Một năm của các bộ trưởng: Nhiệt huyết ông Vinh
Ông Vinh có lẽ là người thấm thía nhất rằng, cho dù quyết tâm cao đến mấy, khi đụng thẳng vào những vấn đề trầm kha của nền kinh tế, mọi việc hoàn toàn không đơn giản
Năm 1976, trong không khí “xây dựng chủ nghĩa xã hội”, hàng ngàn thanh niên đồng bằng đã đi theo tiếng gọi của Nhà nước, về các tỉnh thành miền núi để xây dựng đời sống mới.
Một trong những thanh niên hồi đó, giờ đây đang là một trong những chính khách để lại nhiều ấn tượng nhất trong “đội hình bộ trưởng” đương nhiệm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
Tuổi đôi mươi đã ở lại nông trường quốc doanh Phong Hải (Lào Cai) một thời gian khó, nhưng nhiệt huyết thì dường như đã theo ông Vinh suốt cuộc đời chính khách, cho đến những ngày gần đây, trong những bài phát biểu mạnh mẽ trước Quốc hội…
Giữa áp lực cải cách
Tháng 3/2010, từ vị trí Bí thư Lào Cai, ông Bùi Quang Vinh được điều về làm Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tháng 8/2011, ông trở thành Bộ trưởng thay cho người tiền nhiệm là ông Võ Hồng Phúc.
Sau này, Bộ trưởng Vinh thừa nhận, Lào Cai là môi trường biên ải khó khăn, nhưng lại là nơi rèn luyện rất tốt. Chính những năm tháng ở đó, kinh qua nhiều chức vụ từ nhỏ đến lớn, đã giúp ông trưởng thành trên hành trình chính khách.
Khác với nhiều chính khách trưởng thành từ chính các bộ ngành, có những người cần ít năm “luân chuyển về địa phương để lấy kinh nghiệm”, thì trong nhiều phát biểu về điều hành, ông Vinh thường nhấn mạnh: “Tôi đi từ địa phương lên, nên tôi biết”.
Hai phần ba nhiệm kỳ Bộ trưởng của ông Vinh cũng là giai đoạn kinh tế Việt Nam thăng trầm nhất trong hơn một thập kỷ nay. Có người ví von: kinh tế Việt Nam như “anh trai làng ra phố” sau khi gia nhập WTO, hào hứng đầy mình nên tiêu dùng quá tay, lại không lo luyện rèn sức khỏe, mở mang thêm công việc mới, mà chủ yếu sống dựa vào hoa trái ruộng vườn muôn năm cũ.
Sức khỏe của nền kinh tế kém đi, không có con đường nào khác là phải tái cơ cấu để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, đề án tái cơ cấu nền kinh tế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng, với quyết tâm chính trị rất cao, cho đến nay vẫn đang được tiếp tục với tốc độ khá chậm.
Như VnEconomy từng đề cập, sau nhiều năm chuẩn bị và gần hai năm được chính thức phê duyệt, cho đến nay, vẫn có những địa phương chưa… nộp đề án tái cơ cấu.
Ông Vinh có lẽ là người thấm thía nhất rằng, cho dù quyết tâm cao đến mấy, khi đụng thẳng vào những vấn đề trầm kha của nền kinh tế, mọi việc hoàn toàn không đơn giản. Tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước… đâu cũng thấy còn trở ngại, từ quá trình xây dựng chính sách cho đến thực thi chính sách.
Lấy ví dụ trong vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng thừa nhận, nếu vẫn để nguyên cán bộ là những người từng sinh ra doanh nghiệp đó, lãnh đạo doanh nghiệp đó thì “họ không thể tự mình chặt chân mình đâu, phải người khác đến thì mới đổi mới được… Tự mình đổi mới mình thì khó lắm".
