07:00 24/07/2023

Phát triển hệ thống cảng cạn: Cần huy động 40.000 tỷ đồng vốn đầu tư

Anh Tú

Để huy động khoảng 40.000 tỷ đồng vốn đầu tư tư nhân xây dựng hệ thống cảng cạn đến năm 2030, Bộ Giao thông vận tải đề xuất các địa phương ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ, ưu đãi về tín dụng, thuế, giá, phí, lệ phí, nhượng quyền khai thác...

Khối lượng hàng thông qua 11 cảng cạn công bố chỉ chiếm khoảng 10% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container thông qua các cảng cạn và cảng ICD đang hoạt động.
Khối lượng hàng thông qua 11 cảng cạn công bố chỉ chiếm khoảng 10% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container thông qua các cảng cạn và cảng ICD đang hoạt động.

Cảng cạn là đầu mối tổ chức vận tải hàng hóa bằng container gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ, đường sắt quốc tế. Phát triển cảng cạn định hướng theo quy hoạch sẽ giúp tổ chức vận tải hàng hóa, hợp lý, tăng hiệu quả hoạt động dịch vụ logistics trên các hành lang vận tải, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại cảng biển, cửa khẩu quốc tế và các đô thị lớn.

CÔNG BỐ 11 CẢNG CẠN, MỚI ĐẠT 15% QUY HOẠCH

Bộ Giao thông vận tải vừa có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm xây dựng đồng bộ với hệ thống cảng biển và cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021.

Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, cho rằng việc triển khai lập quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn vừa đảm bảo tuân thủ luật quy hoạch, vừa là tiền đề hoạch định các chính sách, giải pháp phát triển cảng cạn đồng bộ, hỗ trợ hiệu quả khai thác cảng biển và các hoạt động vận tải nói chung.

Trước đó, phát triển hệ thống cảng cạn lần đầu tiên được đưa vào Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 22/12/2017. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo lập và phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1201/QĐ-BGTVT ngày 11/6/2018.

Các cảng cạn được đầu tư và công bố khai thác tại khu vực phía Bắc gồm 9 cảng cạn là: Hải Linh; Móng Cái; Tân Cảng Đình Vũ; Đình Vũ - Quảng Bình; Hoàng Thành; Tân Cảng Hà Nam; Tân Cảng Quế Võ; Phúc Lộc; Long Biên.

Khu vực miền Trung chưa có cảng cạn được công bố đưa vào khai thác. Còn khu vực phía Nam công bố và đưa vào khai thác 2 cảng cạn là Tân Cảng Nhơn Trạch và Tân cảng Long Bình.

Bên cạnh đó, nhóm cảng cạn đang trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng hoặc chuẩn bị triển khai bao gồm 25 cảng, chiếm 37,3% số cảng cạn được quy hoạch, chủ yếu là các cảng cạn được quy hoạch trên địa bàn các địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Hà Nội...

Phát triển hệ thống cảng cạn: Cần huy động 40.000 tỷ đồng vốn đầu tư - Ảnh 1

“Nhóm các cảng cạn chưa triển khai đầu tư gồm 26 cảng, chiếm 38,8% số cảng cạn được quy hoạch. Đối với các cảng cạn khu vực miền Trung, việc chậm triển khai đầu tư theo quy hoạch chủ yếu là do nhu cầu còn thấp, chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Các cảng cạn quy hoạch gắn với đường sắt phụ thuộc hoàn toàn vào tiến độ các dự án đường sắt mới theo quy hoạch chuyên ngành”, Bộ Giao thông vận tải cho biết.

ĐẢM NHẬN VỎN VẸN 10% LƯỢNG HÀNG CONTAINER

Đánh giá về việc thực hiện quy hoạch thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải cho rằng việc triển khai đầu tư mới và công bố đưa vào khai thác các cảng cạn còn chậm. Sau 4 năm thực hiện, các cảng cạn được công bố đưa vào khai thác mới chỉ chiếm khoảng 15% tổng số cảng cạn được quy hoạch.

 

"Các cảng thông quan nội địa (ICD) được quy hoạch cảng cạn chậm chuyển đổi nhưng hiện nay vẫn thiếu quy định và chế tài xử lý để thúc đẩy tiến trình này. Cùng với đó, một số cảng cạn hoạt động chưa hiệu quả một phần do năng lực của doanh nghiệp quản lý khai thác".

Bộ Giao thông vận tải.

