Nhiều dự án luật chưa thống nhất vẫn trình Quốc hội
"Nhiều cuộc sang bên này 3, 4 bộ trưởng, nhưng bộ trưởng thay mặt Chính phủ lại nói khác bộ trưởng đi dự"
Tiếp tục phiên họp thứ 27, sáng 13/9 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Theo Nghị quyết 718 của Quốc hội thì Chính phủ được giao chủ trì chuẩn bị 75 dự án luật, pháp lệnh dự kiến phải được ban hành, sửa đổi, bổ sung để triển khai thi hành Hiến pháp.
19 dự luật vẫn "để trắng" phần tiến độ
Thống kê của Uỷ ban Pháp luật cho thấy, sau gần 5 năm thực hiện, Chính phủ đã trình ban hành được 54 luật, pháp lệnh (đạt 72%), đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và 2019 bốn dự án (chiếm 5,3%), còn lại 17 dự án (chiếm 22,6%) chưa đưa vào chương trình, trong đó, so với thời hạn dự kiến có 2 dự án quá hạn 4 năm (chiếm 2,7 %), 2 dự án quá hạn 3 năm (chiếm 2,7%), 9 dự án quá hạn 02 năm (chiếm 12%).
Phụ lục về danh mục các dự án kèm theo kế hoạch triển khai ban hành Hiến pháp theo nghị quyết số 178 của Quốc hội chưa được ban hành cho thấy tiến độ cập nhật báo cáo của Chính phủ khá chậm.
Chẳng hạn, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nói chưa đưa vào chương trình kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, nhưng ở phụ lục nói trên vẫn nêu tiến độ hiện tại là "dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6-2018".
Tương tự, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đã được quyết định lùi sang kỳ họp thứ 7 thì tiến độ ở danh mục vẫn là kỳ họp thứ 6-2018.
Có đến 19 dự án luật ở danh mục này phần tiến độ hiện tại được để trắng, trong đó có Luật Về hội và Luật Biểu tình.
Đây là hai dự án luật liên quan đến quyền công dân đã được hiến định nên được đại biểu và cử tri rất quan tâm.
Dự án Luật Về hội đã được đưa ra Quốc hội thảo luận, nhưng sau đó Chính phủ đã có báo cáo xin lùi thời gian trình ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Nhưng báo cáo này cũng chỉ nêu lý do cần có thời gian nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện và trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp, chưa có dự kiến về thời gian trình.
Còn Luật Biểu tình, rất nhiều lần được các vị đại biểu nhấn mạnh rằng, biểu tình là quyền công dân được hiến định từ Hiến pháp 1946 đến nay mà vẫn chưa được thể chế hoá.
Theo tiến độ tại nghị quyết của Quốc hội thì cả hai Luật Về hội và Luật Biểu tình đều là 2015 - 2016. Tức là đến nay đã "lỡ hẹn" hai năm.
Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc và lộ trình thực hiện đối với từng dự án đã quá thời hạn dự kiến ban hành, kiến nghị các dự án không còn phù hợp với thực tế hiện nay cần đưa ra khỏi danh mục để Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Vẫn cục bộ
Phần thảo luận, một vấn đề lớn được nhắc đi nhắc lại là tính ổn định của hệ thống pháp luật.
"Cá nhân tôi rất băn khoăn khi hệ thống pháp luật chúng ta thiếu ổn định. Cho đến giờ này, cầm một cái luật mà không biết luật này đã bị sửa bởi những luật nào và sẽ bị sửa đổi luật nào. Nó sẽ ảnh hưởng đến nhiều việc về chính sách, tâm lý, ảnh hưởng đến nhà đầu tư khi pháp luật không ổn định. Thay đổi cũng đúng nhưng phải có tính ổn định tương đối", Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận xét.
Bà Nga cũng nhìn nhận, giờ có tâm lý là các bộ ngành làm cái gì động vướng một cái là đề nghị sửa luật ngay. "Chúng ta cũng dễ dàng cho sửa luật và Chính phủ cũng dễ dàng đồng ý sửa luật. Cứ vướng một cái là sửa luật. Cần phải chú ý để giữ sự ổn định của hệ thống luật", bà Nga phát biểu.
Về nguyên nhân, bà Nga cho rằng có một số bộ, ngành chưa quan tâm đến công tác thể chế. Bộ trưởng ủy quyền cho thứ trưởng, thứ trưởng ủy quyền cho vụ trưởng, sau nữa thì chỉ để một vài chuyên viên tham gia làm cùng với cơ quan thẩm tra.
"Đôi lúc, chúng tôi có cảm giác, một vài chính sách chỉ là ý tưởng của một số chuyên viên chưa được thẩm định kỹ. Quy trình xin ý kiến của chính phủ, có những cái Chính phủ bàn kỹ, có chính sách qua phiếu xin ý kiến, tích vào làm cho chất lượng một số chính sách không đảm bảo", Chủ nhiệm Nga phát biểu.
Đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật cũng là lo ngại của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Một ví dụ điển hình được ông Hiển nhắc đến là Luật Giáo dục vừa được Uỷ ban Thường vụ cho ý kiến sáng 12/9.
Đồng tình phải có nhiều chính sách mới. Nhưng chính sách mới lại đòi hỏi những khoản chi tiêu liên quan đến ngân sách, tác động đến ngân sách trong điều kiện ngân sách đang khó khăn thế này. Chính sách mới đưa ra phải tạo điều kiện để cân bằng được ngân sách, còn chính sách mới đưa ra để cuối cùng chúng ta lại thực hiện một cơ chế bao cấp thì không biết có cần thiết không?, ông Hiển phân tích.
Mặt khác, Phó chủ tịch nhấn mạnh, Luật Giáo dục còn tác động đến rất nhiều luật khác, khi nói đến thuế, nói đến chính sách tiền tệ, chính sách miễn giảm nọ miễn giảm kia. "Luật về cơ chế có liên quan đến 1 ngành nhưng lại tác động đến các lĩnh vực khác, thiếu mỗi không có luật hình sự trong đó thôi. Tôi rất lo. Đó là thực tế đang diễn ra", ông Hiển nhấn mạnh.
Phân tích nguyên nhân, Phó chủ tịch nói ông có cảm giác mỗi bộ, ngành đề xuất một dự án luật đều đưa ra những vấn đề có lợi cho công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo của bộ, ngành đó nhưng lại không nhìn đến tổng thể chung.
Thậm chí có nhiều dự án luật, đưa sang bên này mà bản thân trong Chính phủ chưa thống nhất nhưng vẫn đưa sang. Nhiều cuộc sang bên này 3, 4 bộ trưởng, nhưng bộ trưởng thay mặt Chính phủ lại nói khác bộ trưởng đi dự.