Tiếp nhận thông tin và điều hành công việc hàng ngày, nhiều số liệu thống kê khiến người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư không khỏi lo lắng. Lấy ví dụ, trong chi thường xuyên hiện nay, chi sự nghiệp tăng rất nhanh, trước đây 50%, giờ đã lên tới hơn 70% tổng chi.
Hay như trong vấn đề quản lý đầu tư công, Bộ trưởng Vinh cũng có những trải nghiệm khó quên.
Tại Quốc hội, ông kể rằng để trả lời câu hỏi của Quốc hội về những dự án nào không hiệu quả, kém hiệu quả. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi công văn đến tất cả các địa phương, nhưng cuối cùng nhận được phản hồi là "dự án nào cũng hiệu quả".
“Tôi hỏi tiêu chí nào là hiệu quả, thì các ông ấy bảo không hiệu quả chỗ này, thì hiệu quả chỗ khác”, Bộ trưởng kể.
Thời gian gần đây, trong nỗ lực chung của Chính phủ trong việc cải cách thể chế, Bộ trưởng Vinh cũng là người thể hiện sự quyết tâm cao độ, vì theo ông, chỉ có cải cách thể chế thì mới tạo được đột phá, tạo xung lực mới cho phát triển.
Ông nhiều lần nhấn mạnh, Việt Nam cần đổi mới thể chế, để tìm ra những động lực mới.
“Đã đến lúc chúng ta đổi mới mô hình tăng trưởng. Chúng ta phải thay đổi thể chế… Phải thực hiện tốt ba đột phá đã được đề ra, gồm: thể chế kinh tế; cơ sở hạ tầng; chất lượng nguồn nhân lực. Những việc này không chỉ làm trong năm 2015 mà phải làm thường xuyên, liên tục, mạnh mẽ trong thời gian dài”, ông nói.
Việc Quốc hội ban hành Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi trong năm 2014, với vai trò rất lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có thể xem là điểm nhấn đáng kể trong tiến trình này.
Những người theo dõi ông hẳn không thể quên, ánh mắt hào hứng khi nói về những tiến bộ của hai luật trên, khi ông xuất hiện trên truyền hình mới đây.
Cải cách không phải chuyện một ngày, cải cách không phải việc một người, nhưng cải cách chắc chắn có thể đi nhanh hơn, nếu có những nỗ lực không mệt mỏi từ những cá nhân.
Bóng chuyên gia sau áo chính khách
Cuối năm 2014 tại Quốc hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận được 351 phiếu “tín nhiệm cao” trong khi chỉ có 20 phiếu “tín nhiệm thấp”, xếp thứ hai trong “đội hình bộ trưởng” và thứ 6 trong danh sách lấy phiếu.
Sau khi đã từng xếp hạng cao trong lần lấy phiếu tín nhiệm giữa năm 2013, với kết quả này, những người quan sát nhận thấy ở ông Vinh một sự ổn định đáng kể về uy tín chính trị.
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên là Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh “là người có tầm nhìn xa, thẳng thắn, chính trực, không chấp nhận tình trạng thu vén quyền lợi riêng cho bộ mình”.
“Người ta nói rằng, đây là ông Bộ trưởng duy nhất dám lấy đá ghè vào chân, tự cắt những đặc quyền của bộ mình vì sự phát triển chung của cả nước”, ông Thuyết nói, nhấn mạnh rằng ông rất tâm đắc với ý kiến của Bộ trưởng Vinh là không thể sử dụng nhân sự cũ để tiến hành đổi mới.
“Là một người dân, tôi đánh giá ông Bùi Quang Vinh rất cao, trong các bộ trưởng ở thời điểm hiện tại”, ông Thuyết nói.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho đến nay, vẫn đóng vai trò một “siêu bộ” khi đang thực hiện quản lý nhà nước rất nhiều lĩnh vực. Bộ cũng là ví dụ hiếm về việc cùng một thời điểm, có tới hai lãnh đạo Bộ là Ủy viên Trung ương. Bên cạnh ông Vinh, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng, người mà VnEconomy từng đề cập trong bài viết “Hành trang ngày về của tân Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng” cũng là Ủy viên Trung ương Đảng.
