10:21 29/06/2007

Nhà nước được gì từ cổ phần hóa?

Giá trị phần vốn nhà nước còn lại ở doanh nghiệp tăng gấp 3-4 lần, thậm chí gấp 10-15 lần trước cổ phần hóa

Nhân viên tư vấn tại một chi nhánh của Bảo Việt ở Tp.HCM.
Nhân viên tư vấn tại một chi nhánh của Bảo Việt ở Tp.HCM.
Khi bỏ ra 3.000 tỉ đồng để xây dựng Công ty Phân đạm và Hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ), Nhà nước không bao giờ nghĩ rằng chỉ vài năm sau lại thu về một khoản tiền lớn như vậy.

Vào thời điểm cổ phần hóa, giá trị doanh nghiệp của Đạm Phú Mỹ được xác định là 3.800 tỉ đồng, tăng thêm 800 tỉ so với vốn đầu tư. Với mức khởi điểm đấu giá 50.000 đồng/cổ phiếu, giá trị doanh nghiệp của Đạm Phú Mỹ tăng lên thành 19.000 tỉ đồng. Đấu giá thành công 128,6 triệu cổ phần vào cuối tháng 4/2007 với giá bình quân 54.000 đồng/cổ phiếu, Nhà nước đã thu về gần 7.000 tỉ đồng, gấp 2,3 lần số vốn bỏ ra thành lập doanh nghiệp và vẫn giữ cổ phần chi phối tuyệt đối ở công ty này.

Nếu bán toàn bộ vốn nhà nước, Nhà nước sẽ thu về 20.520 tỉ đồng, đủ để xây dựng 4-5 nhà máy mới tầm cỡ Đạm Phú Mỹ. Quả là siêu lợi nhuận!

Cổ phần hóa nhưng vẫn bảo toàn vốn Nhà nước

Đạm Phú Mỹ khởi đầu giai đoạn mới của cổ phần hóa, hay nói chính xác là giai đoạn mới của cải cách doanh nghiệp quốc doanh: các công ty tầm cỡ quốc gia với vốn nhà nước hàng ngàn tỉ đồng vào cuộc. Với vai trò cơ quan quản lý ngân khố đất nước, Bộ Tài chính là người trăn trở hơn ai hết về việc làm thế nào để không thất thoát tài sản nhà nước. Và điều này phụ thuộc nhiều vào điểm xuất phát định giá doanh nghiệp.

Ở Đạm Phú Mỹ việc xác định giá trị doanh nghiệp không quá khó khăn như ở Bảo Việt, Vietcombank, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), MobiFone, Vinaphone... vì Đạm Phú Mỹ mới thành lập cách đây chưa lâu với số vốn đầu tư được hạch toán rõ ràng trên sổ sách. Việc xác định giá trị Bảo Việt hay Vietcombank phải tính đến yếu tố quá trình xây dựng, phát triển công ty trong hàng chục năm, thương hiệu, kinh nghiệm, vị trí đầu ngành...

Có lẽ vì thế mà ở Đạm Phú Mỹ, Nhà nước chấp thuận phương án bán ra một phần vốn nhà nước, nhưng với Bảo Việt và Vietcombank, vốn nhà nước vẫn được giữ nguyên, chỉ phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn, nâng vốn điều lệ doanh nghiệp lên mức gấp 2-4 lần vốn điều lệ trước khi cổ phần hóa.

Việc khoanh vốn nhà nước thành một “cục”, tương ứng với một tỷ lệ vốn điều lệ doanh nghiệp sau khi chuyển đổi sở hữu, đồng thời Nhà nước vẫn là cổ đông lớn nhất, nắm quyền chi phối điều hành doanh nghiệp, gửi đến công chúng đầu tư một thông điệp: bất kể giá cổ phiếu doanh nghiệp sau này biến động ra sao, phần vốn nhà nước vẫn còn nguyên đó.

Nghĩa là doanh nghiệp cổ phần hóa, nhưng vốn nhà nước vẫn được bảo toàn.

Những bất cập

Việc xác định giá trị phần vốn nhà nước ở Bảo Việt, cũng như những đơn vị chuẩn bị IPO, như vậy, khác hẳn với việc định giá doanh nghiệp khi cổ phần hóa trước đây. Tuy nhiên cách thức mới này bắt đầu bộc lộ những bất cập.

