Mạng CDMA: Chờ sự bứt phá
Với thế cân bằng mới về mặt lực lượng, thị trường viễn thông di động đang chờ đợi những bứt phá từ thế hệ mạng sử dụng công nghệ CDMA
Với thế cân bằng mới về mặt lực lượng, thị trường viễn thông di động đang chờ đợi những bứt phá từ thế hệ mạng sử dụng công nghệ CDMA.
Hôm qua (15/1), với việc HT Moblie chính thức khai trương đầu số 092, làng viễn thông di động Việt Nam đã chính thức ở trạng thái cân bằng giữa nhóm các nhà cung cấp dịch vụ sử dụng công nghệ GSM (Vinaphone, MobiFone, Viettel Mobile) và nhóm sử dụng công nghệ CDMA (EVN Telecom, S-Fone, HT Mobile).
Với "quân số" đôi bên ngang nhau, ít nhất cho đến tận năm 2010, theo quy hoạch về các mạng di động của Bộ Bưu chính Viễn thông, và với nhiều ưu việt về mặt công nghệ, thị trường đang chờ đợi sự đột phá thực sự của thế hệ mạng CDMA, bởi những năm qua, sự phát triển của CDMA vẫn còn ì ạch và chưa tạo được tên tuổi thực sự trên thị trường.
Đơn cử mới đây, khi Giải thưởng mạng và hãng điện thoại di động được ưu chuộng nhất năm 2006 (Vietnam Mobile Awards 2006) công bố kết quả, ngoài giải thưởng chính là mạng di động được ưu chuộng nhất năm 2006 thuộc về MobiFone, những giải thưởng phụ khác như mạng chăm sóc khách hàng tốt nhất, mạng có thương hiệu được nhiều người biết đến... vẫn chưa có tên của nhà khai thác nào dùng công nghệ CDMA.
Ngay như anh cả của CDMA là S-Fone, sau nhiều năm cũng mới lẹt đẹt ở con số 1,5 triệu thuê bao tích lũy, trong khi đó Viettel Mobile - ra mắt thị trường sau S-Fone - nay đã đạt con số 7,5 triệu thuê bao.
Sự chậm tiến của CDMA không nằm ở giá cước, các dịch vụ giá trị gia tăng, vì ở mặt này CDMA có phần nhỉnh hơn, mà có lẽ nằm ở tính phổ thông của CDMA.
Tính phổ thông của CDMA đang gặp trở ngại ở các thiết bị đầu cuối. S-Fone đã khá nhanh chóng cung cấp khả năng dùng SIM, tuy nhiên vẫn không thể “phủ sóng” đến với khách hàng trên diện rộng do giá máy còn cao, kèm theo đó là không có nhiều mẫu mã hấp dẫn. Các nhà cung cấp trên nền công nghệ CDMA cũng không sớm khai thác tối đa sức mạnh vốn có của CDMA để làm đòn bẩy cạnh tranh, hoặc nếu có thì giá dịch vụ vẫn còn ở mức khó cho nhiều thượng đế.
Vì thế, dù lực lượng đã lớn mạnh, song ở phía bên kia, các “bô lão” của công nghệ GSM chưa hề nao núng trước các “trai trẻ” của công nghệ CDMA.
Một nhà khai thác GSM tự tin nói với VnEconomy rằng GSM sẽ tiếp tục giữ vị thế thượng phong trên thị trường viễn thông di động Việt Nam, chừng nào những điểm yếu của CDMA còn chưa được khắc phục, trong đó có yếu tố thiết bị cầm tay.
Có lẽ do rút được kinh nghiệm của những nhà tiên phong, em út của CDMA là HT Mobile đã sớm phủ sóng toàn quốc rồi mới chính thức khai trương sau nhiều lần lỡ hẹn, đồng thời cung cấp hàng loạt các dịch vụ giá trị gia tăng ưu việt so với GSM. Ngoài ra, HT Mobile còn tạo cú sốc trên thị trường, song đó không phải là cú sốc từ sức mạnh của công nghệ CDMA mà là từ chương trình khuyến mại rất quy mô dành cho các thượng đế.
Điểm bão hòa của thị trường viễn thông di động tại Việt Nam còn đang nằm ở thì tương lai, nếu "phe" CDMA tăng cường hợp tác để khai thác một cách hiệu quả các dịch vụ giá trị gia tăng, họ vẫn có quyền hy vọng lật ngược thế cờ.