06:37 15/03/2023

Người dân khốn khổ vì nền đường quá cao khi nâng cấp Quốc lộ 19, Bộ Giao thông vận tải nói gì?

Anh Tú

Một số đoạn đường thuộc tuyến Quốc lộ 19 được nâng nền cao hơn đường hiện trạng từ 2 - 3,5m, khiến người dân gặp bất tiện trong việc đi lại và sinh hoạt. Việc nâng cấp Quốc lộ 19 thuộc dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên vay vốn WB đang thi công trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Bình Định...

WB yêu cầu bổ sung các nội dung có xét đến kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên cần tôn cao mặt đường.
WB yêu cầu bổ sung các nội dung có xét đến kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên cần tôn cao mặt đường.

Bộ Giao thông vận tải vừa có Văn bản số 2386/BGTVT-CQLXD gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định trả lời kiến nghị cử tri về những bất cập trong quá trình triển khai dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên trên Quốc lộ 19, đoạn qua địa bàn xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định do Ban Quản lý dự án 2 thuộc Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.

NGƯỜI DÂN KHỔ SỞ DO NỀN ĐƯỜNG QUÁ CAO

Cụ thể, cử tri tỉnh Bình Định, cho biết theo hồ sơ thiết kế của dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, việc sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 19, đoạn qua địa bàn xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, theo thiết kế sẽ nâng độ nền cao hơn đường hiện trạng khoảng từ 2m - 3,5m, ở vị trí đoạn từ cầu Bầu Sen đến cầu Ba La (từ Km50+200 - Km51+500) và đoạn từ cầu Lò Gốm (Km52+840) đến chợ Đồng Phó. 

Tuy nhiên, các hộ dân sống dọc theo tuyến đường này rất lo lắng vì nhà ở sẽ thấp hơn đường rất nhiều gây khó khăn cho đời sống và sinh hoạt.

Do đó, cử tri tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo ngành chức năng thông tin cụ thể cho người dân địa phương biết cơ sở lựa chọn thiết kế nâng cao độ nền lên 2 - 3,5m ở tuyến đường này; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ và có biện pháp thi công phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông và đảm bảo việc đi lại sinh hoạt, kinh doanh của người dân.

Trước đó, trong kiến nghị gửi đến Bộ Giao thông vận tải, người dân tỉnh Gia Lai cũng phản ánh quá trình triển khai dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đoạn qua huyện Đăk Đoa, Đăk Pơ, nhiều nhà dân bị ảnh hưởng do tình trạng trước nhà bị chắn bởi công trình mương nước quá cao và chưa kết nối với các tuyến đường dân sinh hiện trạng gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Do đó, đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, hạn chế ảnh hưởng đến người dân và đảm bảo an toàn giao thông.

LƯỜNG TRƯỚC KỊCH BẢN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, NƯỚC BIỂN DÂNG

Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bình Định, Bộ Giao thông vận tải, cho biết dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, Quốc lộ 19 vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Đây là một trong các dự án quan trọng được đầu tư nhằm góp phần nâng cao năng lực vận hành, khai thác, giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 19.

Sau khi dự án hoàn thành sẽ góp phần tăng cường khả năng kết nối hệ thống giao thông khu vực Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải miền Trung và kết nối với các nước bạn Lào, Campuchia và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Giao thông vận tải đã tập trung quyết liệt, chỉ đạo chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án 2 và các đơn vị liên quan nỗ lực triển khai thực hiện, hiện các gói thầu đang triển khai thi công đồng loạt, đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Về nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến cao độ thiết kế nền đường đoạn Km50+000 - Km53+000, Quốc lộ 19, đoạn qua địa bàn xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, Bộ Giao thông vận tải, cho hay theo báo cáo của chủ đầu tư, hồ sơ Thiết kế được phê duyệt đã nghiên cứu, tính toán cao độ thiết kế phù hợp với quy định về khảo sát, yêu cầu tính toán cao độ nền đường, cao độ mặt cầu theo tần suất thủy văn tính toán, đảm bảo các yêu cầu thoát nước, biến đổi khí hậu… 

"Quá trình nghiên cứu, giải pháp thiết kế đã được chủ đầu tư, tư vấn thiết kế phối hợp với chính quyền địa phương gồm UBND huyện Tây Sơn, UBND xã Tây Giang để báo cáo và thống nhất phương án thiết kế”, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

 

Mặt khác, "trong quá trình thiết kế nhà tài trợ dự án là WB yêu cầu bổ sung các nội dung có xét đến kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Vì vậy, cần phải tính toán tôn cao mặt đường cho phù hợp, tránh gây ngập úng ảnh hưởng đến người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến", Bộ Giao thông vận tải lý giải.

Để giải quyết kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương kiểm tra hồ sơ thiết kế, thực tế hiện trường, phối hợp với các địa phương nơi dự án đi qua, tổ chức đối thoại, tuyên truyền, vận động người dân hiểu và đồng thuận với giải pháp thiết kế trong việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường, để đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của dự án.

Ngày 5/1 vừa qua, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu và các cơ quan của địa phương gồm: Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Tây Sơn, Khu Quản lý đường bộ III đã làm việc, rà soát cơ sở lựa chọn phương án thiết kế để thống nhất giải pháp xử lý phù hợp với thực tế và các yêu cầu kỹ thuật liên quan.

Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với địa phương, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành dự án, đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu kinh tế - kỹ thuật, thi công cuốn chiếu theo từng hạng mục, từng đoạn tuyến, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông và sinh hoạt của nhân dân.

 

Quốc lộ 19 có chiều dài gần 230km, kết nối Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) tiếp giáp với Campuchia đến cảng Quy Nhơn (Bình Định) đang được nâng cấp đồng bộ toàn tuyến, với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến gần 5.600 tỷ đồng.

Trước đó, dự án BOT nâng cấp hơn 34km Quốc lộ 19 đoạn km 17+027-km51 +152 có tổng mức đầu tư 1.460 tỷ đồng hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2016.

Hiện nay, 143km Quốc lộ 19 đi qua địa bàn hai tỉnh Gia Lai (dài 126km) và Bình Định (dài 17km) có tổng mức đầu tư khoảng 155,8 triệu USD,  tương đương hơn 3.600 tỷ đồng. Dự án thi công từ cuối tháng 8/2021 và dự kiến hoàn thành trong năm 2023.