07:33 16/01/2023

Nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát và xây cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, tạo bước đột phá cho Bình Định

Anh Tú

Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bình Định kêu gọi các hãng hàng không khai thác thêm và ổn định tần suất các đường bay quốc tế để nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát thành cảng quốc tế; đồng thời, sớm triển khai dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Từ đó, tạo bước đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng cho tỉnh và khu vực...

Khi tần suất các chuyến bay quốc tế ổn định, Bộ Giao thông vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng cho phép Cảng hàng không Phù Cát chuyển thành cảng quốc tế.
Khi tần suất các chuyến bay quốc tế ổn định, Bộ Giao thông vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng cho phép Cảng hàng không Phù Cát chuyển thành cảng quốc tế.

Bình Định là một trong các tỉnh miền Trung đang tập trung phát triển du lịch và đây được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Để tạo điều kiện cho Bình Định đẩy mạnh, phát triển hiệu quả du lịch của tỉnh nói riêng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung, tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm, cho chủ trương xây dựng Cảng hàng không Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế để sớm được đưa vào khai thác hiệu quả, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh. 

Đồng thời, Bộ quan tâm sớm đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku, góp phần phát huy các lợi thế về vị trí địa lý, tạo bước đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói chung, các tỉnh Bình Định, Gia Lai, Kon Tum nói riêng.

KHUYẾN KHÍCH KHAI THÁC THÊM ĐƯỜNG BAY QUỐC TẾ

Cảng hàng không Phù Cát, trước đây là sân bay Phù Cát, được Mỹ xây dựng từ những năm 1960 - 1970, là căn cứ quan trọng của Không quân Mỹ - Ngụy. Từ năm 2000 đến nay, Cảng hàng không Phù Cát được đầu tư xây dựng mới một số công trình thiết yêu phục vụ các hoạt động hàng không dân dụng như: đường lăn, sân đô máy bay (năm 2001 - 2002), nhà ga hành khách dân dụng và đài chỉ huy (năm 2003), mở rộng sân đỗ tàu bay (năm 2015)...

Cảng hàng không Phù Cát hiện đang khai thác bao gồm 3 hạng mục chính: sân đỗ với 7 vị trí đỗ máy bay; nhà ga 2 tầng và đường băng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, Cảng hàng không Phù Cát có cấp sân bay 4C, kết cấu hạ tầng khu bay bảo đảm khai thác các loại tàu bay code C như A320/321 và tương đương, nhà ga hành khách được mở rộng năm 2018 đáp ứng công suất khoảng 2 triệu hành khách/năm.

 

"Vài năm gần đây, sản lượng hành khách thông qua Cảng hàng không Phù Cát tăng trưởng tương đối tốt và đã thực hiện khai thác một số chuyến bay quốc tế không thường lệ", Bộ Giao thông vận tải thông tin.

Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó Cảng hàng không Phù Cát tiếp tục được hoạch định là cảng hàng không quốc nội.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, quá trình nghiên cứu xây dựng quy hoạch hệ thống cảng hàng không, trên cơ sở quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và kết quả nghiên cứu kinh nghiệm các nước trên thế giới, hồ sơ quy hoạch đã xây dựng định hướng chuyển cảng hàng không quốc nội thành cảng hàng không quốc tế.

Theo đó, các cảng hàng không quốc nội được khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ.

"Để bảo đảm khai thác hiệu quả hệ thống cảng hàng không, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm tính linh hoạt và tính mở của quy hoạch, khi các hãng hàng không có nhu cầu mở các chuyến bay quốc tế thường lệ và có cơ sở hạ tầng đảm bảo, Bộ Giao thông vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển thành cảng hàng không quốc tế", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.

Do đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị địa phương nghiên cứu, kêu gọi, khuyến khích các hãng hàng không khai thác thêm các đường bay quốc tế không thường lệ đi/đến Cảng hàng không Phù Cát nhằm mục đích phát triển thị trường bay quốc tế.

“Sau thời gian khai thác, nếu tần suất các chuyến bay quốc tế ổn định, Bộ Giao thông vận tải sẽ báo cáo ngay cấp có thẩm quyền cho phép chuyển Cảng hàng không Phù Cát thành Cảng hàng không quốc tế”, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

ƯU TIÊN ĐẦU TƯ PPP CAO TỐC QUY NHƠN - PLEIKU

Liên quan tới kiến nghị của tỉnh Bình Định về việc sớm đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku để phát triển kinh tế xã hội, Bộ Giao thông vận tải cho biết Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có chiều dài 180 km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030.

 

"Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Gia Lai chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Bình Định nghiên cứu phương án đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, trong đó ưu tiên phương án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để huy động tối đa mọi nguồn lực", Bộ Giao thông vận tải cho biết.

Đồng thời, thống nhất với các cơ quan, đề xuất phương án đầu tư, gồm tiến trình đầu tư, hình thức đầu tư, cơ quan có thẩm quyền đối với trường hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Giao thông vận tải thống nhất với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định về việc sớm đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku nhằm phát huy lợi thế vùng, tạo bước đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình nghiên cứu phương án đầu tư tuyến cao tốc theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để sớm triển khai dự án theo quy định.

Bình Định là cửa ngõ quan trọng, kết nối giao thương kinh tế của cả vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và một phần Tây Nguyên, gồm các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum và là cửa ngõ thông ra biển của Nam Lào, Bắc Campuchia. Bên cạnh đó, Bình Định còn có cảng biển nước sâu, một lợi thế lớn cho sự lưu thông hàng hóa khu vực. 

Do đó, việc "nâng đời" Cảng hàng không Phù Cát và xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku 180 km sẽ phát huy các lợi thế về vị trí địa lý, tạo bước đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.