11:16 18/08/2016

Món ngon nhờ… chảo

PV

Món ngon nhờ… chảo - Ảnh 1
Bởi không phải chỉ cần chọn được đúng kích cỡ chảo dùng, việc chọn lựa chất liệu cũng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình nấu nướng thực phẩm. Với từng kiểu nấu nướng khác nhau, bạn sẽ cần tới những chất liệu, thiết kế chảo khác nhau. Ví dụ, chảo dùng cho các món nướng sẽ khác các loại chảo dùng để chiên, xào ít dầu; chảo dùng làm các món sốt chắc chắn cũng phải có thiết kế riêng phù hợp; và chảo để chiên ngập dầu chắc chắn cũng sẽ có thiết kế rất khác… 1.    Chảo nhôm thô Ưu điểm:
- Giá thành thuộc loại rẻ nhất trên thị trường hiện nay (có khi chỉ khoảng vài chục ngàn đồng/cái).
- Chảo có trọng lượng siêu nhẹ với khả năng chống trầy xước cao, bạn có thể thoải mái dùng các loại xẻng, muỗng… để đảo thức ăn khi xào nấu với chảo nhôm.
- Chảo có thành mỏng, dẫn nhiệt rất nhanh, toả nhiệt đều nên thích hợp cho các món xào ít dầu hoặc các món cần tác dụng nhiệt nhanh như bánh xèo, cơm chiên…
Nhược điểm:
- Không dùng được trên bếp từ hay lò nướng.
- Dễ bị móp méo, dễ ngả màu sau quá trình nấu nướng, dễ bị ăn mòn bề mặt, khó vệ sinh để lấy lại vẻ trắng đẹp như ban đầu.
- Nếu dùng chảo để chế biến các loại thực phẩm có nhiều muối hay có chứa nhiều kiềm, acid như cà chua, các loại rau có lá, các loại quả họ cam… sẽ gây ra phản ứng khiến bề mặt chảo bị nổi một lớp bột màu trắng xám rất độc cho cơ thể nếu sử dụng chảo nhôm giá rẻ, nguồn nhôm không nguyên chất…
- Ngoài ra, khi dùng chảo nhôm thô để nấu một số loại món ăn nhất định (ví dụ các loại sốt màu trắng…) thì có thể khiến món ăn bị đổi màu.
- Để thực phẩm đã qua chế niến như cá kho, thịt kho hay dưa muối, cà muối lâu trong nồi nhôm sẽ gây ra phản ứng muối nhôm rất độc cho cơ thể.

Món ngon nhờ… chảo - Ảnh 2

2.    Chảo nhôm mạ/ôxi hoá bề mặt Là loại chảo nhôm được xử lý bề mặt bằng công nghệ ôxi cứng hoá bề mặt nhôm, giúp cho sản phẩm có độ bền cao, chống ăn mòn, chịu được nhiệt cao, khả năng chống dính tốt mà vẫn giữ được đặc tính tốt của nhôm thô là nhẹ, hấp thụ nhiệt tốt, dẫn nhiệt nhanh, toả nhiệt đều. Chảo nhôm sử dụng công nghệ ôxi hoá cứng sẽ có bề mặt màu đen còn công nghệ ôxi hoá mềm sẽ có màu xám trắng. Công nghệ ôxi hoá cứng sẽ bền hơn, giá thành cao hơn so với công nghệ ôxi hoá mềm. Ưu điểm:
- Truyền nhiệt nhanh, toả nhiệt đều giúp thức ăn chín nhanh, giảm hao phí năng lượng tối ưu.
- Trọng lượng vẫn rất nhẹ, thiết kế sáng đẹp, có độ bền tương đối, khả năng chống móp, chống trầy xước, chống ôxi hoá tốt hơn, tương đối dễ vệ sinh.
- Có loại thiết kế dùng được trên bếp từ, lò nướng.
Khuyết điểm:
- Không thực sự phù hợp để chế biến những món sốt, cần nấu lâu.
- Không nên dùng để chiên ngập dầu vì dễ làm dầu bị cháy hoặc giữ nóng kém.
3.    Chảo nhôm đúc/gang Đây là loại chảo được tạo thành từ nhôm đổ vào khuôn và đúc thành một khối dầy. Ưu điểm:
- Độ bền thuộc hàng cao nhất (có thể lên tới vài chục năm) nếu được sử dụng và bảo dưỡng đúng cách: làm sạch chảo bằng muối chứ không phải bước rửa chén, lau chảo bằng dầu rồi sấy nóng cho khô sau mỗi lần dùng, mỗi vài tháng lại nướng chảo sau khi đã phết dầu ăn lên mặt chảo trong khoảng một tiếng để bảo dưỡng.
- Khả năng giữ nhiệt rất tốt nên có thể giúp hỗ trợ tiết kiệm năng lượng khi nấu ăn.
- Nhiều món ăn chế biến bằng chảo loại này (thường là món bỏ lò) sẽ có hương vị ngon hơn.
Nhược điểm:
- Hiếm có ở Việt Nam và nếu có thì giá thành rất cao, đặc biệt là với dòng sản phẩm được phủ gốm chống dính.
- Thời gian làm nóng chảo rất lâu, không phù hợp cho các món cần gia nhiệt nhanh.
- Rất nặng, rất dễ bị gỉ sét.
- Nếu không được thiết kế phủ thêm lớp chống dính bề mặt, việc sử dụng loại chảo này đòi hỏi bạn phải thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng bằng cách sấy nóng với dầu ăn để giữ được độ chống dính, chống gỉ sét, hạn chế kim loại thôi nhiễm vào thực phẩm trong quá trình sử dụng.

