biden cũng chấm dứt tình trạng khẩn cấp về đại dịch, bao gồm lệnh hạn chế đi lại liên quan đến Covid-19...

Ảnh: Wall Street Journal
Ảnh: Wall Street Journal

Tuy nhiên, lạm phát vẫn đang cản trở kế hoạch đi du lịch và chi tiêu của hầu hết người Mỹ vào mùa hè này. Theo cuộc khảo sát gần đây của Bankrate, nhà cung cấp dữ liệu tài chính tiêu dùng, 63% người Mỹ trưởng thành dự định đi du lịch, trong khi 80% người dân nói rằng họ đang tìm cách tiết kiệm tiền. Theo CNN, những chuỗi cửa hàng lớn tại Mỹ bao gồm Nordstrom, Walmart, Whole Foods, Starbucks và CVS gần đây đã đóng cửa tại một số thành phố lớn của Mỹ, làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về tương lai của ngành bán lẻ nước này.

Tuần trước, chuỗi cửa hàng bách hóa cao cấp Nordstrom thông báo sẽ đóng cửa hai cửa hàng ở thành phố San Francisco. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy các nhà bán lẻ đang rút bớt khỏi các khu trung tâm đô thị.  Ông Terry Shook, một đối tác sáng lập của công ty tư vấn Shook Kelly cho biết việc gia tăng việc làm từ xa đã khiến nhu cầu mua sắm ở trung tâm thành phố - vốn được thiết kế để phục vụ cho nhân viên văn phòng đi lại hàng ngày – đang giảm dần đi.

Theo Wall Street Journal, nhiều thành phố lớn của Mỹ, tỷ lệ lấp đầy văn phòng trung bình vẫn chỉ bằng khoảng một nửa so với trước đại dịch Covid-19. Điều này làm giảm lượng khách đáng kể đối với nhiều quán bar, nhà hàng và các nhà bán lẻ khác thường phục vụ đội ngũ nhân viên công sở ở các cao ốc văn phòng làm việc năm ngày/tuần trước đây. Theo nhà cung cấp phần mềm bất động sản MRI Springboard, lưu lượng người đi bộ tại các trung tâm đô thị của Mỹ giảm khoảng 25% trong tháng 4/2023 so với cùng tháng năm 2019.

Lạm phát làm thay đổi ngành bán lẻ Bắc Mỹ - Ảnh 1

Ông Nicholas Bloom, nhà nghiên cứu kinh tế của Đại học Stanford cho rằng một nhân viên văn phòng điển hình hiện đang chi tiêu giảm đi khoảng 2.000 đến 4.600 đô la mỗi năm ở các trung tâm thành phố. Viện JPMorgan Chase cho biết người dân đã rời ra khỏi các thành phố đắt đỏ như San Francisco và New York để đến các thành phố chi tiêu rẻ hơn ở Vành đai Mặt trời như Phoenix và Houston. Vì thế, một số nhà hàng và nhà bán lẻ hiện đang chuyển vị trí kinh doanh từ các khu đô thị nhộn nhịp một thời đến các khu ngoại ô gần đó.

Bên cạnh đó, dữ liệu từ Viện Ngân hàng Mỹ được công bố vào ngày 10/5 cho thấy tốc độ tăng lương của các gia đình kiếm được hơn 125.000 USD/năm đang chậm lại so với những hộ có thu nhập thấp hơn. Xu hướng tiêu dùng cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Kể từ đầu năm 2023, chi tiêu tùy ý của những người có mức lương cao với thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ thuộc Bank of America (BofA) đang xếp sau nhóm còn lại, theo Yahoo News. Điều đó minh chứng cho việc giới nhà giàu ở xứ cờ hoa không còn dễ dàng kiếm tiền hoặc có tài chính mạnh như trước đây.

