16:16 22/02/2023

Người mẫu ảo sẽ “cứu” thị trường làm đẹp?

Minh Nguyệt

Trong tình hình doanh thu bán lẻ suy giảm, sự kết hợp giữa thực và ảo của metaverse mang đến cho các thương hiệu làm đẹp cơ hội để một lần nữa cá nhân hóa trải nghiệm của người tiêu dùng…

Ảnh: The CEO Magazine
Ảnh: The CEO Magazine

Trong một thị trường làm đẹp ngày càng bão hòa, các thương hiệu đang đua nhau tìm những cách độc, lạ để thu hút người tiêu dùng. Với sự phổ biến ngày càng tăng, metaverse nhanh chóng trở thành "sân chơi sắc đẹp" tiếp theo. Trong đó, có thể xem Clinique là công ty tiên phong trong lĩnh vực này khi phát hành NFT hồi năm 2021. Kế đến, Charlotte Tilbury và Givenchy Beauty House ra mắt các phiên bản metaverse của riêng mình.

Khi những cái tên đình đám tiếp tục đi theo xu hướng này, những “người mẫu AI” nổi lên như một công cụ để các thương hiệu thu hút khách hàng. Qua màn hình, những người mẫu ảo, beauty blogger ảo có vẻ ngoài và hành động trông giống người thật. Vì những "đại sứ" này do con người tạo nên, dễ lập trình vào thao túng, nên họ trở thành người phát ngôn lý tưởng.

NARS đã bắt đầu tận dụng các đại sứ thương hiệu ảo, còn gọi là "Power Players", để quảng bá dòng don môi Powermatte từ tháng 12/2022. Ba người mẫu từ công nghệ AI này tương tác với khác hàng trên website và các kênh mạng xã hội của NARS, hướng dẫn họ trang điểm với sản phẩm mới. Trước đó, Prada cũng giới thiệu một "nàng thơ ảo" mang tên Candy để quảng bá nước hoa cho thương hiệu. Hôm 18/2, nhãn hiệu PrettyLittleThing cũng công bố sắp cho ra mắt 8 người mẫu ảo thể hiện các thiết kế trong bộ sưu tập mới.

Theo Telegraph, người mẫu được tạo ra trên nền kỹ thuật số đang dấn thân vào ngành làm đẹp, thời trang và "đắt show" không kém người thật. Một trong những lý do các thương hiệu thời trang tìm đến người mẫu ảo là chi phí. Các mô hình này được dựng với số tiền nhỏ, dễ chỉnh sửa và có thể áp dụng một cách đơn giản. Các thương hiệu cũng không cần tìm địa điểm chụp hình, thuê nhiếp ảnh gia, người trang điểm hay "stylist".

Prada giới thiệu một "nàng thơ ảo" mang tên Candy, người quảng bá nước hoa cho thương hiệu.
Prada giới thiệu một "nàng thơ ảo" mang tên Candy, người quảng bá nước hoa cho thương hiệu.

Bên cạnh đó, sự gia tăng của “influencer ảo” là một thực tế phải có khi rất nhiều quyền tự do sáng tạo sẽ được mang tới cho các thương hiệu, họ có thể thiết kế người mẫu áo của riêng mình. Bằng cách này, các thương hiệu đang khai thác phương tiện mới để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng lâu hơn. "Các mô hình thương mại điện tử sẽ phát triển, kéo theo nhu cầu về người mẫu ảo. Hình ảnh quảng cáo sẽ cần đến sự chuyển động của mẫu để thể hiện các góc đẹp nhất của sản phẩm", một chuyên gia giải thích. "Sử dụng AI cho phép người mẫu di chuyển và tạo dáng các tư thế khác nhau một cách hoàn hảo".

Hiện không thiếu những nhân vật nổi tiếng được tạo ra từ công nghệ đồ họa thực tế ảo trên khắp thế giới như Imma (407.000 người theo dõi), Shudu Gram (238.000 người theo dõi), Gawr Gura (210.000 người theo dõi), Rozy (149.000 người theo dõi), Blawko (137.000 người theo dõi), Lucy (103.000 người theo dõi)… Và tại Việt Nam, người mẫu ảo đầu tiên được biết đến là E.M (sản phẩm giữa Ogilvy T&A và Colory - studio chuyên về đồ họa 3D và animation).

Thêm vào đó, đối với những nhân vật ảo như Lil Miquela hay Hatsune Miku, người tiêu dùng thậm chí trở thành người hâm mộ. Lúc này, các người mẫu ảo trở thành một thần tượng thực thụ, giúp thúc đẩy doanh số của các sản phẩm mà họ làm đại diện. Họ được xem là có sức ảnh hưởng không kém gì một ngôi sao thật. Tại Hàn Quốc, trang Instagram của người mẫu ảo Rozy đầy rẫy quảng cáo các sản phẩm thời trang và chăm sóc da. Baik Seung-yup, Giám đốc điều hành của Sidus Studio X sở hữu Rozy cho biết: “Nhiều công ty lớn ở Hàn Quốc muốn sử dụng Rozy làm người mẫu. Chúng tôi hy vọng năm nay cô ấy sẽ kiếm được 2 tỉ won (1,52 triệu USD)”.

Theo báo cáo của HypeAuditor: “Influencer ảo có mức độ tương tác gấp ba lần với người ảnh hưởng thực. Ngày càng có nhiều người bị cuốn hút bởi chủ nghĩa siêu thực và vẻ đẹp được nâng cao bằng kỹ thuật số của những người mẫu công nghệ AI này”. Ngoài ra, các thương hiệu có quyền điều chỉnh tính cách của influencer kỹ thuật số để phù hợp với hình ảnh và thông điệp truyền đạt. Các người mẫu ảo cũng sẽ không có hành vi xấu trong cuộc sống hàng ngày, gây scandal hay phát ngôn tổn hại cho thương hiệu.

NARS đã tận dụng các đại sứ thương hiệu ảo để quảng bá dòng don môi Powermatte.
NARS đã tận dụng các đại sứ thương hiệu ảo để quảng bá dòng don môi Powermatte.

Một số influencer được trả thù lao lên đến 50.000 USD mỗi bài đăng, chứng tỏ sự hiệu quả của cách thức quảng bá này. Tuy vậy, tính thiếu chân thực sẽ là một thách thức quan trọng khi thương hiệu cố gắng kết nối với khách hàng - những con người rất thật trong đời thật. Các thương hiệu mỹ phẩm cùng chung nhận định, họ sẽ còn phải chờ lâu để có thể tạo ra một influencer ảo với sức ảnh hưởng tầm cỡ như Alix Earle hay Kylie Jenner.

Bên cạnh đó, ở một số nơi trên thế giới, đang có tranh luận về đạo đức của việc dùng người ảo để tiếp thị sản phẩm cho người tiêu dùng, cũng như nguy cơ chiếm đoạt văn hóa khi tạo ra những influencer thuộc các sắc tộc khác nhau. Mối nguy cơ này được một số người đặt tên là “digital blackface” (mặt đen của kỹ thuật số). Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, có hơn 200 influencer ảo trên nền tảng của mình, đã thừa nhận những rủi ro.

"Giống như bất kỳ công nghệ đột phá nào, các influencer ảo có khả năng gây hại lẫn lợi. Để giúp các thương hiệu điều hướng các vấn đề đạo đức của công nghệ mới nổi này và tránh những nguy cơ tiềm ẩn, chúng tôi đang làm việc với các đối tác để phát triển một khuôn khổ đạo đức nhằm hướng dẫn việc sử dụng các influencer ảo", Meta cho biết trong một bài đăng.