10:52 01/06/2007

Nhìn lại quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Cuba

Minh Thư

Việt Nam xuất sang Cuba chủ yếu là gạo, than đá, thiết bị điện tử và điện gia dụng và nhập từ Cuba chủ yếu là dược phẩm

Một cửa hàng nông sản ở Cuba.
Một cửa hàng nông sản ở Cuba.
Hiện nay, mặc dù nền kinh tế Cuba còn nhiều khó khăn, nhưng tình hữu nghị và hợp tác kinh tế giữa Việt Nam Cuba vẫn không ngừng phát triển. Chuyến thăm Cuba của đoàn đại biểu cấp cao do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn đầu sẽ là điểm nhấn trong quá trình tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Cộng hòa Cuba nằm ở vùng biển Caribê, trải dài trên 1.600 hòn đảo, với diện tích 114.524 km2, dân số 11,5 triệu người. Cuba có khí hậu nhiệt đới ôn hòa; có nhiều khoáng sản như niken (trữ lượng vào loại lớn nhất thế giới), đồng, sắt, măng gan, dầu lửa; đất đai màu mỡ, thích hợp cho canh tác cây công nghiệp (mía, cà phê, thuốc lá, cây ăn quả...) và chăn nuôi đại gia súc; có nhiều vùng sinh thái và bờ biển đẹp thích hợp cho việc phát triển du lịch.

Bước vào thập kỷ 90, Cuba lâm vào khủng hoảng kinh tế xã hội nghiêm trọng nhất kể từ ngày Cách mạng thành công. Năm 1990, tăng tưởng kinh tế âm 2,6%. Năm 1993, GDP giảm đến 35% so với 1989. Nợ nước ngoài 11 tỷ USD và 21,5 tỷ Rúp chuyển đổi.

Để khắc phục khó khăn, từ năm 1993, Cuba đã áp dụng một số biện pháp như: hợp pháp hóa quyền sở hữu sử dụng ngoại tệ trong dân; ban hành Luật Đầu tư nước ngoài mới, cho phép tư nhân hoạt động trong một số ngành tiểu thủ công nghiệp, buôn bán nông sản và dịch vụ; cải cách cơ cấu trong nông nghiệp theo hướng phi tập trung hóa và đa dạng hóa sản phẩm; cắt giảm bù lỗ cho các xí nghiệp quốc doanh. Năm 2004, Cuba đình chỉ việc sử dụng đồng USD ở thị trường nội địa và và trong thanh toán quốc tế.

Bắt đầu từ năm 1995, kinh tế Cuba đã từng bước phục hồi. Những năm gần đây, kinh tế Cuba tiếp tục giữ đà tăng trưởng liên tục ở mức cao (2004 tăng 5%, 2005: 11,8%, 2006: 12,5%). Nguyên nhân chủ yếu là do giá niken và côban tăng cao. Xuất khẩu sản phẩm sinh học và dược phẩm tăng mạnh, hiệu quả kinh tế cao hơn trước. Cấm vận của Mỹ đã gây khó khăn và làm thiệt hại lớn cho nền kinh tế của nước này (chỉ tính từ quý 2/2005 đến quý 1/2006, Cuba thiệt hại 4,5tỷ USD). Để xuất khẩu sang châu Âu, Cuba phải xuất vòng qua 15 chặng khác nhau mới thoát khỏi sự kiểm soát của Mỹ.

Để hạn chế sự kìm tỏa của Mỹ, Cuba đã tăng cường quan hệ với Trung Quốc, Venezuela. Trung Quốc đã nâng FDI tại Cuba lên trên 2 tỷ USD, nâng ODA lên trên 600 triệu USD. Venezuela bán cho Cuba 100.000 thùng dầu với giá ưu đãi và cho Cuba trả chậm trong vòng 15 năm với lãi suất 1%/năm. Tuy nhiên, do mô hình kinh tế cộng thêm thiên tai liên tiếp và chính sách bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba trong 48 năm qua, nền kinh tế Cuba vẫn gặp nhiều khó khăn, đời sống nhân dân tuy đã được cải thiên nhưng chưa nhiều.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (2/12/1960), quan hệ Việt Nam - Cuba liên tục được duy trì và phát triển. Hai nước đã đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Lãnh đạo Việt Nam và Cuba có sự nhất trí cao về tăng cường hơn nữa các mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác anh em, nâng cao hiệu quả của mối quan hệ này, phù hợp với thế mạnh và tiềm năng của mỗi nước.

Trao đổi kinh tế - thương mại giữa hai nước trong thời gian qua ngày càng gia tăng: kim ngạch hai chiều năm 2001 đạt 45,6 triệu USD, năm 2002 đạt 48 triệu USD, năm 2003 đạt gần 90 triệu USD, 2004 đạt 119 triệu USD, 2005 đạt 247 triệu USD, 2006 đạt khoảng 300 triệu USD. Việt Nam xuất sang Cuba chủ yếu là gạo, than đá, thiết bị điện tử và điện gia dụng (máy tính, quạt điện, bóng đèn tiết kiệm điện năng...) và nhập từ Cuba chủ yếu là dược phẩm, nguyên liệu sản xuất trong ngành dược trị giá khoảng trên 1 triệu USD/năm.

Về hợp tác khoa học kỹ thuật, hai bên duy trì và tăng cường trao đổi các đoàn chuyên gia học tập kinh nghiệm trong các lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, xây dựng, y tế, nuôi trồng thủy sản, y dược. Hiện nay, Cuba đang giúp ta xây dựng Trung tâm công nghệ sinh học.

Về hợp tác văn hóa, giáo dục, Cuba giúp Việt Nam đào tạo 1.500 cán bộ trình độ đại học và trên đại học trong nhiều ngành nghề khác nhau. Phía Việt Nam cũng giúp bạn đào tạo một số sinh viên học tiếng Việt. Từ năm 2007, phía Việt Nam sẽ dành cho Cuba 10 suất học bổng mỗi năm về tiếng Việt, văn hóa Việt Nam và một số chuyên ngành khác.