Ông Nguyễn Chí Dũng về làm Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ tháng 2/2014, nơi ông cũng từng là Thứ trưởng trước khi được luân chuyển vào Ninh Thuận làm Chủ tịch rồi Bí thư tỉnh này.
Mô hình “một bộ hai ủy viên” đã có tiền lệ: khi về làm Thứ trưởng năm 2010, ông Bùi Quang Vinh đã là Ủy viên Trung ương Đảng, trở thành Ủy viên thứ hai bên cạnh Bộ trưởng Võ Hồng Phúc.
Theo quy định hiện hành, tuổi giới hạn để một Ủy viên Trung ương được tái trúng cử là không quá 60 tuổi, còn Ủy viên Bộ Chính trị là 65. Ở Đại hội Đảng dự kiến tổ chức năm 2016 sắp tới, ông Bùi Quang Vinh sẽ vào tuổi 63, trong khi ông Nguyễn Chí Dũng chỉ mới 56 tuổi.
Trong lúc những người quý mến ông Vinh kỳ vọng rằng ông có thể tiếp tục đóng một vai trò nào đó trong hệ thống, người viết lại có cảm nhận ông dường như đang định hình cho mình một phong cách chuyên gia, điều từng thấy ở những người như ông Vũ Khoan hay ông Trương Đình Tuyển, những người cho đến nay dù đã nghỉ hưu vẫn có nhiều gắn bó với tiến trình phát triển của đất nước, thay vì “nghỉ chơi”, ngày ngày an phận với đi bộ và uống trà.
Sự tròn trịa trong các phát biểu là điều dễ nhận thấy ở nhiều chính khách. Trước Quốc hội, không phải ai cũng dám dùng những cụm từ như “động lực phát triển đã tới hạn rồi” để nói về hiện trạng nền kinh tế, hay “không ai tự chặt chân mình”, khi nói về cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Một ngày nào đó, khi không còn mặc trên mình chiếc áo vest chính khách, nhiều người mong Bộ trưởng Vinh sẽ là một chuyên gia, tiếp tục góp những tiếng nói thẳng thắn và trách nhiệm với tương lai.
Một trong những thanh niên hồi đó, giờ đây đang là một trong những chính khách để lại nhiều ấn tượng nhất trong “đội hình bộ trưởng” đương nhiệm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
Tuổi đôi mươi đã ở lại nông trường quốc doanh Phong Hải (Lào Cai) một thời gian khó, nhưng nhiệt huyết thì dường như đã theo ông Vinh suốt cuộc đời chính khách, cho đến những ngày gần đây, trong những bài phát biểu mạnh mẽ trước Quốc hội…
Giữa áp lực cải cách
Tháng 3/2010, từ vị trí Bí thư Lào Cai, ông Bùi Quang Vinh được điều về làm Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tháng 8/2011, ông trở thành Bộ trưởng thay cho người tiền nhiệm là ông Võ Hồng Phúc.
Sau này, Bộ trưởng Vinh thừa nhận, Lào Cai là môi trường biên ải khó khăn, nhưng lại là nơi rèn luyện rất tốt. Chính những năm tháng ở đó, kinh qua nhiều chức vụ từ nhỏ đến lớn, đã giúp ông trưởng thành trên hành trình chính khách.
Khác với nhiều chính khách trưởng thành từ chính các bộ ngành, có những người cần ít năm “luân chuyển về địa phương để lấy kinh nghiệm”, thì trong nhiều phát biểu về điều hành, ông Vinh thường nhấn mạnh: “Tôi đi từ địa phương lên, nên tôi biết”.
