22:30 26/02/2009

Niềm tin bị đánh cắp, hay chuyện “mất tiền mua lấy cái lo âu”

Hàn Ngọc

Dân Việt có lẽ là những người tiêu dùng đa nghi nhất nhưng cũng… liều nhất thế giới

Trong vòng có chưa đầy hai năm qua thì sữa có lẽ là mặt hàng gây nên nhiều xì - căng - đan nhất trên thị trường - Ảnh: AFP/Getty Images.
Trong vòng có chưa đầy hai năm qua thì sữa có lẽ là mặt hàng gây nên nhiều xì - căng - đan nhất trên thị trường - Ảnh: AFP/Getty Images.
Táo Tiêu Dùng có lẽ là nhân vật lấy được nhiều… nước mắt nhất của người tiêu dùng trong chương trình truyền hình “Gặp nhau cuối năm” dịp Tết vừa rồi.

Dân Việt có lẽ là những người tiêu dùng đa nghi nhất nhưng cũng… liều nhất thế giới. Không đa nghi sao được khi vừa bước ra đường là phải “đối mặt” với hằng hà sa số các mặt hàng tiêu dùng không đảm bảo chất lượng. Và không liều sao được khi phải… nhắm mắt mà mua…

Chữ Tín là chữ mà các nhà kinh doanh phải “thờ” đầu tiên khi bước chân vào thương trường. Và để xây dựng được chữ Tín thì trước tiên các thương gia phải có chữ Tâm. Thế nhưng có vẻ như nhiều nhà kinh doanh hiện nay đang bán cái Tâm của mình với giá rất rẻ. Vì thế mà người tiêu dùng luôn cảm thấy bất an khi mua sắm. Niềm tin của họ đang bị đánh cắp!

Lại chuyện sữa…

Trong vòng có chưa đầy hai năm qua thì sữa có lẽ là mặt hàng gây nên nhiều xì - căng - đan nhất trên thị trường. Hết màn ảo thuật “biến” sữa bột thành sữa tươi nguyên chất đến “nghi án” melamine và rồi bây giờ lại là màn biến sữa bột thành… nước lã.

Sữa đăng ký tiêu chuẩn đến 30% đạm (tiêu chuẩn đạm cho sự phát triển của trẻ nhỏ) mà thực tế lại chỉ đạt có 0,3% (còn lâu mới đạt chuẩn lượng đạm dành cho thức ăn nuôi… gà) thì đúng là chuyện chỉ có ở Việt Nam.

Ai cũng biết rằng trong quá trình chế biến các chế phẩm từ sữa, nhà sản xuất sẽ đưa sữa tươi vào tách bơ, làm phô mai…Sau các quá trình này những chất béo và những các loại đạm không hòa tan (casein), vitamin tan trong chất béo... “đi” theo các sản phẩm này. Phần nước còn lại bao gồm một số đạm hòa tan, một số chất khoáng. Nước này sau khi bay hơi hết sẽ tạo ra dạng bột whey thô.

Quá trình sản xuất các chế phẩm sữa càng… triệt để thì bột whey còn lại càng nghèo đạm. Thông thường khi sản xuất các sản phẩm sữa bột, nhà sản xuất vẫn pha trộn bột whey với sữa bột nguyên chất để giảm giá thành nhưng với lượng rất hạn chế để đảm bảo tiêu chuẩn về độ đạm. Bởi lẽ bột whey được ví như… bã rượu trong quá trình chưng cất rượu nhưng thông thường chúng cũng đạt khoảng trên dưới 10% hàm lượng đạm.

Bột whey chỉ đạt có vài % độ đạm đã là kém chất lượng và thường chỉ được dùng để nuôi… bò chứ đừng nói đến chuyện chúng phải “gồng mình” gánh nhãn là sữa. Thế mà nhiều nhà sản xuất vẫn pha bột này với đường và bán cho trẻ con ăn.

Trẻ con có tội tình gì…

Trẻ con - bọn dưới 6 tháng chỉ ăn sữa, bọn lớn hơn thì khẩu phần ăn hàng ngày cũng đến hơn nửa là sữa. Nếu có ngày thể chất trẻ con Việt Nam “đua” được với bạn bè quốc tế thì đúng là một… sự lạ. Bởi lẽ ngoài chuyện hàng ngày phải “ăn theo” rau quả phun thuốc kích thích, ngâm hóa chất bảo quản vô tội vạ, thịt có dư lượng thuốc tăng trọng quá cao… cùng với bố mẹ, bọn chúng còn được “thưởng thức” các màn “ảo thuật” với sữa - nguồn dinh dưỡng thiết yếu của chúng - của các nhà sản xuất, kinh doanh không cần chữ Tín mà bán rẻ chữ Tâm.

Sữa có hàm lượng đạm kém thường có "công thức": bột whey thô + đường cát xay mịn + sữa bột (rất ít). Sữa có hàm lượng đạm dưới 8% thì chắc chắn chỉ toàn là bột whey và đường cát xay mịn có kèm hương liệu sữa mà thôi. Còn loại whey mà hàm lượng đạm chỉ 0,5% thì bò cũng phải… suy dinh dưỡng chứ đừng nói là trẻ con. Đứa nào “vô phúc” ăn phải sữa này thì 100% là “háu lắm mà vẫn còi dí dị”.

