14:34 04/07/2009

Liệu Việt Nam có khởi kiện Bộ Thương mại Mỹ?

Thúy Nhung

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã có phán quyết được xem là thiếu công bằng với sản phẩm tôm đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam

Theo đại diện của VASEP, mức thuế chống bán phá giá DOC áp dụng đối với sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam là không hợp lý.
Theo đại diện của VASEP, mức thuế chống bán phá giá DOC áp dụng đối với sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam là không hợp lý.
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã có phán quyết được xem là thiếu công bằng với sản phẩm tôm đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã chính thức có đơn đề nghị Chính phủ đứng ra khởi kiện DOC về vấn đề này lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đại diện của VASEP cho biết, DOC đã áp dụng phương pháp “quy về không” (zeroing) để tính biên độ phá giá đối với sản phẩm tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam đang chịu thuế chống bán phá giá từ 4,13 – 25,76% khi đưa hàng vào thị trường này.

Theo đại diện của VASEP, khi Việt Nam xuất khẩu tôm vào Mỹ, giá tôm phụ thuộc vào cỡ tôm, cỡ càng to thì giá càng cao. Nước ta phần lớn xuất tôm to, cho nên giá bình quân khá cao. Chính vì thế trước đây thuế suất của Hoa Kỳ áp dụng  đối với sản phẩm này của Việt Nam là tương đối thấp, so với các nước khác.

Nhưng không phải lô tôm nào nước ta xuất sang Mỹ cũng đạt mức giá cao vì cũng có những lô tôm cỡ nhỏ nên giá phải  thấp hơn. Trong khi cách tính của DOC là lô nào giá cao hơn so với giá trung bình của cỡ tôm đó, họ bỏ qua không xem xét. Đối với những lô giá thấp hơn thì bị quy là bán phá giá. “Như vậy là không công bằng và  không theo các nguyên tắc của WTO”, đại diện VASEP cho hay.

Ngoài ra, trong đợt rà soát hành chính lần thứ 2 (POR2) của Hoa Kỳ đối với các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm, có khoảng 30 doanh nghiệp đăng ký tham gia nhưng DOC chỉ chọn có 2 doanh nghiệp để điều tra bắt buộc.  

Theo VASEP, DOC đã sử dụng các phương pháp tính và áp đặt biên độ chống bán phá giá rất bất công và không phù hợp với quy định tại các điều 1, điều 6 và điều 9 trong Hiệp định Chống bán phá giá của WTO.

Hơn nữa, quyết định của DOC đã làm cho các doanh nghiệp Việt Nam bị mất đi lợi thế cạnh tranh với các nước xuất khẩu tôm khác vào Mỹ như Thái Lan mức  thuế là 3,18%, Ấn Độ là 1,6%...

Hiện đề nghị của VASEP vẫn chưa được chấp nhận, các cơ quan chức năng đang xem xét. Tuy nhiên theo đánh giá của một quan chức Bộ Công Thương, nếu Việt Nam kiện DOC lên WTO, khả năng thành công là rất cao. Theo quan chức này, tinh thần chủ đạo của Hiệp định Chống bán phá giá của WTO không phải là để thu thuế chống bán phá giá mà là để loại bỏ hành vi bán phá giá.

Khi Việt Nam chính thức khởi kiện DOC lên WTO, WTO sẽ yêu cầu hai bên ngồi lại với nhau để thảo luận và đưa ra ý kiến. Nếu Hoa Kỳ đồng ý với phương án đó, họ sẽ huỷ bỏ quyết định liên quan đến cái việc áp dụng mức thuế chống bán phá giá hiện nay đối với sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam.

Còn nếu Hoa Kỳ không đồng ý họ sẽ phải đưa ra lý do. WTO sẽ căn cứ trên nguyên tắc đã cam kết để đưa ra hình thức phạt cho bên vi phạm.