Đưa ẩm thực đường phố Việt Nam ra thế giới
Taste Atlas mới đây đã công bố Việt Nam có 26 món ăn lọt top 100 món ăn đường phố ngon nhất Đông Nam Á. Trong đó có những món ăn rất được thực khách nước ngoài yêu thích như bánh mì, phở...

Đầu tháng 7, tại TP.HCM, thương hiệu bánh mì Huynh Hoa đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Posh Lifestyle nhằm đưa sản phẩm bánh mì Việt Nam đến với thị trường Australia. Chia sẻ về dự án, đại diện thương hiệu cho hay mô hình bánh mì Huynh Hoa tại Australia sẽ được chuẩn hóa theo phong cách Việt Nam, từ công thức, nguyên liệu đến cách phục vụ.
Trong giai đoạn đầu, dự án sẽ được triển khai tại thành phố lớn như Melbourne và Sydney. Dự kiến, bánh mỳ Huynh Hoa sẽ được bán với giá khoảng 13 - 15 AUD/ổ (200.000 - 250.000 đồng). Thương hiệu cũng dự định giới thiệu thêm kích cỡ nhỏ để phù hợp nhu cầu thực khách nơi đây.
Thương hiệu bánh mì Huynh Hoa, thành lập từ năm 1989 bởi bà Lê Kim Hoa, đã trở thành biểu tượng văn hóa ẩm thực của Sài Gòn với các ổ bánh mì truyền thống đậm đà, phong cách kết hợp 13 loại nguyên liệu như pate, bơ, thịt nguội, chả lụa, rau hành và gia vị đặc biệt.

Tại Hội thảo khoa học "Bánh mì Việt Nam - Giá trị ẩm thực thế giới, lan tỏa năm Châu" đầu năm nay, các chuyên gia cho rằng truyền thông và quảng bá đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa giá trị của bánh mì Việt Nam ra thế giới. Một chiến lược quảng bá bài bản sẽ giúp bánh mì không chỉ được biết đến như một món ăn đường phố mà còn là biểu tượng ẩm thực mang đậm bản sắc dân tộc.
Dù vậy, GS.TS. Eric Jose Olmedo Panal, Trưởng khoa Quản trị Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), nhận định để phù hợp với xu hướng toàn cầu, bánh mì Việt Nam cần có những phiên bản dành cho các phân khúc khách hàng đặc biệt như: Halal, kosher (thực phẩm tốt sạch), thuần chay, giúp mở rộng thị trường quốc tế.
“Việc xuất khẩu bánh mì cũng là một hướng đi tiềm năng, giúp đưa ẩm thực Việt Nam vươn xa, trở thành niềm tự hào trên bản đồ ẩm thực thế giới”, ông Panal nhấn mạnh.
Trước đó, một quán ăn có tên Phở Tàu Bay đã có mặt trên đường John, nằm trong khu phố sầm uất nhất ở vùng ngoại ô Sydney, Cabramatta. Phở của quán được đánh giá là có nước dùng đậm đà, cân bằng giữa các hương vị và vô cùng vừa miệng. Bánh phở dai mềm cùng những lát thịt mỏng.
Quán chuyên phục vụ các loại phở bò tái, nạm, gầu và phở gà với giá trung bình là 9,5 AUD (khoảng 153.000 đồng). Nhận xét trên chuyên trang du lịch Trip Advisor, thực khách Oboist cho biết: "Đây là một trong những nhà hàng phở ngon nhất ở Cabramatta. Vào cuối tuần, quán thường rất đông nên sẽ phải xếp hàng. Nhưng hoàn toàn xứng đáng với thời gian chờ đợi".