Hai phần ba nhiệm kỳ Bộ trưởng của ông Vinh cũng là giai đoạn kinh tế Việt Nam thăng trầm nhất trong hơn một thập kỷ nay. Có người ví von: kinh tế Việt Nam như “anh trai làng ra phố” sau khi gia nhập WTO, hào hứng đầy mình nên tiêu dùng quá tay, lại không lo luyện rèn sức khỏe, mở mang thêm công việc mới, mà chủ yếu sống dựa vào hoa trái ruộng vườn muôn năm cũ.
Sức khỏe của nền kinh tế kém đi, không có con đường nào khác là phải tái cơ cấu để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, đề án tái cơ cấu nền kinh tế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng, với quyết tâm chính trị rất cao, cho đến nay vẫn đang được tiếp tục với tốc độ khá chậm.
Như VnEconomy từng đề cập, sau nhiều năm chuẩn bị và gần hai năm được chính thức phê duyệt, cho đến nay, vẫn có những địa phương chưa… nộp đề án tái cơ cấu.
Ông Vinh có lẽ là người thấm thía nhất rằng, cho dù quyết tâm cao đến mấy, khi đụng thẳng vào những vấn đề trầm kha của nền kinh tế, mọi việc hoàn toàn không đơn giản. Tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước… đâu cũng thấy còn trở ngại, từ quá trình xây dựng chính sách cho đến thực thi chính sách.
Lấy ví dụ trong vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng thừa nhận, nếu vẫn để nguyên cán bộ là những người từng sinh ra doanh nghiệp đó, lãnh đạo doanh nghiệp đó thì “họ không thể tự mình chặt chân mình đâu, phải người khác đến thì mới đổi mới được… Tự mình đổi mới mình thì khó lắm".
Tiếp nhận thông tin và điều hành công việc hàng ngày, nhiều số liệu thống kê khiến người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư không khỏi lo lắng. Lấy ví dụ, trong chi thường xuyên hiện nay, chi sự nghiệp tăng rất nhanh, trước đây 50%, giờ đã lên tới hơn 70% tổng chi.
Hay như trong vấn đề quản lý đầu tư công, Bộ trưởng Vinh cũng có những trải nghiệm khó quên.
Tại Quốc hội, ông kể rằng để trả lời câu hỏi của Quốc hội về những dự án nào không hiệu quả, kém hiệu quả. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi công văn đến tất cả các địa phương, nhưng cuối cùng nhận được phản hồi là "dự án nào cũng hiệu quả".
“Tôi hỏi tiêu chí nào là hiệu quả, thì các ông ấy bảo không hiệu quả chỗ này, thì hiệu quả chỗ khác”, Bộ trưởng kể.
Thời gian gần đây, trong nỗ lực chung của Chính phủ trong việc cải cách thể chế, Bộ trưởng Vinh cũng là người thể hiện sự quyết tâm cao độ, vì theo ông, chỉ có cải cách thể chế thì mới tạo được đột phá, tạo xung lực mới cho phát triển.
Ông nhiều lần nhấn mạnh, Việt Nam cần đổi mới thể chế, để tìm ra những động lực mới.
“Đã đến lúc chúng ta đổi mới mô hình tăng trưởng. Chúng ta phải thay đổi thể chế… Phải thực hiện tốt ba đột phá đã được đề ra, gồm: thể chế kinh tế; cơ sở hạ tầng; chất lượng nguồn nhân lực. Những việc này không chỉ làm trong năm 2015 mà phải làm thường xuyên, liên tục, mạnh mẽ trong thời gian dài”, ông nói.
Việc Quốc hội ban hành Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi trong năm 2014, với vai trò rất lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có thể xem là điểm nhấn đáng kể trong tiến trình này.
Những người theo dõi ông hẳn không thể quên, ánh mắt hào hứng khi nói về những tiến bộ của hai luật trên, khi ông xuất hiện trên truyền hình mới đây.
Cải cách không phải chuyện một ngày, cải cách không phải việc một người, nhưng cải cách chắc chắn có thể đi nhanh hơn, nếu có những nỗ lực không mệt mỏi từ những cá nhân.