Cũng có vài đứa vẫn “bụ” như thường nhưng không phải vì “chóng lớn” mà vì suy dinh dưỡng dạng phù (bé mập mạp vì cơ thể giữ nước chứ không phải vì sự phát triển tự nhiên). Dùng lâu dài chắc chắn là toàn bộ các “cơ quan đoàn thể”, đặc biệt là gan và thận sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng bọn đấy chỉ biết ăn và oe oe chứ biết gì mà kêu, mà kiện. Đến bố mẹ chúng, cưng con như cục vàng mà còn… nhắm mắt đưa bình sữa vào miệng con nữa là...

Mà nghĩ lại càng tội trẻ con nhà nghèo. Thôi thì nhà có điều kiện, cứ mua sữa có tên tuổi, tên Ta cũng được, tên Tây cũng được miễn là nhà sản xuất uy tín một tí là còn có thể yên tâm. Chứ nhà nghèo, nhiều khi mẹ thương con lắm, chắt bóp mãi mới mua được bịch sữa cho con thì lại vớ phải loại còn dởm hơn… nước cháo. Uống dăm bữa nửa tháng lại đi viện.

Vào viện, mẹ lại càng thương con, cho nghỉ hẳn nước cháo, chỉ ăn sữa. Thành ra lại tội nợ trăm đường…

Một “thế hệ đa nghi”

Người tiêu dùng Việt hễ bước chân ra đường là phải nghe ngóng tình hình thị trường cũng như nghe tin… dự báo thời tiết. Chắc chắn không có người dân nước nào quan tâm đến thời sự tiêu dùng nhiều như dân Việt!

Hễ sữa có vấn đề thì nhịn sữa, rau có vấn đề thì nhịn rau, thịt có vấn đề thì nhịn thịt… Phản ứng đầu tiên và duy nhất của người tiêu dùng chỉ là “tẩy chay” kiểu “dỗi vặt” “tao không thèm chơi với mày nữa!”.

Thành ra ngay cả các nhà sản xuất chân chính có khi cũng bị vạ lây. Nhiều người làm ăn đàng hoàng nhưng chỉ gặp một cái hạn “tẩy chay” cũng có khi sập tiệm, vì người tiêu dùng đã “ghét ai ghét cả tông ti họ hàng”, nghỉ mua hẳn loại hàng hóa đó luôn.

Được cái người tiêu dùng Việt cũng “mát tính”, lại hay quên, nên cũng chỉ dăm bữa nửa tháng là hăm hở đi mua lại vì không mua thì ăn bằng gì, dùng bằng gì? Nhưng đến lúc này thì cô bán hàng có khó chịu thế chứ khó chịu nữa thì “chị” vẫn phải săm soi từng li từng tí vì “nhìn đâu cũng thấy vi trùng”.

Kể ra thì chuyện quản lý thị trường là chuyện lớn của quốc gia đấy, có hẳn mấy cơ quan được phân công lo việc “gác cửa” cho sức khỏe của nhân dân đấy. Nhưng công bố của các cơ quan chức năng thì cũng như chuyện… buôn dưa lê của mấy bà bán hàng ngoài chợ, “chị”… không tin được!

Chuyện sữa nghèo đạm bán công khai để đầu độc, hủy hoại sự sống của cả một thế hệ là cả một tội ác tày trời chứ đâu phải là vi phạm hành chính con con để mà “phạt vi cảnh” vài triệu đồng là xong!

Cụ Lương Văn Can - người thầy của giới doanh thương Việt Nam, trong cuốn "Thương học phương châm" đã tổng kết 10 nhược điểm yếu kém của doanh nhân Việt. Trong đó, “tội” lớn nhất là “thất tín”.

Còn trong cuốn "Việt Nam phong tục", cụ Phan Kế Bính cũng nói thẳng doanh nhân Việt không “lớn” được vì không thành thật, giả dối, điêu ngoa, nói tốt bán của xấu.

Nhưng “thất Tín” cũng mới chỉ là tội nhỏ, “thất Tâm” mới là tội lớn, đặc biệt là đối với những người buôn bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm, thuốc men… ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người.

* Tin&Dùng - chuyên mục do VnEconomy và ấn phẩm Tư vấn Tiêu&Dùng phối hợp thực hiện - hy vọng sẽ tiếp tục nhận được những ý kiến của bạn đọc - người tiêu dùng về những sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp hay những vấn đề về thị trường tiêu dùng mà bạn quan tâm. Mọi thông tin xin bạn đọc gửi về địa chỉ e-mail: tinvadung@vneconomy.vn; hoặc bạn có thể sử dụng box "Ý kiến bạn đọc" ở phía dưới bài. VnEconomy xin trân trọng cảm ơn sự tham gia của các bạn.