11:35 09/04/2007

Ngành thép phân tán đầu tư để giảm rủi ro

Nguyễn Hoài

Các doanh nghiệp ngành thép đang có sự chuyển động tích cực theo hướng phát triển đa ngành nghề

Ngành thép đã có sự chuyển động tích cực theo hướng phát triển đa ngành nghề.
Ngành thép đã có sự chuyển động tích cực theo hướng phát triển đa ngành nghề.
Các doanh nghiệp ngành thép đang có sự chuyển động tích cực theo hướng phát triển đa ngành nghề.

Có thể thấy rõ từ mô hình thành công của Tập đoàn Hòa Phát: sản xuất thép, xi măng, điện tử, điện lạnh, nội thất.

Và mới đây, Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức (VG-Pipe) đã triển khai đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ nhằm triển khai Dự án Trung tâm Thương mại VG Tower trên đường Bắc Thăng Long- Nội Bài và một số dự án khác.

Gần đây, do sự bùng nổ của đầu tư, hàng loạt dự án từ khu vực thượng nguồn đến hạ nguồn; từ vốn tư nhân đến vốn FDI trong ngành thép đã ra đời.

Cùng với đó, các doanh nghiệp này đã áp dụng nhiều bộ tiêu chuẩn thép hiện đại trên thế giới của Nhật, Đức, Hàn Quốc, Australia..., và cho ra đời những sản phẩm có phẩm cấp cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của những công trình xây dựng trọng điểm.

Song song với chất lượng, những nhà máy này nhờ áp dụng công nghệ tiêu chuẩn hiện đại nên đã giảm thiểu chi phí ở mức thấp tạo ra khả năng cạnh tranh rất lớn đối với dòng thép xây dựng phổ thông và mác cao của thép ngoại, đặc biệt là thép Trung Quốc.

Nhưng có lẽ, chừng ấy vẫn chưa đủ cho các doanh nghiệp trong ngành thép bởi khi nền kinh tế mở cửa, tính cạnh tranh trong từng ngành hàng sẽ vô cùng khốc liệt và lối làm ăn nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu "trồng một cây, nuôi một con" sẽ rất khó tồn tại. Điều này cũng mở ra một xu hướng mới cho các doanh nghiệp ngành thép: phân tán đầu tư để chia sẻ đều lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro.

Tập đoàn Hòa Phát vốn ban đầu chỉ sản xuất thép, nhưng đã nhanh chân nhảy vào những khu vực thị trường vốn không phải "sân chơi" của mình.

Hiện tại, ngoài sở trường là sản phẩm thép xây dựng, thép ống, Hòa Phát còn triển khai thêm nhiều dự án mới như thiết bị phụ tùng, nội thất, điện lạnh, các sản phẩm thương mại khác.

Đặc biệt, tập đoàn này còn bắt tay với các đối tác khác để thực hiện các dự án xi măng, thuỷ điện.

Cũng nhờ cơ cấu lại danh mục đầu tư, hiện tại doanh thu của Hòa Phát đã lên tới hàng trăm triệu USD mỗi năm, sở hữu một tập hợp nhóm công ty đa ngành. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát giữ vai trò công ty mẹ và 7 công ty thành viên, với tổng số nhân viên đã lên tới 5.000 người.

Một số doanh nghiệp khác trong ngành thép như Việt - Ý ngoài việc sản xuất các loại thép thông thường đã triển khai các dự án thượng nguồn như phôi. Bởi gần 80% tổng cầu phôi của ngành thép Việt Nam vẫn phải nhập khẩu và giá thành khi về đến Việt Nam cao hơn giá thị trường tại Trung Quốc trong cùng một thời điểm lên tới 500 nghìn đồng/tấn.

Khác với Hòa Phát và Việt- Ý, VG - Pipe vốn chuyên ngành về sản xuất ống thép, cung cấp đầu vào cho các công trình xây dựng dân dụng công nghiệp, nhà tiền chế trong các khu cụm công nghiệp, sản xuất đồ nội thất và nhu cầu dân sinh khác đã triển khai một loạt dự án đa ngành: bất động sản và sản phẩm sau thép như bu lông ốc vít...

Trung tâm Thương mại Việt Đức (VG Tower) nằm trong quy hoạch khu đô thị mới thuộc xã Quang Minh, Mê Linh, Vĩnh Phúc, có diện tích 5.200 m2, trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, cách Hà Nội 15km. VG-Pipe xác định, đây là một trong những dự án trọng điểm trong số các dự án mà VG- PIPE sắp triển khai.

Ông Lê Minh Hải, Tổng giám đốc Công ty VG -Pipe nói: "Đây là khu đô thị đang hình thành và phát triển. Các công sở và nhà máy đang được xây dựng mạnh nên nhu cầu thuê văn phòng làm việc và các dịch vụ công cộng phục vụ cho dân cư đô thị tại đây là rất lớn".

Trên cơ sở số liệu của báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án được triển khai thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ xây dựng một toà nhà 5 tầng trên diện tích 1.500 m2 có tổng mức đầu tư hơn 30 tỷ đồng.

Được biết, mặc dù dự án mới triển khai nhưng đã có khá nhiều đơn hàng của các đối tác như Ngân hàng VP Bank, Công ty Tài chính TL-TLS, Automation 96 Group... đăng ký thuê.

Theo VG - Pipe, giai đoạn 2 của dự án khoảng đầu 2009, doanh nghiệp này sẽ triển khai một toà nhà 16 tầng trên phần diện tích còn lại, hình thành khu liên hợp trung tâm thương mại gồm 2 khối nhà.

Với những tính toán nêu trên, VG - Pipe đang có những bước đột phá trong tái cơ cấu đầu tư. Ông Lê Phan Đức, cán bộ của công ty VG- PIPE nói: "Nếu chỉ hoạt động đơn lẻ trong lĩnh vực sản xuất ống thép thì khả năng phát triển, mở rộng quy mô doanh nghiệp sẽ khó khăn. Vì vậy, việc phân bổ nguồn lực sang lĩnh vực bất động sản vừa góp phần giảm thiểu rủi ro, vừa làm tăng tính bền vững trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty".

Hiện tại, đã có khá nhiều doanh nghiệp trong ngành thép đi theo hướng này. Thay vì chỉ sản xuất thép, các doanh nghiệp đã mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh đa ngành, nhất là lĩnh vực bất động sản.

Nếu đầu tư bài bản, vận hành chuyên nghiệp và địa điểm "đắc địa", sẽ đem lại nguồn lợi nhuận cao, tạo nên sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp ngành thép.