Mới đây, ứng dụng ẩm thực Dianping, nền tảng đánh giá ẩm thực nổi tiếng và được tin dùng nhiều nhất ở Trung Quốc cũng đã xếp hạng nhà hàng La Ganh 2.0 đứng vị trí đầu bảng trong danh sách những quán ăn Việt Nam tại Thượng Hải. Dianping vốn là nền tảng đánh giá các nhà hàng, điểm đến, khu vui chơi giải trí nổi tiếng nhất ở quốc gia tỷ dân, được ví như sự kết hợp giữa Google Maps và TripAdvisor.
Kiểm tra hình ảnh hiện thị trên Dianping ở hạng mục Ẩm thực với lựa chọn "Món ăn Việt Nam" vào ngày 14/5 cho thấy, La Ganh 2.0 đang đứng vị trí đầu bảng với số điểm nổi tiếng đạt 96,07 điểm. Ở vị trí thứ 2 là Saigon Bistrot với 95,8 điểm. Xếp ngay sau đó là Pho VieThin với 95,7 điểm.
Quán phục vụ bò chín và bò tái, không có bò viên. Gia vị ăn kèm có giấm tỏi, tương ớt và ớt tươi. Một combo 79 tệ (285.000 đồng) sẽ gồm một bát phở, một trứng trần, một quẩy kèm một cốc trà sen hoặc cà phê. Bên cạnh đó, nhà hàng còn có một số món ăn đường phố Việt Nam khác như gỏi đu đủ khô, bò kho bánh mì, chân gà ngâm sả tắc, gỏi cuốn chấm tương lạc...
Trong xu hướng đưa ẩm thực Việt “mang chuông đi đánh xứ người”, có thể nói các chuỗi cà phê chính là người được hưởng lợi lớn nhất. Nhờ thương hiệu Việt Nam ở mảng cà phê có danh tiếng tốt, các chuỗi như Cộng Càphê và Three O’Clock đã được các nhà nhận quyền khắp thế giới đồng ý hợp tác. Một số món đồ uống như Cà Phê Pha Phin hay Cà Phê Sữa Đá, Cà Phê Dừa, Cà Phê Muối, Cà Phê Trứng…dần được cả thế giới công nhận.

Ngược lại, không phụ kỳ vọng của quê hương, màn trình diễn của những Trung Nguyên Legend, Phúc Long, Highlands Coffee hay Cộng Càphê và Three O’Clock khắp thế giới đã cộng hưởng và nâng cao hơn vị thế của ngành cà phê Việt Nam. Sau gần 7 năm xuất ngoại, Cộng Càphê đã có những bước tiến dài khi đang có 23 cửa hàng ở Hàn Quốc, 3 ở Malaysia, 1 ở Phillipines, 2 Canada và 1 ở Đài Loan cùng 67 cửa hàng tại Việt Nam.
Ở mảng thực phẩm chế biến, từ món ăn bình dị, gắn bó với những món ăn đường phố, bánh phồng tôm nay đã vươn ra thế giới, có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, sản phẩm bánh phồng tôm Sa Giang – doanh nghiệp lâu đời đến từ Đồng Tháp – đã xuất hiện tại nhiều siêu thị châu Á ở nước ngoài, trong đó có Eastside Asian Market tại Orlando (Florida, Mỹ), và được người tiêu dùng ở các thị trường Anh, Pháp, Nhật Bản ưa chuộng.
Hiện tại, bánh phồng tôm chiếm khoảng 80% doanh thu của công ty. Bên cạnh bánh phồng tôm truyền thống, Sa Giang đã mở rộng danh mục sản phẩm, bao gồm bánh phồng cua, mực, các dòng sản phẩm chay, hữu cơ và nước chấm, xốt, nước mắm.... Tất cả đều sử dụng nguyên liệu tự nhiên như tôm tươi tại địa phương và bột khoai mì...

Thực tế, những năm gần đây, với sự xuất hiện của Michelin Guide, ẩm thực Việt Nam không ngừng vươn ra quốc tế. Các đặc sản Việt - từ phở, bún, bánh mì đến những món đặc sản vùng miền - được chú ý nhiều hơn, giúp nâng cao giá trị thương hiệu của từng nhà hàng, quán ăn đồng thời gián tiếp nâng tầm nguyên liệu, kỹ thuật chế biến, cách thức phục vụ...
Đây vốn là những yếu tố then chốt để ngành ẩm thực có thể xuất khẩu dưới dạng mô hình kinh doanh, sản phẩm chế biến sẵn hoặc chuỗi nhượng quyền.
“Michelin là một hệ quy chiếu quốc tế, có tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá rõ ràng. Khi một quốc gia có nhà hàng lọt vào Michelin Guide, đó không chỉ là danh hiệu cho từng quán ăn mà còn góp phần nâng chất lượng toàn ngành - từ món ăn, cách phục vụ, đến trải nghiệm tổng thể,” ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Tổng Thư ký Liên chi hội Đầu Bếp Việt Nam, chia sẻ.
Việt Nam hiện vẫn chưa xây dựng được một bộ tiêu chuẩn nội địa đủ mạnh để làm thước đo hoặc định hướng phát triển ngành ẩm thực. Vì vậy, việc có mặt trong Michelin Guide không chỉ là một danh hiệu danh giá, mà còn là cơ hội để ẩm thực Việt Nam được đặt vào một hệ quy chiếu quốc tế - từng bước ghi tên mình trên bản đồ ẩm thực thế giới.