Bóng chuyên gia sau áo chính khách
Cuối năm 2014 tại Quốc hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận được 351 phiếu “tín nhiệm cao” trong khi chỉ có 20 phiếu “tín nhiệm thấp”, xếp thứ hai trong “đội hình bộ trưởng” và thứ 6 trong danh sách lấy phiếu.
Sau khi đã từng xếp hạng cao trong lần lấy phiếu tín nhiệm giữa năm 2013, với kết quả này, những người quan sát nhận thấy ở ông Vinh một sự ổn định đáng kể về uy tín chính trị.
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên là Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh “là người có tầm nhìn xa, thẳng thắn, chính trực, không chấp nhận tình trạng thu vén quyền lợi riêng cho bộ mình”.
“Người ta nói rằng, đây là ông Bộ trưởng duy nhất dám lấy đá ghè vào chân, tự cắt những đặc quyền của bộ mình vì sự phát triển chung của cả nước”, ông Thuyết nói, nhấn mạnh rằng ông rất tâm đắc với ý kiến của Bộ trưởng Vinh là không thể sử dụng nhân sự cũ để tiến hành đổi mới.
“Là một người dân, tôi đánh giá ông Bùi Quang Vinh rất cao, trong các bộ trưởng ở thời điểm hiện tại”, ông Thuyết nói.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho đến nay, vẫn đóng vai trò một “siêu bộ” khi đang thực hiện quản lý nhà nước rất nhiều lĩnh vực. Bộ cũng là ví dụ hiếm về việc cùng một thời điểm, có tới hai lãnh đạo Bộ là Ủy viên Trung ương. Bên cạnh ông Vinh, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng, người mà VnEconomy từng đề cập trong bài viết “Hành trang ngày về của tân Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng” cũng là Ủy viên Trung ương Đảng.
Ông Nguyễn Chí Dũng về làm Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ tháng 2/2014, nơi ông cũng từng là Thứ trưởng trước khi được luân chuyển vào Ninh Thuận làm Chủ tịch rồi Bí thư tỉnh này.
Mô hình “một bộ hai ủy viên” đã có tiền lệ: khi về làm Thứ trưởng năm 2010, ông Bùi Quang Vinh đã là Ủy viên Trung ương Đảng, trở thành Ủy viên thứ hai bên cạnh Bộ trưởng Võ Hồng Phúc.
Theo quy định hiện hành, tuổi giới hạn để một Ủy viên Trung ương được tái trúng cử là không quá 60 tuổi, còn Ủy viên Bộ Chính trị là 65. Ở Đại hội Đảng dự kiến tổ chức năm 2016 sắp tới, ông Bùi Quang Vinh sẽ vào tuổi 63, trong khi ông Nguyễn Chí Dũng chỉ mới 56 tuổi.
Trong lúc những người quý mến ông Vinh kỳ vọng rằng ông có thể tiếp tục đóng một vai trò nào đó trong hệ thống, người viết lại có cảm nhận ông dường như đang định hình cho mình một phong cách chuyên gia, điều từng thấy ở những người như ông Vũ Khoan hay ông Trương Đình Tuyển, những người cho đến nay dù đã nghỉ hưu vẫn có nhiều gắn bó với tiến trình phát triển của đất nước, thay vì “nghỉ chơi”, ngày ngày an phận với đi bộ và uống trà.
Sự tròn trịa trong các phát biểu là điều dễ nhận thấy ở nhiều chính khách. Trước Quốc hội, không phải ai cũng dám dùng những cụm từ như “động lực phát triển đã tới hạn rồi” để nói về hiện trạng nền kinh tế, hay “không ai tự chặt chân mình”, khi nói về cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Một ngày nào đó, khi không còn mặc trên mình chiếc áo vest chính khách, nhiều người mong Bộ trưởng Vinh sẽ là một chuyên gia, tiếp tục góp những tiếng nói thẳng thắn và trách nhiệm với tương lai.