16:24 29/07/2019

Lợi nhuận hàng loạt “ông lớn” ngành chứng khoán lao dốc

Nguyên Minh

Trong nửa đầu năm 2019, các công ty có mức sụt giảm lợi nhuận lớn nhất lại là các "ông lớn" trong ngành

Thống kê trên 20 công ty chứng khoán lớn trên thị trường cho thấy, trong nửa đầu năm 2019, các công ty có mức sụt giảm lợi nhuận lớn nhất lại là các "ông lớn" trong ngành.

Cụ thể, có 13/20 công ty chứng khoán có tổng doanh thu hoạt động trong kỳ sụt giảm và 12 công ty sụt giảm về lợi nhuận.

Xét về giá trị tuyệt đối, ông lớn SSI vẫn đứng đầu ngành về cả doanh thu lẫn lợi nhuận, tuy nhiên công ty này lại xếp thứ 7 về mức sụt giảm doanh thu và xếp thứ 5 trong danh sách sụt giảm lợi nhuận lớn nhất trong 6 tháng.

Báo cáo tài chính riêng của SSI cho thấy tự doanh trong kỳ giảm 25%, thu từ margin cũng giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, hoạt động môi giới chỉ mang lại doanh thu 284,8 tỷ đồng, giảm tới 60%.

Do đó, tổng doanh thu hoạt động của SSI trong nửa đầu năm giảm 23,5%, đạt 1.435 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm tới 44,7%, còn lại 391 tỷ đồng.

Kỳ này, BSC đứng chót bảng khi có mức giảm cả doanh thu lẫn lợi nhuận đều lớn nhất. Riêng trong quý 2, doanh thu lợi nhuận của công ty chứng khoán này cũng đã lần lượt giảm tới 60% và 83% khi các hoạt động trong kỳ đều mang lại doanh thu không như mong đợi.

Lũy kế 6 tháng, tổng doanh thu hoạt động chỉ mang về 291 tỷ đồng, sụt giảm 50,6%. Cụ thể trong kỳ, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL chỉ mang về 149,6 tỷ đồng, giảm 60%. Doanh thu từ hoạt động môi giới cũng giảm tới 44%. Do đó, lợi nhuận trước thuế đạt 62,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm giảm tới 69,7%, đạt 50,6 tỷ đồng. Với kết quả này, BSC mới chỉ đạt được 28% kế hoạch lợi nhuận năm.

Cùng trong danh sách top 5 công ty chứng khoán lớn có mức giảm lợi nhuận lớn nhất trong nửa đầu năm cùng với SSI và BSC là HSC, Rồng Việt (VDSC) và VNDirect (VND).

Lợi nhuận hàng loạt “ông lớn” ngành chứng khoán lao dốc - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo tài chính các công ty, SSI(*) là báo cáo tài chính công ty mẹ

Tổng doanh thu của 20 công ty chứng khoán trên trong 6 tháng đạt 8.591 tỷ đồng, giảm 17,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng lợi nhuận sau thuế giảm tới 29,3%, đạt 2.363 tỷ đồng.

VN-Index trong 6 tháng mặc dù có tăng (+6,4%) tuy nhiên thanh khoản bình quân 2 sàn đạt 4.327 tỷ đồng/phiên, giảm gần 32% so với trung bình năm 2018.

Diễn biến không thuận lợi phản ánh ngay vào kết quả của các công ty chứng khoán khi trong 20 doanh nghiệp chứng khoán lớn, doanh thu hoạt động môi giới đồng loạt giảm, ngoại trừ VPBS có mức tăng nhẹ 7,2%, toàn bộ 19 công ty chứng khoán lớn trên đều chứng kiến doanh thu môi giới đi xuống.

Đối với nhiều doanh nghiệp, mảng môi giới năm ngoái đóng góp tới 40-50% tổng doanh thu như KIS, FPTS, TVSI, MBKE, ACBS thì năm nay tỷ trọng của mảng này cũng đã giảm mạnh.

Thay vào đó, các công ty chứng khoán tìm cách gia tăng nguồn thu, đặc biệt từ hoạt động margin, đẩy lợi nhuận từ cho vay và phải thu trong kỳ lên nhằm bù đắp cho sự sụt giảm từ tự doanh và môi giới.

Tăng mạnh nhất trong kỳ là Mirae Asset khi lãi từ cho vay và phải thu trong 6 tháng đạt 222,6 tỷ đồng, tăng 161% và đóng góp 56% vào tổng doanh thu, giúp doanh thu và lợi nhuận 6 tháng lần lượt tăng 46,2% và 74% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện tượng này diễn ra nhiều ở các công ty chứng khoán có quy mô nhỏ hơn, cùng với Mirae Asset là KIS, AGR có mức tăng lãi thu lần lượt là 60% và 45%, mảng này cũng đóng góp lần lượt 55% và 59% vào tổng doanh thu hoạt động của 2 công ty trên.

Ở không ít công ty chứng khoán, lợi nhuận thu từ lãi margin lại trở thành nguồn thu chủ yếu với tỷ lệ Lãi từ cho vay và phải thu/Tổng doanh thu hoạt động cao như PHS (68%), VDSC (63%). Trong khi đó, ở các công ty đầu ngành, tỷ lệ này chỉ duy trì ở mức dưới 30%, và ở các doanh nghiệp này thu nhập từ margin cũng sụt giảm trong kỳ như SSI, HSC, MBS, BSC...