Một khó khăn khác, đó là các cảng cạn được quy hoạch gắn với vận tải đường sắt khó triển khai do đầu tư các tuyến đường sắt theo quy hoạch chậm trễ. Việc kết hợp phát triển cảng cạn và trung tâm logistics ở một số địa phương cũng chưa hiệu quả.

Hơn nữa, cảng cạn được coi là một bộ phận của kết cấu hạ tầng giao thông, nhưng quy hoạch phát triển cảng cạn thời gian gần đây mới được xây dựng nên thiếu tính đồng bộ với các quy hoạch khác, đặc biệt là các quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải, quy hoạch sử dụng đất… Nhiều quy định còn chưa tạo thuận lợi cho phát triển cảng cạn.

Về hiệu quả hoạt động khai thác cảng cạn, Bộ Giao thông vận tải cho biết tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container thông qua các cảng cạn và cảng ICD đang hoạt động hiện khoảng 4,2 triệu TEU/năm. Trong đó, 90% hàng hóa thông qua các cảng ICD, bao gồm 5 cảng ICD quy hoạch thành cảng cạn và cả cụm cảng ICD Trường Thọ, TP.HCM.

“Khối lượng hàng thông qua 11 cảng cạn công bố chỉ chiếm khoảng 10% do hầu hết trong số này đều mới được hình thành và đều nằm ở khu vực phía Bắc”, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Theo ghi nhận, tại khu vực phía Nam, cảng cạn hỗ trợ tốt cho các cảng biển trong việc trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container, giảm sự ùn tắc tại cảng biển và giao thông đô thị.

Ông Phan Anh Tuấn, Giám đốc cảng cạn Tân Cảng - Long Bình, chia sẻ: cảng cạn sẽ giúp tăng năng lực thông quan hàng hóa, năng lực tiếp nhận và giải phóng hàng hóa, nhất là hỗ trợ cho các hoạt động phân phối trong chuỗi cung ứng của khách hàng, mở rộng hơn các dịch vụ như dịch vụ kho hàng và trung tâm phân phối, dịch vụ xếp dỡ và quản lý hàng hóa trong kho, ngoài bãi, dịch vụ vận chuyển và thủ tục hải quan nguyên container và hàng lẻ…

Với riêng cụm cảng ICD Trường Thọ (Thủ Đức, TP.HCM) gồm 5 cảng (ICD Phước Long, ICD Transimex, ICD Sotrans, ICD Phúc Long và ICD Tanamexco) có tổng diện tính 63,12 ha, hiện có sản lượng thông quan lớn nhất cả nước, lên đến trên 2 triệu TEU/năm, tương đương khoảng 24% tổng sản lượng container thông qua cảng biển TP.HCM và Vũng Tàu, đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ hoạt động cho các cảng biển này.

Tuy nhiên “sự phát triển của cụm ICD Trường Thọ ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển thành phố, đặc biệt ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ khu vực nên vị trí hiện tại không được đưa vào quy hoạch cảng cạn”, Bộ Giao thông vận tải thông tin.

Còn các cảng cạn khu vực phía Bắc chưa kết nối với cảng biển rõ rệt như khu vực phía Nam do thị trường vận tải container đường biển chỉ bằng khoảng 30% so với khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, cảng biển khu vực phía Bắc không xảy ra ùn tắc thường xuyên, vì vậy hàng hóa không bắt buộc phải trung chuyển qua cảng cạn để đến cảng biển như khu vực phía Nam. Do đó, tỷ lệ sử dụng cảng cạn, cảng thông quan nội địa phía Bắc còn thấp.

PHẤN ĐẤU XỬ LÝ 35% HÀNG CONTAINER

Tại tờ trình lần này, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết: mục tiêu của quy hoạch đến năm 2030 sẽ phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua 25 - 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải.

Đồng thời, hình thành các cảng cạn, cụm cảng cạn với tổng công suất khoảng 11,9 - 17,1 triệu Teu/năm. Trong đó, khu vực phía Bắc có công suất khoảng 4,29 - 6,2 triệu Teu/năm; khu vực miền Trung - Tây Nguyên khoảng 0,9 - 1,4 triệu Teu/năm; khu vực phía Nam với công suất khoảng 6,8 - 9,5 triệu Teu/năm...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 30-2023 phát hành ngày 24-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Phát triển hệ thống cảng cạn: Cần huy động 40.000 tỷ đồng vốn đầu tư - Ảnh 2