Nêu vấn đề Triều Tiên, Mỹ gợi ý Nhật mua vũ khí
Ông Trump nói Nhật Bản sẽ bắn hạ được tên lửa Triều Tiên nếu mua vũ khí Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/11 nói rằng Nhật Bản sẽ bắn hạ được tên lửa Triều Tiên nếu mua vũ khí của Mỹ.
Hãng tin Reuters nói rằng lời gợi ý này của nhà lãnh đạo Mỹ là một vấn đề mà Tokyo vẫn đang tránh, tính đến thời điểm này.
Bất chấp lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc, Triều Tiên thời gian qua đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa nhằm đạt tới khả năng tấn công đại lục Mỹ bằng đầu đạn hạt nhân.
Năm nay, Triều Tiên đã hai lần phóng tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật khiến Tokyo hết sức lo ngại.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày thứ Hai với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, ông Trump nhắc lại quan điểm của ông rằng "thời kỳ kiên nhẫn chiến lược" với Triều Tiên đã hết, và Mỹ-Nhật đang hợp tác để chống lại "sự gây hấn nguy hiểm".
Cùng với đó, người đứng đầu Nhà Trắng tiếp tục kêu gọi Nhật giảm thặng dư thương mại của Nhật với Mỹ, và mua thêm vũ khí từ Mỹ.
"Ông ấy (Abe) sẽ bắn hạ được chúng (tên lửa Triều Tiên) khỏi bầu trời một khi ông ấy hoàn tất việc mua thêm thiết bị quân sự từ Mỹ", ông Trump nói.
"Thủ tướng Nhật sẽ mua thêm một lượng lớn thiết bị quân sự, bởi ông ấy cần phải làm thế. Còn chúng tôi thì đến nay đã làm ra những thứ vũ khí tốt nhất".
Phát biểu trên được ông Trump đưa ra khi trả lời một câu hỏi lẽ ra dành cho ông Abe. Nhà báo đã đặt câu hỏi rằng ông Abe có phản ứng thế nào với một phát biểu mới đây của ông Trump rằng Nhật Bản là một dân tộc "võ sỹ đạo" và lẽ ra nên bắn hạ tên lửa Triều Tiên phóng bay qua lãnh thổ Nhật.
Về phần mình, ông Abe nói Tokyo sẽ bắn hạ tên lửa "nếu cần thiết". Chính sách của Nhật là chỉ bắn hạ tên lửa nếu tên lửa đó đang rơi xuống lãnh thổ Nhật hoặc được đánh giá là đặt ra "mối đe dọa sống còn" đối với Nhật Bản.
Trong chuyến thăm Nhật Bản mở đầu cho chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày, ông Trump chủ yếu bàn về hai vấn đề Triều Tiên và thương mại. Điều này là dễ hiểu bởi những vụ thử vũ khí liên tục gần đây của Triều Tiên đã trở thành thách thức đối ngoại lớn nhất của ông Trump.
"Quan trọng hơn, chúng tôi đang hợp tác cùng nhau để ứng phó với sự gây hấn nguy hiểm của chính thể ở Triều Tiên", ông Trump nói và gọi những vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là "một mối đe dọa đối với thế giới văn minh và hòa bình, ổn định trên thế giới".
"Một số người nói rằng tôi thích nói những lời đao to búa lớn. Nhưng hãy nhìn vào những gì đã diễn ra với những phát biểu yếu ớt trong suốt 25 năm qua. Hãy xem giờ chúng ta đang ở đâu", ông Trump nói.
Ngày 7/11, ông Trump đã bay sang Hàn Quốc, nơi mà ông - trên cương vị Tổng thống Mỹ - lại gần Triều Tiên hơn bao giờ hết. Thời gian qua, ông Trump từng đe dọa sẽ "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên và gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là "gã tên lửa".
Tại cuộc họp báo, ông Abe tái khẳng định Nhật Bản ủng hộ lập trường của ông Trump về để ngỏ mọi khả năng trong vấn đề Triều Tiên, rằng giờ là lúc gây áp lực tối đa với Bình Nhưỡng, và Mỹ-Nhật nhất trí với nhau 100% về vấn đề này.
Phản ứng sau phát biểu trên của ông Abe, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói tình hình Triều Tiên "đã rất phức tạp, nhạy cảm".
"Chúng tôi hy vọng trong tình hình hiện nay, tất cả các bên nên phát ngôn và hành động sao cho giảm căng thẳng và lập lại sự tin tưởng lẫn nhau, đưa vấn đề Triều Tiên trở lại đúng hướng đối thoại và đàm phán", bà Hoa nói.