09:46 27/07/2007

Nỗ lực cuối cùng cứu vòng đàm phán Doha

Quốc Trung

WTO yêu cầu Mỹ phải cắt giảm mạnh mẽ trở cấp nông sản, với mức cắt giảm từ 66% đến 73%, để chỉ còn 13 đến 16,4 tỉ USD mỗi năm

Trong vài năm qua, có tới 15 tỷ USD tiền trợ cấp của Chính phủ Mỹ đã bị sử dụng một cách lãng phí hoặc bị lạm dụng.
Trong vài năm qua, có tới 15 tỷ USD tiền trợ cấp của Chính phủ Mỹ đã bị sử dụng một cách lãng phí hoặc bị lạm dụng.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa đưa ra hai bản đề xuất mới nhất về thương mại nông sản, theo đó Mỹ sẽ phải cắt giảm mạnh mẽ từ 66% đến 73%, để chỉ còn 13 đến 16,4 tỉ USD mỗi năm.

Mức trợ giá nông nghiệp của Mỹ là vấn đề gây tranh cãi nhiều trong các vòng đàm phán Doha trước đây và là một trong những nguyên nhân làm vòng đàm phán này bế tắc.

Mỹ phải xét lại chính sách nông nghiệp

Hiện nay Mỹ kiên quyết chỉ chấp nhận giảm mức trợ cấp nông nghiệp xuống 17 tỷ USD. Khoản trợ cấp nông nghiệp khổng lồ của Mỹ đã làm giảm giá nông sản một cách bất công trên toàn thế giới, làm cho các nước nghèo không thể phát triển kinh tế bằng cách bán nông sản ra nước ngoài. Hơn nữa việc thực hiện trợ cấp cũng không đúng quy định và thiếu minh bạch.

Dư luận quốc tế và ngay trong nội bộ nước Mỹ cũng có nhiều ý kiến đòi Chính phủ xem xét lại vấn đề trợ cấp nông nghiệp. Ngày 23/7, Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) công bố trong 7 năm qua Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã giải ngân tổng cộng 1,1 tỷ USD sai nguyên tắc.

Một công ty có trang trại trồng đậu nành và ngô diện tích 1.900 ha Mỹ ở bang Ilinois đã lừa đảo, nhận tổng cộng 400.000 USD tiền trợ cấp của Chính phủ nhân danh một ông chủ ở bang Phlorida đã chết từ năm 1995. Ít nhất có 107 trường hợp bị phát hiện tiếp tục nhận trợ cấp của Chính phủ cho dù ông chủ thực sự đã chết hơn 2 năm, chưa nói tới một số trường hợp còn khai man diện tích và thu nhập để lĩnh tiền.

Theo luật lệ của Mỹ, phần lớn các trang trại được phép tiếp tục nhận trợ cấp của Chính phủ thêm 2 năm sau khi ông chủ chết. Sau thời gian 2 năm này, USDA phải xác minh lại. Tuy nhiên, USDA không tiến hành kiểm tra mà chỉ dựa vào sự khai báo của người thừa kế và của các doanh nghiệp.

Theo điều tra của tờ Washington Post, trong vài năm qua có tới 15 tỷ USD tiền trợ cấp của Chính phủ đã bị sử dụng một cách lãng phí hoặc bị lạm dụng, trong đó có 1,3 tỷ USD trả cho những người không gieo trồng mùa màng và 817 triệu USD bị nông dân khai man nhận tiền.

Một thực tế đáng chú ý là một lượng khá lớn người làm nông nghiệp tại Mỹ không phải là công dân Mỹ. Các cuộc khảo sát của Chính phủ Mỹ mới đây cho thấy trung bình có khoảng từ 700.000 đến 850.000 nhân công trang trại làm thuê tại Mỹ vào các thời điểm trong năm.

Bản "Nghiên cứu lực lượng lao động nông nghiệp quốc gia" (NAWS) mới công bố cũng cho thấy 75% nhân công làm thuê tới từ Mexico và 5% đến từ nơi khác.

Phải điều chỉnh để thống nhất

Vòng đàm phán Doha đã bắt đầu từ năm 2001, với tham vọng giúp hàng triệu người thoát khỏi nghèo đói, thông qua việc hạ thấp hàng rào thương mại ở các nước công nghiệp, nhưng qua nhiều năm vòng đàm phán không thể tiến triển.

Gần đây nhất là cuộc đàm phán ở Potsdam (Đức) giữa đại diện nhóm 4 đối tác buôn bán chính trong Tổ chức thương mại thế giới (WTO) gồm Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Brazil và Ấn Độ (G4) nhằm khai thông vòng đàm phán Doha cũng đã đã thất bại do bất đồng về trợ cấp nông nghiệp.

Mỹ chỉ đồng ý giảm mức trợ giá nông sản xuống mức 17 tỷ USD, trong khi Brazil đòi phải giảm xuống dưới mức 15 tỷ USD.

Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Kamal Nath đã chỉ trích việc Mỹ không sẵn sàng cắt giảm trợ cấp nông nghiệp là nguyên nhân dẫn đến đàm phán thương mại sụp đổ.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Mike Johanns cho rằng, Mỹ đã đưa ra “mức cắt giảm thực tế”. Ông này chỉ trích những đề nghị mà Brazil và Ấn Độ đưa ra là “quá xa vời, quá thiếu điều kiện để thâm nhập thị trường và đề nghị này đã dội gáo nước lạnh vào tất cả các thoả thuận”.

Cả Mỹ và EU đều tuyên bố rằng những nhượng bộ của họ trong lĩnh vực nông nghiệp phải được bù đắp một cách tương xứng bằng các biểu thuế công nghiệp thấp hơn ở Brazil và Ấn Độ nhằm mở cửa thị trường cho hàng công nghiệp của Mỹ và EU.

Để có thể cứu vãn vòng đàm phán Doha, WTO đã yêu cầu tất cả các thành viên đều phải tự điều chỉnh. Bên cạnh đề xuất Mỹ giảm mạnh mức trợ cấp nông nghiệp như trên, trong bản đề xuất thứ hai, WTO yêu cầu Liên minh châu Âu phải cắt giảm 73% thuế nhập khẩu nông sản.

WTO đồng thời yêu cầu các nước đang phát triển như Brazil và Ấn Độ phải mở cửa rộng hơn cho các sản phẩm công nghiệp.

WTO thông báo là hai bản đề xuất mới căn cứ trên những quan điểm gần đây nhất của 150 nền kinh tế thành viên và khẳng định, đây không phải là bản thảo cuối cùng, mà chỉ đưa ra những phạm vi để các thành viên có thể xem xét và điều chỉnh.