“Sự suy thoái của thị trường lao động có tác động lớn đến toàn bộ nền kinh tế. Tính đến thời điểm hiện tại, nó đang bắt đầu hạ nhiệt, vì vậy có thể sẽ mất một thời gian trước khi có các yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức chi xuất hiện”, BofA viết trong một lưu ý cho khách hàng. Trong lĩnh vực bán lẻ, thời trang cao cấp là một trong những mặt hàng lao đao nhiều nhất, giảm 15% so với năm ngoái. Còn với ngành dịch vụ, chỗ ở giảm hơn 3% trong khi sức chi tại các hãng hàng không tụt xuống 4,5%.

Trong lĩnh vực bán lẻ, thời trang cao cấp là một trong những mặt hàng lao đao nhiều nhất, giảm 15% so với năm ngoái.
Trong lĩnh vực bán lẻ, thời trang cao cấp là một trong những mặt hàng lao đao nhiều nhất, giảm 15% so với năm ngoái.

Doanh số bán hàng giảm gấp đôi so với những gì các nhà phân tích đã dự đoán vào tháng 3/2023. Một số chuyên gia kinh tế nhận định bức tranh tổng thể sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. “Dữ liệu hàng tháng cho thấy sức mua của người tiêu dùng đã mất đà trong vài tháng qua. Hơn nữa, họ ngày càng phụ thuộc vào tín dụng và dự trữ tiền mặt để trang trải cho việc mua sắm. Theo quan điểm của chúng tôi, những yếu tố này không bền vững”, Jay Bryson, nhà kinh tế trưởng của Wells Fargo, nói.

Một số thương hiệu lớn tại xứ cờ hoa cũng đưa ra những cảnh báo tương tự trong thống kê của họ. Chẳng hạn, Amazon nhận thấy xu hướng chi tiêu thận trọng. Công ty 3M tìm ra điểm yếu trong thị trường hướng tới người tiêu dùng. Nhìn chung, triển vọng về nền kinh tế đang khá ảm đạm.

Không chỉ ở Mỹ, tác động ngày càng rõ rệt của lạm phát đã buộc nhiều người dân Canada phải cắt giảm những chi tiêu không thiết yếu để có thể trả được những khoản vay thế chấp đang bị đội lên do lãi suất tăng và mua được những nhu yếu phẩm thiếu yếu liên tục bị đẩy giá. Số liệu từ báo cáo của tập đoàn bán lẻ Canadian Tire công bố ngày 12/5 cho thấy nhu cầu đối với hàng hóa không thiết yếu đã giảm hẳn và người tiêu dùng bắt đầu có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm thiết yếu có giá rẻ hơn.

Lạm phát làm thay đổi ngành bán lẻ Bắc Mỹ - Ảnh 2

Tổng chi tiêu của người tiêu dùng đã chậm lại lần đầu tiên kể từ năm 2020 và giảm ở tất cả các nhóm thu nhập ở tất cả các cửa hàng. Giám đốc điều hành Canadian Tire, ông Greg Hicks, nhận định tỷ lệ lạm phát cao đã khiến khách hàng phải ưu tiên cho các sản phẩm thiết yếu thay vì những mặt hàng không thật sự cần thiết và có giá cao. 

Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận ở một số công ty khác như Whirpool (chuyên sản xuất và bán thiết bị gia dụng đa quốc gia) và UPS (công ty vận chuyển bưu kiện quốc tế của Mỹ). Cụ thể, báo cáo doanh thu của Whirpool giảm do tâm lý người tiêu dùng thay đổi, dẫn đến ít mua thiết bị đắt tiền.

UPS cũng nhận thấy khách hàng giảm nhu cầu mua hàng không thiết yếu, khiến doanh thu bán lẻ ở Bắc Mỹ sụt giảm. Theo Giám đốc điều hành của UPS Carol Tome, các mặt hàng thực phẩm đang chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách của các hộ gia đình và người tiêu dùng ở Bắc Mỹ đang hướng thu nhập của họ tránh xa nhiều loại hàng hóa và dịch vụ.