Nâng cấp lãng phí thành quốc nạn
Có đại biểu Quốc hội cho rằng, lãng phí về thời gian là thứ lãng phí khó định lượng nhưng hậu quả thì rất lớn
Nhiều đại biểu Quốc hội đều thể hiện một quan điểm rõ ràng khi cho ý kiến về dự án Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và cho rằng, với diễn biến lãng phí ngày càng nghiêm trọng như hiện nay thì cần “nâng cấp” tình trạng này lên thành quốc nạn.
Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) nói: “Để luật này có ý nghĩa và sứ mệnh như Luật Phòng, chống tham nhũng thì tên gọi cần đổi lại là Luật Phòng, chống lãng phí bởi cuộc đấu tranh phòng, chống lãng phí không kém phần quan trọng và quyết liệt như phòng, chống tham nhũng”.
Cũng theo ông Châu, để tăng hiệu lực, tính cưỡng chế, nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với hành vi gây lãng phí thì tùy theo mức độ vi phạm có thể xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cùng quan điểm với đại biểu Châu, đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) nói: “Hiện trạng lãng phí ở nước ta hiện nay thực ra không kém gì tham nhũng, nhưng dường như quyết tâm chính trị để xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ, tăng cường trách nhiệm và nhận thức của người đứng đầu cũng như cán bộ công chức và những chế tài chưa được quan tâm đúng mức”.
Vị đại biểu này còn cho rằng lãng phí còn ghê gớm hơn tham nhũng vì “tham nhũng có con người cụ thể, chúng ta bỏ tù được, rồi quy ra bao nhiêu điều, từ thanh tra, điều tra, truy tố đến xét xử, bao nhiêu chuyện rõ ràng, thu hồi được... Còn lãng phí thì vô cùng, rất khó để định lượng”.
Kiến nghị giải pháp phòng chống lãng phí, vị đại biểu này cho rằng các cơ quan chức năng của Đảng, của Chính phủ nên nghiên cứu bố trí lại hệ thống bộ máy, tổ chức theo hướng nhiều ban có thể nhập lại thành một ban, nhiều bộ có thể nhập thành một bộ, dưới bộ có một số cục thì cũng cần nhập lại..., đừng để bộ máy “phình ra như cái nón để ngược”.
Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) bổ sung thêm danh mục lãng phí là lãng phí thời gian cũng không kém phần nghiêm trọng. “Trong xây dựng cơ bản, nhiều công trình có thể thi công ba ca để rút ngắn thời gian mang lại hiệu quả. Trong lĩnh vực hành chính nhà nước, tình trạng quan liêu về thủ tục khiến nhiều dự án gác lại, kéo dài thời gian làm mất cơ hội”, ông Nam dẫn giải.
Chia sẻ cùng ông Nam, đại biểu Phạm Văn Hổ (Phú Yên) nói thêm: “Lãng phí về thời gian là thứ lãng phí khó định lượng nhưng hậu quả thì rất lớn. Trong những năm qua việc lãng phí về thời gian, kinh phí trong tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm ở các cấp, các ngành là rất lớn nhưng chậm khắc phục”.
Đại biểu Lê Văn Tân (Hà Nam) đưa ra thực tế cho thấy việc giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí rất khó khăn. Ví dụ năm 2013 tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cuộc giám sát tối cao việc thực hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006 - 2012 với số vốn vài trăm ngàn tỷ đồng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo và làm việc với Chính phủ, với 10 bộ, ngành và 22 tỉnh, thành phố. Xem xét báo cáo của UBND 63 tỉnh, thành phố, báo cáo giám sát của 39 đoàn đại biểu Quốc hội, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và một số bộ, ngành khác... Nhưng qua giám sát cũng không nêu lên được trong sử dụng mấy trăm ngàn tỷ đó tiết kiệm được bao nhiêu tiền, lãng phí bao nhiêu, nếu có lãng phí thì lãng phí ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai, xử lý vấn đề lãng phí như thế nào?
Rút cục, dù là sửa đổi luật hay “nâng cấp” lãng phí lên thành quốc nạn thì tình trạng này có giảm hay không vẫn là điều... khó khẳng định.
