Những yếu tố tác động lên hội chứng co cứng cơ
Sự co cứng cơ thông thường sẽ không gây nguy hại đến tính mạng người bệnh, nhưng có thể làm cho các cơ bị ảnh hưởng tạm thời và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày...
Các tổn thương trong hệ thống dẫn truyền thần kinh ở người bệnh đột qụy, xơ cứng rải rác, bại não, chấn thương đầu hoặc chấn thương tủy sống… có thể gây nên tình trạng hoạt động cơ quá mức dẫn đến co cứng cơ gây nhiều trở ngại cho người bệnh, đòi hỏi nhiều kiên trì, nỗ lực trong điều trị, phục hồi.
Co cứng cơ là sự tăng độ cứng của cơ không theo ý muốn. Triệu chứng co cứng cơ có thể từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng và thay đổi theo thời gian. Đặc điểm chính của co cứng cơ là sự co cứng hay tăng đề kháng khi cố gắng cử động chi hoặc khớp. Các triệu chứng khác liên quan đến co cứng cơ bao gồm đau, co thắt cơ, yếu cơ và giật cơ.
Co cứng cơ là biểu hiện thường gặp của các tổn thương thần kinh trung ương như: đột quỵ não, tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, bại não ở trẻ em, xơ cứng rải rác, chấn thương tủy sống, sau mổ u tủy, viêm tủy... Người bệnh bị co cứng cơ thường cảm thấy cơ của họ cứng, nặng và khó cử động. Sự co cứng cơ có thể xảy ra ở tay, chân hoặc vùng trục thân. Một số người bệnh có thể có nhiều triệu chứng phối hợp.
Mặc dù hầu hết sự co cứng cơ đều không gây hại, một số có thể liên quan đến tình trạng bệnh nền, chẳng hạn như: không cung cấp máu đầy đủ: hẹp các động mạch đưa máu đến chân (xơ cứng động mạch ở các chi) có thể gây ra đau như kiểu chuột rút ở chân và bàn chân khi bạn đang tập thể dục. Những sự co cứng cơ này thường biến mất ngay sau khi bạn ngừng tập thể dục. Thường đi bộ càng nhiều, đau càng tăng. Đi bộ với tư thế hơi cong về phía trước - chẳng hạn như bạn vừa đi vừa đẩy giỏ hàng như khi đi siêu thị - có thể cải thiện hoặc trì hoãn sự xuất hiện các triệu chứng.
Theo ThS BS. Đặng Thị Huyền Thương, TS BS. Trần Ngọc Tài – Khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, co cứng cơ còn là nguyên nhân chính gây co rút biến dạng, mất chức năng, tàn tật sau này. Triệu chứng co cứng cơ có thể gây khó chịu, nhưng trong một số trường hợp co cứng cợ lại có lợi như khi người bệnh bị yếu chân nhiều, sự co cứng cơ giúp di chuyển chân từ giường sang ghế và thậm chí giúp di chuyển lúc đi.
Người bệnh co cứng cơ nên có hiểu biết về co cứng cơ, các triệu chứng liên quan và những yếu tố tác động lên các triệu chứng này. Những kiến thức này có thể giúp người bệnh ngăn ngừa và xử lý các triệu chứng co cứng cơ hiệu quả hơn.
Một số yếu tố làm cho co cứng cơ nặng lên cần tránh và điều trị sớm bao gồm nhiễm trùng tiểu, bí tiểu, nhiễm trùng tiêu hóa, táo bón, đỏ da, trầy da, nhiễm trùng da, đau, nhiễm trùng khác và tư thế xấu khi nằm, ngồi, đứng. Bất kể người bệnh có triệu chứng nhẹ hoặc nặng, việc điều trị thuốc, vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, chăm sóc điều dưỡng và giáo dục có thể giúp cải thiện co cứng cơ. Điều này cần sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
Trong chế độ dinh dưỡng, việc thiếu các chất khoáng: quá ít kali, canxi hoặc magiê trong chế độ ăn uống của bạn có thể góp phần gây co cứng cơ. Thuốc lợi tiểu - thuốc thường được kê toa khi bị tăng huyết áp - cũng có thể làm giảm hấp thu các khoáng chất này.
Theo bác sỹ Huyền Thương, nếu bị co cứng cơ khi đang vận động thì cần ngừng vận động, cố gắng thả chùng chi bị bệnh để thư giãn bắp thịt đang bị co rút. Sau đó xoa bóp các cơ một cách nhẹ nhàng, có thể xoa một chút dầu nóng lên vùng da đang bị co cơ rồi mới xoa bóp. Nếu bị co cứng cơ ở cẳng chân, nên nhẹ nhàng vươn duỗi cơ theo chiều đối ngược, kéo đầu ngón chân và bàn chân lên cao, hướng về phía đầu gối. Nếu bị co cứng cơ ở bắp đùi, có thể nhờ người khác kéo thẳng chân ra, một tay nâng cao gót chân, tay kia ấn đầu gối xuống. Nếu bị co cứng cơ xương sườn, cần hít thở sâu để thư giãn cơ hoành và cần xoa bóp nhẹ các bắp thịt xung quanh lồng ngực.