Thứ nhất, chẳng hạn như ở Bảo Việt, đã có sự không công bằng trong việc đấu giá mua cổ phần giữa nhà đầu tư nhỏ lẻ cá nhân và nhà đầu tư chiến lược. Nhà đầu tư cá nhân phải mua với giá trúng bình quân của ngày 31/5/2007 là 73.910 đồng/cổ phiếu, trong khi nhà đầu tư chiến lược được mua với giá tối thiểu bằng giá bình quân của ngày 26/6/2007 (là ngày nhà đầu tư nộp tiền, chấp nhận mua thực sự), chắc chắn thấp hơn giá ngày 31/5/2007.

Thứ hai sự chênh lệch quá lớn vốn điều lệ doanh nghiệp trước và sau cổ phần hóa (vốn điều lệ thực của Bảo Việt trước cổ phần hóa là 1.800 tỉ đồng, sau cổ phần hóa là 6.800 tỉ đồng, gấp 3,77 lần) gây sức ép cho doanh nghiệp về hiệu quả kinh doanh bởi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận không thể ngang bằng tốc độ tăng vốn.

Mặt khác, việc tăng vốn như vậy sẽ làm giá trị cổ phiếu doanh nghiệp trở nên quá “loãng”, khó được chấp nhận đầu tư ở mức cao. Thường doanh nghiệp không muốn giá cổ phiếu của mình quá cao vì e ngại sức ép cổ đông về lợi nhuận, nhưng giá cổ phiếu thấp cũng không phải là điều họ mong muốn.

Hơn nữa, giá cổ phiếu thấp sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh công ty. Nhà đầu tư có thể nói: “Công ty đó chắc làm ăn kém nên giá cổ phiếu mới thấp như vậy”! Với cùng mức lợi nhuận sau thuế của năm 2007 là 615 tỉ đồng (theo bản cáo bạch), thì giá cổ phiếu của Bảo Việt sẽ khác xa hiện nay nếu vốn điều lệ của Bảo Việt là 1.800 tỉ đồng thay vì là 6.800 tỉ đồng.

Thứ ba việc Nhà nước thu về phần lớn thặng dư từ đợt đấu giá, doanh nghiệp chỉ được hưởng một phần nhỏ (mà trong phần nhỏ này, Nhà nước vẫn được hưởng phần lớn vì là cổ đông chi phối) là không hợp lý với doanh nghiệp. Ngay cả những công ty tư nhân khi chuyển sang cổ phần, đấu giá cổ phần ra bên ngoài như Thủy sản Nam Việt, Thủy sản Minh Phú, phần thặng dư chủ đầu tư cũng để lại cho doanh nghiệp (nhập vào vốn chủ sở hữu công ty), chứ họ không lấy cho riêng mình.

Ở đây cần nhìn xa hơn là một khi phần vốn thặng dư được để lại, doanh nghiệp sẽ có tiềm lực phát triển, lợi nhuận cao, họ sẽ nộp thuế nhiều hơn và giá cổ phiếu công ty tăng, thì giá trị phần vốn nhà nước ở doanh nghiệp cũng tăng lên. Khi đó nếu bán ra, Nhà nước sẽ thu về một khoản tiền lớn hơn nhiều lần số thặng dư đã để lại cho doanh nghiệp.

Cũng cần phải nói thêm là trong các thời kỳ cổ phần hóa từ năm 2005 trở về trước, số tiền thu về từ bán bớt phần vốn nhà nước tại các đơn vị chuyển đổi sở hữu, đều được để lại cho doanh nghiệp sử dụng vào những việc như đào tạo người lao động, giải quyết lao động dôi dư, tái đầu tư cho doanh nghiệp phát triển. Chính nhờ đó, hầu hết doanh nghiệp đã cổ phần hóa đều làm ăn hiệu quả, nộp ngân sách, nộp thuế tăng vọt, số lượng lao động tuyển mới cũng tăng thêm, thu nhập của công nhân được cải thiện đáng kể.

Và kết quả cuối cùng là giá trị phần vốn nhà nước còn lại ở doanh nghiệp tăng gấp 3-4 lần, thậm chí gấp 10-15 lần trước cổ phần hóa. Còn hiện nay, việc Nhà nước thu phần lớn thặng dư từ phát hành thêm cổ phiếu trong khi phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được giữ nguyên đang khiến không ít đơn vị băn khoăn.

Mới đây nhất, BIDV đã đề xuất thặng dư từ bán cổ phần, Nhà nước nên để lại cho doanh nghiệp dưới hình thức vay ưu đãi hoặc sử dụng để tăng vốn cho chính Nhà nước trong trường hợp doanh nghiệp huy động thêm vốn, mở rộng đầu tư kinh doanh. Đề xuất này rất nên được Nhà nước xem xét.