Và nói như đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội): “Tôi nói thật, nếu ai bây giờ không lãng phí thì người ấy được coi là người tiết kiệm, còn nếu là thực sự tiết kiệm, thì chỉ là danh nghĩa mang tính khuyến khích, động viên thôi chứ còn không mấy khi làm được đâu!”.
Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) nói: “Để luật này có ý nghĩa và sứ mệnh như Luật Phòng, chống tham nhũng thì tên gọi cần đổi lại là Luật Phòng, chống lãng phí bởi cuộc đấu tranh phòng, chống lãng phí không kém phần quan trọng và quyết liệt như phòng, chống tham nhũng”.
Cũng theo ông Châu, để tăng hiệu lực, tính cưỡng chế, nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với hành vi gây lãng phí thì tùy theo mức độ vi phạm có thể xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cùng quan điểm với đại biểu Châu, đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) nói: “Hiện trạng lãng phí ở nước ta hiện nay thực ra không kém gì tham nhũng, nhưng dường như quyết tâm chính trị để xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ, tăng cường trách nhiệm và nhận thức của người đứng đầu cũng như cán bộ công chức và những chế tài chưa được quan tâm đúng mức”.
Vị đại biểu này còn cho rằng lãng phí còn ghê gớm hơn tham nhũng vì “tham nhũng có con người cụ thể, chúng ta bỏ tù được, rồi quy ra bao nhiêu điều, từ thanh tra, điều tra, truy tố đến xét xử, bao nhiêu chuyện rõ ràng, thu hồi được... Còn lãng phí thì vô cùng, rất khó để định lượng”.
Kiến nghị giải pháp phòng chống lãng phí, vị đại biểu này cho rằng các cơ quan chức năng của Đảng, của Chính phủ nên nghiên cứu bố trí lại hệ thống bộ máy, tổ chức theo hướng nhiều ban có thể nhập lại thành một ban, nhiều bộ có thể nhập thành một bộ, dưới bộ có một số cục thì cũng cần nhập lại..., đừng để bộ máy “phình ra như cái nón để ngược”.
Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) bổ sung thêm danh mục lãng phí là lãng phí thời gian cũng không kém phần nghiêm trọng. “Trong xây dựng cơ bản, nhiều công trình có thể thi công ba ca để rút ngắn thời gian mang lại hiệu quả. Trong lĩnh vực hành chính nhà nước, tình trạng quan liêu về thủ tục khiến nhiều dự án gác lại, kéo dài thời gian làm mất cơ hội”, ông Nam dẫn giải.
Chia sẻ cùng ông Nam, đại biểu Phạm Văn Hổ (Phú Yên) nói thêm: “Lãng phí về thời gian là thứ lãng phí khó định lượng nhưng hậu quả thì rất lớn. Trong những năm qua việc lãng phí về thời gian, kinh phí trong tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm ở các cấp, các ngành là rất lớn nhưng chậm khắc phục”.
Đại biểu Lê Văn Tân (Hà Nam) đưa ra thực tế cho thấy việc giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí rất khó khăn. Ví dụ năm 2013 tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cuộc giám sát tối cao việc thực hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006 - 2012 với số vốn vài trăm ngàn tỷ đồng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo và làm việc với Chính phủ, với 10 bộ, ngành và 22 tỉnh, thành phố. Xem xét báo cáo của UBND 63 tỉnh, thành phố, báo cáo giám sát của 39 đoàn đại biểu Quốc hội, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và một số bộ, ngành khác... Nhưng qua giám sát cũng không nêu lên được trong sử dụng mấy trăm ngàn tỷ đó tiết kiệm được bao nhiêu tiền, lãng phí bao nhiêu, nếu có lãng phí thì lãng phí ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai, xử lý vấn đề lãng phí như thế nào?
Rút cục, dù là sửa đổi luật hay “nâng cấp” lãng phí lên thành quốc nạn thì tình trạng này có giảm hay không vẫn là điều... khó khẳng định.
Và nói như đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội): “Tôi nói thật, nếu ai bây giờ không lãng phí thì người ấy được coi là người tiết kiệm, còn nếu là thực sự tiết kiệm, thì chỉ là danh nghĩa mang tính khuyến khích, động viên thôi chứ còn không mấy khi làm được đâu!”.