Món ngon nhờ… chảo - Ảnh 3

4.    Chảo thuỷ tinh Ưu điểm:
- Truyền nhiệt nhanh, giữ nhiệt tốt hơn chảo kim loại.
- Chất liệu gốm thuỷ tinh không gây phản ứng hoá học với thực phẩm, đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người sử dụng.
- Chảo không bám mùi hay vết bẩn từ thực phẩm nên mang lại hiệu quả vệ sinh tiện lợi và nhanh chóng.
- Chảo có thể dùng cả trong lò nướng, lò vi sóng.
- Chất liệu thủy tinh trong suốt mang tính thẩm mỹ cao và giúp bạn dễ dàng quan sát thực phẩm ngay khi đang đun nấu.
Nhược điểm:
- Chảo nặng và rất dễ vỡ nếu bị rơi.
- Nếu chảo bị cháy thì rất khó làm sạch.
- Chảo không được khuyến khích dùng với các loại bếp bề mặt gốm thuỷ tinh.
- Giá thành tương đối cao.
- Không sử dụng được trên bếp từ.
5.    Chảo inox

Món ngon nhờ… chảo - Ảnh 4

Ưu điểm:
- Là dòng chảo phổ thông, dễ kiếm.
- Chảo inox sử dụng được trên mọi loại bếp, riêng với bếp từ thì chỉ có chảo inox 430 (loại trung cấp) mới sử dụng được, chảo inox 304 (cao cấp) hay inox 201 (trung cấp) không dùng được trên bếp từ.
- Chảo có khả năng truyền nhiệt tốt, giúp thức ăn chín nhanh, tiết kiệm thời gian và năng lượng nấu tối đa.
- Chảo bền, bề mặt chảo cả bên ngoài và bên trong đều sáng bóng, khó trầy, chịu khó chà chảo thì chảo sẽ luôn sáng bóng như mới.
- Giá thành nhìn chung vừa phải, có nhiều phân khúc để người tiêu dùng lựa chọn.
Nhược điểm:
- Chảo có trọng lượng tương đối nặng do chúng hầu hết đầu được thiết kế có từ 2 – 3 lớp đáy (chảo inox một lớp đáy không thể dùng để xào hoặc chiên những món ít dầu).
- Chảo dễ bị cháy đen hoặc bám màu thực phẩm, tương đối khó vệ sinh làm sạch vết bám màu.
- Khả năng chống dính kém.    
6.    Chảo đá Về cơ bản vẫn là chảo kim loại nhưng được phủ một lớp chống dính có kết cấu dày, trông giống vân đá, ít giải phóng những chất độc hại đối với sức khoẻ người sử dụng. Ưu điểm:
- Giá thành tương đối rẻ. Có thể dùng cho nhiều loại bếp, kể cả bếp từ.
- Khả năng chống dính, chống bám màu thực phẩm rất tốt.
- Khả năng dẫn nhiệt tương đối nhanh và khả năng giữ nhiệt tốt nên có thể dùng để chế biến nhiều loại món ăn từ món chiên, xào ít dầu cho tới những món chiên ngập dầu, món sốt…
- Khả năng chống trầy xước tương đối, có thể dùng xẻng muỗng kim loại khi chế biến thức ăn nhưng phải nhẹ nhàng và không nên chọn loại có góc cạnh sắc nhọn.
- Rất dễ vệ sinh.
Nhược điểm:
- Lớp chống dính vẫn có thể bị trầy xước, bong tróc theo thời gian hoặc khi cọ mạnh bằng những dụng cụ sắc nhọn.
- Chảo tương đối nặng, đặc biệt là với các loại chảo có kích cỡ lớn.

Món ngon nhờ… chảo - Ảnh 5

Món ngon nhờ… chảo - Ảnh 6

7.    Chảo gốm Vẫn chính là chảo nhôm đúc nguyên khối nhưng được phủ lên bề mặt một lớp chống dính bằng gốm không độc hại và thân thiện với môi trường. Ưu điểm:
- Khả năng chống dính đặc biệt cao nên sản phẩm đặc biệt rất dễ chùi rửa, không bị bám màu thực phẩm hay vết cháy xém trong quá trình nấu nướng.
- Gốm có khả năng chịu được mức nhiệt làm tan chảy cả thép không rỉ cho nên thân chảo hoàn toàn có thể dùng trong lò nướng.
- Sản phẩm có khả năng chịu sốc nhiệt tốt nên bạn vừa có thể dùng chảo để nấu vừa có thể dùng chúng để cất trữ thực phẩm trong tủ lạnh. Khả năng chịu sốc nhiệt tốt nên bạn vừa có thể dùng chảo để chiên, xào, vừa có thể dùng để… nấu canh, làm các món sốt nhiều nước…
- Đây được coi là loại chảo chống dính an toàn cho sức khoẻ và bền nhất trên thị trường hiện nay.
Nhược điểm:
- Giá thành rất cao.
- Khả năng nóng chậm và tích nhiệt cao nên sẽ làm các món xào không ngon bằng khi dùng chảo mỏng.
- Chảo tương đối nặng, có thể bị nứt bề mặt nếu bị làm rơi.
8.    Chảo tráng men sứ Về cơ bản đây là chảo nhôm tráng men sứ.
Ưu điểm:
- Màu sắc trẻ trung, tươi tắn, hoa văn bắt mắt.
- Mỏng nhẹ, dễ thao tác.
- Bắt nhiệt nhanh, truyền nhiệt tốt.
- Tương đối dễ vệ sinh.
- Giá thành nhìn chung thuộc loại rẻ.
Nhược điểm:
- Khả năng chống dính không cao, nếu không nói là kém khi dùng ở mức lửa cao.
- Bề mặt chống dính dễ bị trầy xước hơn loại vân đá và gốm.
- Dễ bị xuống màu men trong quá trình sử dụng.

Tâm An