10:29 15/02/2023

Vải thừa cũng mang lại doanh thu cho các nhà mốt xa xỉ

Minh Nguyệt

Mô hình tái sử dụng những loại vải thừa bằng cách bán lại đã được một số nhà mốt coi như hướng kinh doanh mới trong ngành công nghiệp thời trang những năm gần đây…

Kho vải thừa vủa dự án Nona Source. Ảnh: LVMH
Kho vải thừa vủa dự án Nona Source. Ảnh: LVMH

Khoảng 5% sản lượng nguyên liệu dệt may bị “bỏ rơi” trong kho hàng năm dẫn đến lãng phí 152 tỷ USD, theo tập đoàn LVMH. Những vật liệu này có nhiều tên gọi, như vải bị bỏ đi (leftover fabric), vải thừa (surplus fabric), vải dư (remnant fabric)... Về cơ bản, các hãng thời trang xa xỉ sau mỗi bộ sưu tập thường còn dư khá nhiều vải vóc, da hay phụ kiện và kết cục là chúng bị vứt bỏ. 

Điều đặc biệt của vải dư chính là họa tiết độc nhất vô nhị - đôi khi do nhà mốt đặt làm riêng. Đây là tính năng cực kì phù hợp cho các nhãn hiệu bền vững mới vừa ra mắt hoặc các hãng vừa và nhỏ vì chúng vừa giúp tiết kiệm chi phí và vải thừa chỉ được sản xuất với số lượng ít. Vải dư sẽ được tái chế “từ rễ đến ngọn” thông qua nhiều các dùng khác nhau, chẳng hạn như một số thương hiệu đã sử dụng vải dư để sáng tạo ra các phụ kiện, trong đó có những chiếc khẩu trang trong thời kỳ đại dịch vừa rồi. 

NHỮNG THƯƠNG HIỆU LỚN ĐANG DẪN ĐẦU

LVMH từ lâu đã tích trữ vải và da bền vững cho sự ổn định của các thương hiệu. Vào năm 2021, tập đoàn này đã nâng tầm quan niệm tuần hoàn trong ngành thời trang với dự án Nona Source, được phụ trách bởi các chuyên gia bền vững Marie Falguera, Romain Brabo và Anne Prieur Du Perray. Mục tiêu của nhà mốt là trở thành nguồn hàng dệt may hàng đầu cho các nhà thiết kế mới nổi ở châu Âu, để giảm thiểu lượng khí thải vận chuyển do kho hàng được đặt ở Pháp.

Theo Stella McCartney – LVMH sở hữu cổ phần trong nhãn hiệu cùng tên của nhà thiết kế – chưa đến 1% vật liệu được sử dụng để sản xuất quần áo được tái chế. “Đây là lúc Nona Source xuất hiện. Những thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới thuộc tập đoàn LVMH có thể bán lại những loại vải và da thừa với giá cạnh tranh. Điều này có nghĩa là tất cả các hãng thời trang khác đều có thể tiếp cận chúng”.

Một bộ trang phục trong bộ sưu tập của thương hiệu Richard Malone sử dụng vải thừa mua từ dự án Nona Source.
Một bộ trang phục trong bộ sưu tập của thương hiệu Richard Malone sử dụng vải thừa mua từ dự án Nona Source.

Một trong các vị “cha đẻ” của dự án này, ông Romain Brado cũng là người phụ trách nhập vật liệu cho Givenchy. “Hầu hết thời gian tôi làm việc đều ở các kho chứa nguyên liệu nên khi chứng kiến số vải dư càng ngày càng nhiều, tôi lại nghĩ đến những nhà thiết kế trẻ cũng rất cố gắng tìm kiếm các loại vải đẹp để sáng tạo. Mà tại các thương hiệu xa xỉ thì chúng lại bị chất thành núi trong kho, đó là tiền đề cho sự ra đời của nền tảng Nona Source”. 

Có thể nói, sự tồn tại Nona Source đã mang đến nhiều tài nguyên và lợi ích cho ngành thời trang. Trên web của Nona Source sẽ miêu tả rõ ràng chất liệu, số lượng và giá thành cho từng loại sản phẩm khác nhau. Showroom đầu tiên của Nona Source được đặt tại La Caserne, Paris đã mở cửa vào mùa thu năm 2021. Mới đây, một showroom thứ hai của dự án này đã được đặt tại London. Trong tuần đầu tiên ra mắt, 500 loại vải với tổng cộng 100.000 mét vải và 1.000 da được đăng tải trên trang web chính. Nona Source không chỉ cung cấp các chất liệu vải và da, mà còn có những phụ kiện khác trong “công cuộc” tạo nên một sản phẩm như sọc, chỉ, khóa kéo, nút,…

Sự đa dạng ấy khiến sự phát triển của nền tảng này không mấy khó khăn mà còn nhận được sự ủng hộ tích cực trong giới.  Để có thể đặt những mặt hàng từ Nona, bạn phải chứng minh được mình là một nhà thiết kế thời trang hoặc sở hữu một cửa hàng riêng có mã số thuế thuộc Liên minh châu Âu. Vì tất cả các sản phẩm từ Nona đều có nguồn gốc từ các thương hiệu trong nhà LVMH nên người mua có thể an tâm với chất lượng sản phẩm. 

Chanel hướng tới việc tái sử dụng một cách sáng tạo những phế liệu của họ, từ vải, vật liệu, thành phẩm...
Chanel hướng tới việc tái sử dụng một cách sáng tạo những phế liệu của họ, từ vải, vật liệu, thành phẩm...

