Nhận biết sớm dấu hiệu trẻ tự kỷ và cách chăm sóc
Chứng tự kỷ đang ngày càng phổ biến ở trẻ nhỏ. Bệnh tự kỷ nếu được phát hiện và can thiệp sớm, sẽ giúp trẻ cải thiện khả năng giao tiếp xã hội, phần nào giúp trẻ sau khi lớn lên có thể tự phục vụ một phần cho bản thân.
Theo Thạc sỹ tâm lý Trần Thị Hương Nhài – Khoa Thần kinh phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An: sự khác biệt về khả năng phát triển, đặc biệt là kỹ năng xã hội và ngôn ngữ của trẻ em bị rối loạn phổ tự kỷ từ khi các bé còn là những đứa trẻ sơ sinh. Đó cũng là cách nhận biết sớm dấu hiệu trẻ tự kỷ nếu bố mẹ để tâm đến trẻ. Trẻ mắc chứng tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Tự kỷ là rối loạn phát triển lan tỏa xuất hiện sớm ở trẻ nhỏ và kéo dài với các dấu hiệu ở 3 lĩnh vực: - Giảm tương tác xã hội: ít nhìn mắt, ít chỉ tay, ít cử chỉ giao tiếp, không chơi với bạn, gọi ít quay đầu lại, không khoe, không chia sẻ quan tâm với người khác. - Giảm giao tiếp: chậm nói, nhại lời, phát âm vô nghĩa, nếu nói được lại không biết duy trì hội thoại, giọng nói khác thường, không biết chơi giả vờ. - Hành vi bất thường: hành động rập khuôn, cầm lâu một thứ, cuốn hút quá mức với tivi, quảng cáo, logo, sách, chữ, số, bấm nút đồ điện, đi kiễng gót, chạy vòng quanh, nhìn tay, ăn ít nhai… Bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) khuyến nghị, việc phát hiện sớm bệnh tự kỷ sẽ tạo điều kiện cho khả năng điều trị thành công và hòa nhập của trẻ... Hiện có 75-88% trẻ em có rối loạn tự kỷ có những dấu hiệu sớm của tình trạng này trong 2 năm đầu đời, 31-55% có biểu hiện triệu chứng trong năm đầu tiên.Tuy nhiên, đáng lo ngại là việc phát hiện tình trạng bệnh của trẻ và đưa đi điều trị thời gian qua là khá chậm, phần nhiều đã từ 3-4 tuổi.
Phân loại - Tự kỷ điển hình: xuất hiện trước 3 tuổi ở cả 3 lĩnh vực nói trên. - Tự kỷ không điển hình: xuất hiện sau 3 tuổi, không đủ cả 3 lĩnh vực. - Tự kỷ chức năng cao: biết chữ số sớm, trí nhớ máy móc tốt nhưng kém giao tiếp và tương tác xã hội. - Hội chứng phân rã ở trẻ nhỏ: bình thường trước 3 – 4 tuổi, sau đó xuất hiện các dấu hiệu tự kỷ mức nặng. Triệu chứng (ở trẻ trước 24 tháng tuổi) - Không bập bẹ nói khi 12 tháng tuổi. - Không có cử chỉ khi 12 tháng tuổi: chỉ tay, vẫy tay, bắt tay, nhìn mắt, cười đáp. - Không nói được từ đơn khi 16 tháng tuổi. - Không tự nói câu 2 từ khi 24 tháng tuổi. - Mất kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp ở bất kỳ lứa tuổi nào. Các trẻ có nguy cơ cao - Mẹ mang thai bị nhiễm một số loại virus. - Khi sinh bị ngạt, sang chấn não, can thiệp sản khoa, sinh non. - Khuyết tật tâm thần, tổn thương hệ thần kinh bẩm sinh. - Các tình trạng nhiễm sắc thể bất thường. - Gia đình ít quan tâm, xem tivi nhiều làm mức độ tự kỷ nặng thêm, đây không phải là nguyên nhân tự kỷ. Các bước chẩn đoán - Khám thần kinh, nội khoa, tâm thần, đánh giá theo DSM-IV. - Khám răng hàm mặt, tai mũi họng, đo thính lực … - Test tâm lý: Denver II, M – CHAT, CARS, thang hành vi cảm xúc. - Các bác sỹ chuyên khoa Nhi, Thần kinh, Tâm thần có thể sàng lọc các dấu hiệu để xác định trẻ có mắc tự kỷ không, tiến hành đánh giá chuyên khoa xác định chẩn đoán.
Điều trị bệnh Ngay từ khi trẻ có biểu hiện bất thường, chẩn đoán xác định rõ từ 24 – 30 tháng, cần: - Trị liệu hành vi, dạy ngôn ngữ và giao tiếp, trị liệu tâm vận động và điều hoà cảm giác, tự phục vụ, chơi tương tác, kỹ năng xã hội, tư vấn gia đình. - Các kỹ năng cơ bản dạy trẻ: chú ý bằng nhìn, lắng nghe, bắt chước, giao tiếp bằng cử chỉ, chơi phù hợp, hiểu lời, kỹ năng phát âm. Vai trò của cha mẹ - Cần đưa trẻ đi khám ngay khi phát hiện các biểu hiện nghi ngờ trẻ bị tự kỷ
- Tích cực tìm hiểu tự kỷ, điểu chỉnh cảm xúc bản thân. - Tạo môi trường sống an toàn, ổn định cho trẻ. - Dành nhiều thời gian cho trẻ: quan sát, hiểu, tương tác và dạy trẻ phù hợp. - Dạy trẻ mọi lúc mọi nơi bằng vật thật, đồ chơi, tranh ảnh, biểu tượng. - Kết hợp với các nhà chuyên môn: bác sỹ nhi khoa, cán bộ tâm lý, giáo viên giáo dục đặc biệt, bác sỹ chuyên khoa tâm thần. - Chia sẻ kinh nghiệm, cảm xúc, phương tiện dạy trẻ với các cha mẹ khác. - Ghi nhật ký về diễn biến của trẻ và cách can thiệp để rút kinh nghiệm. - Chơi và dạy trẻ mọi lúc, mọi nơi. Ít nhất 3 giờ/ngày. - Đi lớp, hạn chế xem tivi. - Gọi tên, nhìn mắt, nhìn theo tay chỉ, gây sự chú ý của trẻ, tạo nhu cầu cho trẻ. - Dạy trẻ chỉ ngón trỏ vào bộ phận cơ thể, đồ vật, tranh ảnh. - Dạy cử chỉ giao tiếp: chào, ạ, xin, bắt tay, hoan hô,… - Dạy cách chơi đồ chơi và chơi với người khác: chi chành, ú oà, kiến bò… - Bắt chước các động tác môi miệng, nét mặt, tiếng kêu con vật, đồ vật, từ đơn giản. - Nói ngắn, rõ, nhấn mạnh từ chính kèm theo cử chỉ, điệu bộ, tranh ảnh, đồ vật. - Giao tiếp bằng tranh để đổi lấy thứ trẻ cần (PECS). - Sai việc đơn giản, thực hiện mệnh lệnh. - Vận động tinh: xếp, ghép, vẽ tô, xâu, cắm, xé, cắt dán,… - Vận động thô: đi bộ, bò, lăn, nhảy, trượt, thể dục, đạp xe, lăn bóng, … - Hiện chưa có thuốc chữa khỏi tự kỷ mà chỉ có thuốc điều trị rối loạn đi kèm như tăng động, hung tính, động kinh.