Nga tuyên bố đã trả nợ đúng hạn, tạm thời tránh “bờ vực” vỡ nợ
Nga tuyên bố đã đặt lệnh chuyển 117 triệu USD tiền lãi đáo hạn ngày 16/3 đến các chủ nợ, theo đó tránh được vụ vỡ nợ trái phiếu quốc tế đầu tiên trong hơn 1 thế kỷ của Moscow...
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Chính phủ Nga đã hoàn toàn thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ.
Theo trang CNN Business, đó là bởi nguồn quỹ mà Nga dùng để thực hiện việc trả nợ này là tài sản ngoại tệ đang bị đóng băng bởi các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga nhằm đáp trả việc nước này tấn công Ukraine.
117 triệu USD trong đợt thanh toán này là tiền lãi của một số lô trái phiếu quốc tế phát hành bằng đồng USD. Hiện chưa rõ liệu các nhà đầu tư đến thời hạn nhận tiền lãi lần này có nhận được tiền hay không.
Trao đổi với tờ Russia Today, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov, nói rằng nước này đã thực hiện đúng nghĩa vụ với chủ nợ. Nhưng “khả năng hoàn tất nghĩa vụ của chúng tôi bằng ngoại tệ không tuỳ thuộc vào chúng tôi”, tờ báo dẫn lời ông Siluanov khi vị quan chức này cảnh báo rằng việc trả nợ đó của Nga sẽ không thể hoàn tất nếu Mỹ không cho phép.
“Chúng tôi có tiền, chúng tôi có thực hiện việc thanh toán. Giờ đây, quả bóng đang ở trong sân của nước Mỹ”, ông Siluanov nhấn mạnh.
Đợt thanh toán tiền lãi trái phiếu này là “bài kiểm tra” đầu tiên của Nga về khả năng trả nợ trong bối cảnh các cường quốc phương Tây áp một loạt biện pháp trừng phạt khắc nghiệt lên nền kinh tế Nga. Nếu việc thanh toán bị Mỹ chặn, Nga có thể tìm cách trả nợ bằng đồng Rúp thay vì bằng USD. Tuy nhiên, việc Nga dùng nội tệ để trả các khoản nợ ngoại tệ có thể đồng nghĩa với một vụ vỡ nợ - tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings cảnh báo hôm thứ Ba.
Điều này phản ánh thế “gọng kìm” đang siết chặt đối với Nga. Nước này có tiền để trả nợ, vì dự trữ ngoại hối của Nga đạt khoảng 640 tỷ USD, nhưng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã đóng băng khoảng một nửa số dự trữ này, khiến Moscow không thể nào tiếp cận. Theo ông Siluanov, tổng cộng 315 tỷ USD tài sản thuộc dự trữ ngoại hối của Nga đang nằm ngoài khả năng tiếp cận của Chính phủ nước này.
Nếu Nga vỡ nợ, tổn thất đối với các nhà đầu tư có thể gia tăng.
Hiện nay, các nhà đầu tư tài chính phương Tây không còn nắm nhiều tài sản Nga như trước kia. Lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 đã khiến giới đầu tư phương Tây giảm tài sản Nga trong danh mục. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), các thực thể Nga đang nợ các ngân hàng phương Tây khoảng 121 tỷ USD.
Ngân hàng JPMorgan Chase ước tính Chính phủ Nga có khoảng 40 tỷ nợ ngoại tệ vào thời điểm cuối năm ngoái, trong đó khoảng một nửa nằm trong tay của các nhà đầu tư nước ngoài.
Sau đợt thanh toán nợ ngày 16/3, Nga sẽ đến hạn thanh toán một khoản 2 tỷ USD vào đầu tháng 4.