Ông Trump phàn nàn vì Apple không chịu mở khóa iPhone của tội phạm
Ông Trump “không vui” vì Apple không mở khóa điện thoại iPhone của nghi phạm một vụ xả súng
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/1 chỉ trích hãng công nghệ Apple về việc hãng này không mở khóa (unlock) điện thoại iPhone được bảo vệ bằng mật mã của nghi phạm vụ xả súng xảy ra tại căn cứ Hải quân ở Pensacola, Florida hồi tháng 12 vừa qua.
"Chúng tôi luôn giúp Apple về thương mại và nhiều vấn đề khác, nhưng họ vẫn từ chối mở khóa những chiếc điện thoại được sử dụng bởi những tên sát nhân, buôn lậu ma túy và các phần tử tội phạm khác", ông Trump viết trong một dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter.
Trước đó, vào hôm thứ Hai, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ William Barr nói Apple không cung cấp "sự hỗ trợ thực chất" trong việc mở khóa 2 chiếc iPhone của nghi phạm vụ xả súng.
Trong một tuyên bố ra sau đó cùng ngày, Apple đáp rằng hãng đã cung cấp hàng gigabyte thông tin liên quan đến vụ Pensacola cho cơ quan thực thi pháp luật, nhưng khẳng định sẽ không lắp đặt một "cửa sau" hay phần mềm đặc biệt để giúp cơ quan thực thi pháp luật truy cập nâng cao vào 2 chiếc iPhone nói trên.
"Chúng tôi bác bỏ thông tin nói rằng Apple không cung cấp sự hỗ trợ thực chất trong cuộc điều tra vụ Pensacola. Kể từ sau vụ tấn công, sự phản hồi của chúng tôi đối với nhiều đề nghị của họ đã được thực hiện kịp thời, kỹ lưỡng và vẫn đang tiếp diễn", tuyên bố viết.
Tổng giám đốc (CEO) Tim Cook của Apple đã dành nhiều năm để phát triển một mối quan hệ thân thiết với ông Trump, với hy vọng chính quyền ông Trump sẽ không áp thuế quan lên các sản phẩm Apple lắp ráp ở Trung Quốc. Tháng 12/2019, Apple đã "thoát hiểm" một kế hoạch áp thuế lên iPhone sau khi ông Trump đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc.
Hồi năm 2016, Apple từng "lời qua tiếng lại" với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) sau khi Bộ Tư pháp Mỹ kiện "táo khuyết" nhằm gây sức ép buộc hãng này phải bẻ khóa một chiếc iPhone của Syed Farook, kẻ gây ra vụ xả súng ở San Bernadino, California khiến 14 người thiệt mạng. Cuộc đối đầu này giữa Apple với FBI kết thúc sau khi nhà chức trách tìm được một nhà cung cấp dịch vụ tư nhân không rõ danh tính bẻ khóa được chiếc điện thoại.
Trong vụ đó, Apple lập luận rằng hãng không thể bẻ khóa được chiếc điện thoại trừ phi cài đặt một phần mềm đặc biệt gọi là "cửa sau". Trong tuyên bố ngày thứ Hai tuần này, Apple nói hãng phản đối việc lắp đặt tất cả các dạng cửa sau vì việc đó có thể bị kẻ xấu lợi dụng ngoài việc cung cấp quyền truy cập cho cơ quan thực thi pháp luật.
Theo Apple, hãng thường xuyên cung cấp thông tin từ máy chủ của hãng cho cơ quan thực thi pháp luật khi được đề nghị. Theo thông tin đăng tải trên website của Apple, hãng đã phản hồi hơn 127.000 đề nghị cung cấp thông tin từ cơ quan thực thi pháp luật kể từ năm 2013.