Lưu ý đề kiềm chế lạm phát trong bối cảnh tăng lương
Tại kỳ họp này Quốc hội xem xét thông qua cải cách tiền lương là một điểm nhấn và một dấu ấn mang tính lịch sử, thời sự. Cải cách chính sách tiền lương không những nhằm mục tiêu nâng cao đời sống của người hưởng lương mà còn nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội lưu ý một số vấn đề trong đó có việc kiềm chế lạm phát trong bối cảnh tăng lương...
Trong năm 2024, điểm nhấn chính là vấn đề tăng lương. Thực hiện Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã đưa ra đề án cải cách tiền lương và sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Theo đề án, lương của cán bộ công chức và các lực lượng liên quan sẽ tăng từ ngày 1/7/2024.
560.000 TỶ ĐỒNG PHỤC VỤ CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG TRONG 3 NĂM 2024- 2026
Đề cập vấn đề này tại phiên họp tổ của Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, cải cách chính sách tiền lương là một tư duy đột phá hoàn toàn, phù hợp với xu thế của thế giới hiện nay và phù hợp với kinh tế thị trường.
Để thực hiện cải cách chính sách tiền lương là một sự nỗ lực vượt bậc của của cả hệ thống chính trị, tất cả các cấp, các địa phương trong thời gian qua, để có thể có được nguồn lực để cải cách tiền lương.
Đây là sự nỗ lực rất lớn để có đủ nguồn cho cải cách chính sách tiền lương như Thủ tướng đã báo cáo là 560.000 tỷ đồng phục vụ cải cách tiền lương trong 3 năm 2024- 2026.
Xác định và trả lương theo vị trí việc làm, theo chức danh lãnh đạo, quản lý. Đây là một vấn đề mới và thay thế hoàn toàn bảng lương theo hệ số lương đã tồn tại từ năm 2004.
Theo Bộ trưởng, cải cách chính sách tiền lương không những nhằm mục tiêu nâng cao đời sống của người hưởng lương mà còn nhằm nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đây cũng là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này cũng nhằm mục tiêu cơ cấu lại và nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sắp xếp lại đầu mối tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Nói về những điểm mới trong cải cách tiền lương, Bộ trưởng cho biết, xác định và trả lương theo vị trí việc làm, theo chức danh lãnh đạo, quản lý. Đây là một vấn đề mới và thay thế hoàn toàn bảng lương theo hệ số lương đã tồn tại từ năm 2004.
Từ khi thành lập nước đến nay, qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương nhưng chưa lần nào đồng bộ, toàn diện, căn bản như lần này. Chính sách lương mới rất tiến bộ, rất công bằng, thực sự hài hòa và hợp lý, Bộ trưởng thông tin.
Một điểm mới trong trong cải cách chính sách tiền lương là cơ cấu lại để tính tỷ lệ lương cơ bản, tính tỷ lệ cho phần phụ cấp và loại hết tất cả những cơ chế chính sách tiền lương đặc thù. Theo đó sẽ chỉ còn lại bảng lương cơ bản và lương phụ cấp. Đồng thời bổ sung thêm 10% mức lương cơ bản để thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ thưởng cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đây là một vấn đề rất mới phù hợp với xu thế công bằng, tiến bộ.
Điều này cũng sẽ dẫn đến một vấn đề có khoảng 36 các đơn vị, ngành không còn được hưởng lương đặc thù. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cần hướng tới sự công bằng cho tất cả những người được hưởng lương công chức, viên chức.
NHỮNG LƯU Ý KHI THỰC HIỆN CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG
Vấn đề đặt ra, hiện nay mới chuẩn bị nguồn đến năm 2026, còn sau năm 2026 nếu không nỗ lực thì sẽ khó có thể thực hiện được. Để thực hiện được mục tiêu có được nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách bền vững và đảm bảo được tốc độ tăng trưởng hàng năm thì phải tập trung một số nhiệm vụ chính.
Theo đó, nhiệm vụ hàng đầu là tập trung để tạo ra được một nguồn lực về mặt tài chính thật sự bền vững. Bộ trưởng cho rằng, bắt đầu từ 2026 trở đi nếu không tính đến việc tăng thu, tiết kiệm chi thì rất khó khăn để tiếp tục thực hiện việc trả lương.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai lưu ý kiềm chế lạm phát trong bối cảnh tăng lương. Bởi mỗi lẫn điều chỉnh lương, có những tác động tiêu cực lạm phát, giá cả tăng cao.
Ngoài ra cũng cần lưu ý việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức, bởi vì có những vấn đề không thể đồng bộ hết, sẽ có những bất cập nảy sinh, ví dụ như với 36 đơn vị đang được hưởng chính sách lương đặc thù tới đây chỉ hưởng lương bảo lưu như hiện hưởng, không tăng thêm nữa.
Ngoài ra, cần tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn, giảm số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước để có thêm nguồn cho thực hiện cải cách tiền lương.
Chia sẻ vấn đề này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng lưu ý vấn đề kiềm chế lạm phát trong bối cảnh tăng lương. Bởi mỗi lẫn điều chỉnh lương, có những tác động tiêu cực lạm phát, giá cả tăng cao.
Hiện nay, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2023 có 31% các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi vấn đề giá cả tăng cao. “Nếu tăng lương không kèm theo các biện pháp kiềm chế lạm phát thì ý nghĩa của việc tăng lương cũng không được đảm bảo”, đại biểu nói.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh ngân sách hiện nay còn chừng mực thì việc tăng lương là sự nỗ lực cố gắng lớn. Tuy nhiên đại biểu mong muốn điều này mang tính thực chất, không cào bằng.
Theo quy định của Nghị quyết 27, khi tăng lương sẽ không còn các khoản phụ cấp khác. Do đó, Chính phủ cần lưu ý vấn đề khi không còn các phụ cấp, sẽ không ảnh hưởng tới thu nhập của những đối tượng này. Đại biểu cũng lưu ý vấn đề đi cùng với tăng lương cũng cần tinh giản biên chế để bộ máy hiệu quả.
Chính phủ cho biết đã tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560 nghìn tỷ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW từ ngày 01/7/2024 trong 3 năm 2024-2026. Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.