11:08 03/02/2019

Mỹ, Nga đồng loạt rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân

An Huy

Việc Mỹ và Nga dừng INF đã trở thành một “điểm nóng” mới trong quan hệ giữa hai nước

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nga rút khỏi một hiệp ước có ý nghĩa cột mốc về kiểm soát vũ khí hạt nhân ký vào năm 1987, ngay sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước này với lý do Moscow đã có nhiều năm liên tiếp vi phạm thỏa thuận.

Tuy nhiên, hãng tin Bloomberg dẫn một tuyên bố từ điện Kremlin cho biết Tổng thống Vladimir Putin phát tín hiệu sẵn sàng mở một cuộc đàm phán mới với Mỹ về vấn dề này.

Quyết định rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ông Putin đưa ra trong một cuộc họp vào ngày thứ Bảy với Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Sergei Shoigu - theo tuyên bố trên. Tuyên bố nói Nga sẵn sàng đàm phán và sẽ có câu trả lời tương xứng với Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng không cho biết cụ thể đó là gì.

Tuyên bố cũng cho biết ông Putin nói Nga sẽ dừng việc chế tạo một loại tên lửa siêu thanh tầm trung phóng từ mặt đất.

Trước đó, vào hôm thứ Sáu, ông Trump tuyên bố dừng các nghĩa vụ của Mỹ trong INF, khởi động thời hạn 6 tháng để chính thức rút khỏi thỏa thuận, trừ phi Nga "tuân thủ trở lại hiệp ước bằng cách tiêu hủy tất cả các tên lửa, bệ phóng và các thiết bị liên quan có sự vi phạm hiệp ước".

INF là hiệp ước được ký dưới thời Tổng thống Mikhail Gorbachev của Nga và Tổng thống Ronald Reagan của Mỹ, khi hai nước còn đang trong thời gian chiến tranh lạnh. Hiệp ước quy định cả Mỹ và Nga cùng xóa bỏ tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung. Sự đổ vỡ của INF sẽ đặt châu Âu vào phạm vi khống chế của tên lửa Nga, đồng thời mở đường để Mỹ triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở những khu vực có thể khiến Trung Quốc lo ngại.

Thời gian gần đây, đã có những ý kiến nói rằng mục đích của ông Trump trong việc rút khỏi thỏa thuận INF là để ứng phó với sự nổi lên của Trung Quốc về quân sự. Do không tham gia INF, thỏa thuận có từ năm 1987, Trung Quốc dễ dàng phát triển và triển khai các loại tên lửa hạt nhân tầm trung. Việc rút khỏi hiệp ước sẽ giúp Mỹ thoát khỏi những hạn chế trong việc phát triển và triển khai vũ khí tương tự, theo đó tạo ra đối trọng với Trung Quốc - giới phân tích cho hay.

Việc Mỹ và Nga dừng INF đã trở thành một "điểm nóng" mới trong quan hệ giữa hai nước, đồng thời là một lần nữa chính quyền ông Trump rút khỏi các thỏa thuận quốc tế, sau khi đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.

"Nước Mỹ đã tuân thủ đầy đủ Hiệp ước INF trong hơn 30 năm qua, nhưng chúng tôi sẽ không tiếp tục bị ràng buộc bởi các điều khoản của hiệp ước nữa, khi mà Nga có hành động vi phạm", ông Trump nói trong một tuyên bố. "Chúng tôi không thể là quốc gia duy nhất trên thế giới bị ràng buộc đơn phương bởi hiệp ước này, hay bất kỳ thỏa thuận nào khác".

Nga luôn phủ nhận các cáo buộc của Mỹ cho rằng nước này vi phạm hiệp ước INF, đồng thời cáo buộc chính Mỹ mới là bên vi phạm. Moscow cũng nói việc rút khỏi INF sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Trong tuyên bố được điện Kremlin đưa ra, ông Putin nói nước Nga không nên và sẽ không bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém, nhưng để ngỏ cánh cửa cho đàm phán lại hiệp ước.

"Chúng tôi sẽ đợi cho tới khi bên đối tác suy nghĩ nghĩ để tiến hành đối thoại công bằng và có chiều sâu với chúng tôi về chủ đề này - chủ đề có ý nghĩa quan trọng đối với cả chúng tôi, bên đối tác, và toàn thế giới", ông Putin nói. Tổng thống Nga cũng khẳng định việc Mỹ tuyên bố tiếp tục hoạt động nghiên cứu và phát triển vũ khí đồng nghĩa "chúng tôi cũng sẽ làm như vậy".

Nguồn tin là quan chức chính quyền ông Trump tiết lộ với hãng tin Reuters rằng Mỹ hiện chưa có kế hoạch triển khai tên lửa mới tới châu Âu khi việc rút khỏi INF chính thức có hiệu lực vào tháng 8.

Về phần mình, Bắc Kinh phản đối quyết định của Mỹ, đồng thời kêu gọi Washington và Moscow "giải quyết bất đồng thông qua đối thoại" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang nói hôm thứ Bảy.

Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nói NATO hoàn toàn ủng hộ hành động của Mỹ. Tuy nhiên, tuyên bố từ một số nước châu Âu cho thấy các thành viên NATO không hoàn toàn đồng tình với quyết định rút khỏi INF.

"Không có hiệp ước INF, mức độ an ninh cũng giảm xuống", Ngoại trưởng Đức Heiko Maas phát biểu hôm thứ Sáu. "Nhưng chúng tôi cũng phải ghi nhận rằng hiệp ước này đang bị Nga vi phạm".