14:00 27/05/2024

Nỗ lực kìm giá tiêu dùng vì sức mua còn thấp

Lưu Hà

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo nghị định về tăng lương tối thiểu vùng. Nếu phương án này được triển khai, việc tăng lương tối thiểu vùng và cải cách tiền lương ở khu vực công sẽ cùng được triển khai từ ngày 1/7/2024...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục diễn biến phức tạp. Tình trạng gia tăng rủi ro về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; giá xăng dầu, giá các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất… biến động khó lường. Tất cả đang tạo áp lực lên doanh nghiệp sản xuất, trong khi sức mua trong nước đang ở mức thấp, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Trong khi đó, việc tăng lương chỉ thật sự có ý nghĩa nếu giá cả hàng hóa được giữ ổn định ở mức tương đối.

DOANH NGHIỆP TÌM MỌI CÁCH VƯỢT KHÓ

Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) mỗi năm sản xuất hàng chục triệu sản phẩm các loại nước uống đóng chai cho thị trường nội địa. Trao đổi bên lề triển lãm HCMC Foodex 2024 vừa qua, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Bidrico, cho biết hiện nay giá nhập khẩu nguyên liệu làm vỏ chai hay hương liệu trái cây và tỷ giá USD đều tăng. Chưa kể, tháng 7 tới, doanh nghiệp có thể phải tăng lương cho 700 lao động theo quy định.

Trước tình hình này, doanh nghiệp đang nỗ lực rà soát lại các khâu sản xuất, tiết giảm chi phí để không phải tăng giá bán trong thời gian tới. “Chúng tôi tìm cách cắt giảm chi phí trong khâu sản xuất, giảm hao hụt trong sử dụng nguyên vật liệu và giảm chi phí từ việc sử dụng hợp lý thiết bị, máy móc. Làm sao để thời gian dừng máy ít nhất thì các chi phí bảo dưỡng, bảo trì, vệ sinh máy móc sẽ giảm…”, ông Nguyễn Đặng Hiến chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần lương thực thực phẩm Colusa - Miliket, khẳng định nội địa vẫn là thị trường chủ lực của công ty. Nhưng từ đầu năm đến nay giá các nguyên liệu đầu vào tùy loại tăng 5 - 10%, có một số nguyên liệu tăng 20%. “Hiện nay sức mua thị trường vẫn là vấn đề quan tâm của các doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi xây dựng kế hoạch tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và nỗ lực kìm giá tối đa để hỗ trợ khách hàng”, ông Tuấn nói.

Hiện đang có nhiều áp lực lên doanh nghiệp sản xuất, trong khi sức mua trong nước đang ở mức thấp, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. 
Hiện đang có nhiều áp lực lên doanh nghiệp sản xuất, trong khi sức mua trong nước đang ở mức thấp, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. 

Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), doanh nghiệp đang chịu nhiều áp lực do sự biến động của giá đầu vào, bao gồm giá heo hơi, giá bao bì, nguyên phụ liệu... nhập khẩu. Với giá heo hơi đang có chiều hướng tăng cao, có thể đạt 70.000 đồng/kg trong thời gian tới, nhiều sản phẩm làm từ thịt cũng sẽ bị đội giá thành. “Thịt heo chiếm chủ đạo trong cấu thành giá thành sản xuất. Mặt hàng này tăng giá sẽ tác động lên giá sản phẩm bán ra, đây là điều khó tránh”, ông An nhận định. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho biết đang cố kìm giá hàng hóa hoặc chỉ tăng nhẹ do sức mua vẫn rất yếu.

Cũng liên quan đến giá nông sản đầu vào, ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dh Foods, cho hay năm nay việc thu mua nông sản có nhiều biến động, song doanh nghiệp buộc phải chấp nhận. “Sản phẩm của Dh Foods được phân phối tại các kênh siêu thị là chính, nên việc điều chỉnh tăng giá sản phẩm sao cho phù hợp với tình hình giá đầu vào là rất khó khăn. Nếu đề nghị tăng giá thì đến tháng 9 - 10/2024, doanh nghiệp mới có thể tăng nhẹ. Vì vậy, phương án tốt nhất là lấy lợi nhuận sản phẩm này bù vào sản phẩm khác, chấp nhận giảm lợi nhuận chung”, ông Dũng chia sẻ.

Trong khi đó, nhiều hệ thống siêu thị cũng đang nỗ lực trì hoãn các đợt tăng giá. Ông Võ Trần Ngọc, Giám đốc kinh doanh Saigon Co.op, cho biết hầu hết nhà cung cấp rau củ quả đã báo tăng giá 10 - 15%. Tuy nhiên, là đơn vị tham gia bình ổn giá, Saigon Co.op chủ động làm việc với nhà cung cấp, ký thỏa thuận bao tiêu một số sản phẩm, bảo đảm nguồn cung ứng. Với nhóm hàng thực phẩm chế biến, mức đề nghị tăng phổ biến là 10 - 20%. Để ứng phó, Saigon Co.op đã chủ động đàm phán với nhà cung cấp và dự trữ lượng hàng, bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn hàng với giá phải chăng...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 22-2024 phát hành ngày 27/5/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nỗ lực kìm giá tiêu dùng vì sức mua còn thấp - Ảnh 1