Ông Tập Cận Bình tin Mỹ sẽ không tách rời Trung Quốc
“Thật khó để tưởng tượng một sự tách rời hoàn toàn của Mỹ khỏi Trung Quốc hay của Trung Quốc khỏi Mỹ”, ông Tập nói
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 7/6 bày tỏ tin tưởng rằng Mỹ không muốn tách rời khỏi Trung Quốc, đồng thời gọi Tổng thống Donald Trump là bạn.
Theo tin từ CNBC, phát biểu trên được ông Tập đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF). Tham dự diễn đàn này là một hoạt động trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước của ông Tập tới Nga - chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và giữa Nga với Mỹ đều trở nên "lạnh giá".
Trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày, ông Tập và Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin đã có nhiều phát biểu và động thái thắt chặt quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Nga.
Tuy nhiên, trong phiên toàn thể của SPIEF, ông Tập nói rằng kết nối giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn ở mức độ mạnh mẽ.
"Thật khó để tưởng tượng một sự tách rời hoàn toàn của Mỹ khỏi Trung Quốc hay của Trung Quốc khỏi Mỹ. Chúng tôi không muốn điều này và các đối tác Mỹ của chúng tôi cũng không muốn điều này. Tổng thống Trump là bạn của tôi và tôi tin là ông ấy không muốn chứng kiến sự tách rời giữa Mỹ và Trung Quốc", ông Tập Cận Bình nói.
Trong bài phát biểu, ông Tập cũng ngầm chỉ trích Mỹ. "Cùng với sự nổi lên của tình trạng đảo ngược toàn cầu hóa và chủ nghĩa bá quyền, xã hội toàn cầu đang đối mặt với những thách thức mới gia tăng", ông nói.
Ông Tập khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục là "quốc gia ủng hộ mạnh mẽ toàn cầu hóa". Được ông Putin vỗ tay hưởng ứng, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói thêm rằng toàn cầu hóa hiện vẫn là "một xu hướng không suy suyển" và không thể bị cản trở bởi những tranh cãi về thương mại.
Chiến tranh thương mại "sẽ gây ra một số thay đổi nhỏ, nhưng sẽ không thể chặn lại quá trình toàn cầu hóa nói chung", ông Tập nói.
Ông Tập phát biểu rằng các hệ thống và tổ chức toàn cầu giữ vai trò thiết lập các quy định trên thế giới đang cần có sự cải thiện, nhưng không cần tới sự cải tổ toàn diện. Ông kêu gọi lắng nghe tiếng nói của các nền kinh tế đang phát triển bởi vai trò mới của các nền kinh tế này "đòi hỏi sự tôn trọng".
Ông Putin cũng thể hiện sự chỉ trích nhằm vào Mỹ, nói rằng Washington đang tìm cách "áp đặt ý chí của mình lên toàn thể thế giới". Người đứng đầu điện Kremlin cho rằng điều này sẽ đẩy thế giới vào "con đường của các cuộc xung đột dai dẳng, chiến tranh thương mại, và có thể không chỉ chiến tranh thương mại".
Hôm thứ Tư, ông Tập gọi ông Putin là "người bạn tốt nhất". "Trong vòng 6 năm qua, chúng ta đã gặp nhau khoảng 30 lần… Ông Putin là người bạn tốt nhất và là một đồng nghiệp tốt của tôi", ông Tập nói tại một cuộc họp báo.
Ông Putin nói rằng mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang ở "mức cao chưa từng thấy".
Kể từ khi Nga bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt vào năm 2014 vì cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine, Moscow và Bắc Kinh đã có nhiều bước tiến tăng cường quan hệ kinh tế và quốc phòng, đồng thời đẩy mạnh hợp tác trong các vấn đề quốc tế như Syria, Iran và Triều Tiên.
Quan hệ giữa hai nước càng trở nên sâu sắc kể từ khi nổ ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Phát biểu tại phiên họp ngày thứ Sáu với sự tham dự của ông Putin và ông Tập tại SPIEF, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nói rằng thế giới đang đứng trước nguy cơ "mộng du vào một cuộc chiến tranh lạnh mới". "Điều này phải bị chặn lại", ông Guterres nhấn mạnh.
Trong chuyến thăm Nga lần này của Chủ tịch Trung Quốc, doanh nghiệp hai nước đã ký loạt thỏa thuận trị giá 20 tỷ USD. Trong đó có thỏa thuận mạng 5G giữa nhà mạng MTS của Nga với Huawei - hãng thiết bị viễn thông Trung Quốc mà Mỹ đang tìm cách "triệt hạ".
Ông Putin ngày thứ Sáu tiếp tục ca ngợi mối quan hệ Nga-Trung, gọi đây là một nhân tố quan trọng trong duy trì ổn định toàn cầu.
Người đứng đầu điện Kremlin cũng gọi chiến dịch chống Huawei của Mỹ là một ví dụ về nỗ lực của Washington nhằm giành thế độc quyền trong nền kinh tế thế giới. Ông cho rằng việc Mỹ sử dụng đồng USD như một công cụ gây sức ép đang xói mòn vai trò của đồng tiền này với tư cách đồng tiền dự trữ toàn cầu.