Ông Trump: Kinh tế Mỹ đang rất ổn, chưa muốn thỏa thuận với Trung Quốc
Tổng thống Donald Trump và các quan chức cấp cao của Nhà Trắng bác bỏ lo ngại cho rằng kinh tế Mỹ có thể sắp suy thoái
Tổng thống Donald Trump và các quan chức cấp cao của Nhà Trắng bác bỏ lo ngại cho rằng kinh tế Mỹ có thể sắp suy thoái, khẳng định thương chiến Mỹ-Trung chẳng gây hại gì cho Mỹ.
Nước Mỹ "đang rất ổn, người tiêu dùng của chúng tôi giàu có, tôi đã thực thi một chương trình giảm thuế lớn, và họ có đầy tiền", hãng tin Reuters dẫn lời ông Trump phát biểu ngày Chủ nhật.
Trong cuộc trao đổi này với báo giới, ông Trump tiếp tục cho rằng Trung Quốc đã sẵn sàng đạt một thỏa thuận thương mại với Mỹ nhưng "tôi vẫn chưa sẵn sàng thỏa thuận".
Ngoài ra, ông Trump cũng phát tín hiệu rằng Mỹ muốn chứng kiến Trung Quốc giải quyết vấn đề biểu tình ở Hồng Kông trước đã. "Tôi muốn vấn đề Hồng Kông được giải quyết theo cách nhân đạo. Tôi cho rằng việc này sẽ rất tốt cho một thỏa thuận thương mại", ông Trump nói.
Xuất hiện trong chương trình "Fox News Sunday", cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói các nhà đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ có cuộc điện đàm trong vòng 10 ngày tới, và nếu mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, phía Trung Quốc sẽ tới Mỹ để đàm phán trực tiếp.
Ông Kudlow cho rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang "ở trong tình trạng khá tốt". "Không có cuộc suy thoái nào sắp xảy tới cả. Người tiêu dùng đang hoạt động. Tiền lương của họ tăng lên. Họ đang chi tiêu và cả tiết kiệm", ông nói.
Những phát biểu này được đưa ra sau một tuần đầy biến động của thị trường tài chính toàn cầu dưới sức ép của mối lo kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái trước bầu cử 2020. Theo các chuyên gia, không chỉ kinh tế Mỹ mà nền kinh tế thế giới cũng đang bị thương chiến Mỹ-Trung đẩy tới "miệng hố" suy thoái.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và 19 ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu đã cắt giảm lãi suất trong thời gian gần đây nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Tuần trước, tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings miêu tả đây là sự dịch chuyển lớn nhất trong chính sách tiền tệ toàn cầu kể từ suy thoái kinh tế 2009.
Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với chương trình "This Week" của đài ABC, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro phủ nhận đánh giá cho rằng biến động thị trường là một dấu hiệu cảnh báo. Theo ông Navarro, những động lực kinh tế "tốt đẹp" đang khuyến khích nhà đầu tư rót thêm tiền vào Mỹ.
"Chúng ta có nền kinh tế mạnh nhất trên thế giới và tiền đang chảy vào thị trường chứng khoán và cả trái phiếu của chúng ta", ông Navarro nói.
Kinh tế Mỹ giảm tốc hoặc suy thoái sẽ là một tin xấu đối với ông Trump, người đang muốn dựa vào thành quả kinh tế trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên để giành thêm một nhiệm kỳ nữa trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm sau.
Trong một cuộc vận động ủng hộ vào tuần trước, ông Trump nói với cử tri rằng họ "không có lựa chọn nào khác" ngoài bỏ phiếu cho ông để giữ lấy công ăn việc làm và các khoản đầu tư.
Các ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ, đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử 2020, đã dựa vào vấn đề kinh tế để phê phán ông.
"Tôi e rằng vị Tổng thống này đang đẩy nền kinh tế toàn cầu và kinh tế Mỹ vào suy thoái", ứng cử viên Dân chủ Beto O’Rourke nhận xét trong chương trình "Meet the Press" của NBC.
Trong chương trình "State of the Union" của CNN, ứng cử viên Dân chủ Pete Buttigieg chỉ trích việc chính quyền ông Trump không đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc.
"Rõ ràng, họ chẳng có chiến lược nào để giải quyết cuộc chiến thương mại này theo hướng mang lại kết quả tốt đẹp cho nông dân hay người tiêu dùng Mỹ", ông Buttigieg nhận xét.