Trong khi đó, Chanel cũng từng khởi xướng dự án Atelier des Matières thông qua một mô hình chuyển đổi tuần hoàn hơi khác. Dự án này hoạt động trên cơ sở thu hồi và làm sống lại các món đồ không sử dụng như hàng hóa sản xuất chưa bán hoặc chưa sử dụng từ lĩnh vực thời trang và xa xỉ.

Nhà mốt sẽ bắt đầu bằng việc thành lập một công ty mở cửa cho tất cả các thương hiệu cao cấp, mang đến cho họ cơ hội tái sử dụng một cách sáng tạo những phế liệu của họ, từ vải, vật liệu, thành phẩm hoặc bán thành phẩm, dựa vào sự hỗ trợ của bộ phận nghiên cứu và phát triển của Chanel ở Paris. Tọa lạc tại Le Meux trong vùng Oise, Atelier des Matières hiện có 35 nhân viên, bao gồm một nhóm "người định giá" phụ trách tìm kiếm các giải pháp “cuộc đời thứ hai” cho các sản phẩm được thu thập.

THỜI TRANG TUẦN HOÀN ĐƯỢC CHÀO ĐÓN

Mới nhất, nhà mốt Ý Salvatore Ferragamo là một trong những thương hiệu xa xỉ tạo ra bộ sưu tập thân thiện với môi trường, có tên "Salvatore Ferragamo Icon-Up". Trong đó, mỗi thiết kế giày độc quyền đều là duy nhất và bắt nguồn từ các sản phẩm và vật liệu trong kho của Ferragamo, bao gồm các phụ kiện tái chế và lụa in, để hồi sinh những đôi giày Vara và Varina mang tính biểu tượng của thương hiệu. Một quy trình sáng tạo tương tự đã được áp dụng cho thắt lưng: mỗi chiếc được lấy lại từ kho hàng tồn và được làm mới bằng cách tận dụng các mảnh lụa thừa từ các sản phẩm Ferragamo.

Sau đó là đến các loại phụ kiện, cà vạt, khăng quàng từ lụa in được thương hiệu tận dụng, mang lại cuộc sống thứ hai cho những món đồ đặc trưng từ kho lưu trữ của nhà mốt. Các mảnh lụa thừa khi làm khăn choàng, cà vạt và túi nhỏ đã được tái sử dụng để tạo thành những chiếc nơ, mang vẻ duyên dáng thanh lịch đậm chất Ý.

 
Một quy trình sáng tạo tương tự đã được thực hiện cho thắt lưng, cà vạt, túi vải… kết quả đã tạo ra những phụ kiện thanh lịch, sống động thấm nhuần tinh thần lạc quan.

Chúng ta cũng phải kể đến Tonlé - một thương hiệu thời trang Zero Waste (không rác thải) và họ đã sử dụng hoàn toàn vải dư trong các BST của mình. Có một sự thật thú vị mà bạn cần biết về thương hiệu này. Cho dù là những mảnh vải nhỏ đến mức nào đều được hãng tái chế lại bằng một cách sáng tạo độc lạ. Chúng sẽ được cắt tiếp và khâu riêng thành sợi được dệt thủ công và đan thành những mảnh mới. Trong khi đó, Viktor & Rolf thì đã tái sử dụng những mảnh vài thừa từ những bộ sưu tập vintage để tạo thành những sáng tạo mới của họ. Hai bộ sưu tập gần đây nhất của thương hiệu chỉ được làm bằng những loại vải vintage còn thừa ra.

Điều đặc biệt của vải dư chính là họa tiết độc nhất vô nhị để cho ra mắt các bộ sưu tập, do đó rất phù hợp cho các nhãn hiệu vừa và nhỏ để tiết kiệm chi phí.
Điều đặc biệt của vải dư chính là họa tiết độc nhất vô nhị để cho ra mắt các bộ sưu tập, do đó rất phù hợp cho các nhãn hiệu vừa và nhỏ để tiết kiệm chi phí.

Giá trị tiềm năng của nền kinh tế tuần hoàn của thời trang có thể lên tới 5 nghìn tỷ USD, theo một báo cáo mới của một nhóm các chuyên gia học thuật và công nghiệp nổi tiếng. Ngành công nghiệp thời trang đang phải đối mặt với áp lực lớn trong việc giảm lượng khí thải carbon và chất thải, đặc biệt là từ một thế hệ người tiêu dùng mới, những người đòi hỏi trách nhiệm và sự minh bạch về môi trường nhiều hơn. Điều này đã tạo thêm động lực cho lập luận về tính tuần hoàn. 

Các chuyên gia về phát triển kinh tế bền vững cho biết ngành công nghiệp này chỉ mới bắt đầu khám phá tiềm năng tái sử dụng và tái chế sản phẩm. Một lượng lớn sản phẩm kết thúc ở bãi rác nhưng có thể dễ dàng bán lại. Các công nghệ tái chế cải tiến có khả năng tạo ra sự biến đổi tạo nên vòng đời thứ hai cho sản phẩm. Lấy sản phẩm làm trung tâm, thay vì lấy người tiêu dùng làm trung tâm, cách tiếp cận này giúp cho các cơ sở tái chế có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo ra tính minh bạch và bền vững cho doanh nghiệp; đồng thời, bảo vệ môi trường sống.