11:41 13/06/2023

Khởi sắc giao thông Đồng bằng sông Cửu Long nhờ khơi thông vận tải thuỷ, đầu tư hệ thống cao tốc

Anh Tú

Để sớm tháo gỡ điểm nghẽn và hoàn thiện hệ thống giao thông tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn tới, nguồn lực sẽ được tập trung đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, đặc biệt là các trục có nhu cầu vận tải cao như: trục TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, đẩy mạnh xu hướng container hóa vận tải thuỷ...

Giao thông đường bộ kết nối Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh qua 5 trục chính.
Giao thông đường bộ kết nối Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh qua 5 trục chính.

Chia sẻ tại diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng - Phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức, ông Phan Hoàng Phương, Trưởng phòng Giao thông Đô thị và Nông thôn, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải), thông tin về việc đẩy mạnh tiến độ các dự án giao thông, hạ tầng trọng điểm, làm động lực phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long.

ĐIỂM NGHẼN VỀ GIAO THÔNG, KHÓ LIÊN KẾT VÙNG

Ông Phan Hoàng Phương cho biết tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long,  trong thời gian gần đây, Chính phủ đầu tư cải thiện mạng lưới đường bộ trong vùng, với gần 187 km đường cao tốc, 2.669 km đường quốc lộ và 4.559 km đường tỉnh. Về cơ bản, tất cả các điểm chính trên vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều có kết nối đường bộ. 

Tuy nhiên, "đây chỉ là hệ thống kết nối cơ bản, tối thiểu, chưa mang vai trò chiến lược cho phát triển vùng", ông Phương đánh giá.

Bên cạnh đó, dù hệ thống kết nối nội vùng và liên vùng trên cơ sở các tuyến cao tốc, quốc lộ mới đang dần được hoàn chỉnh, tuy nhiên, về cấp kỹ thuật và chất lượng mặt đường hệ thống quốc lộ vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu.

 
Ông Phan Hoàng Phương, Trưởng phòng Giao thông Đô thị và Nông thôn, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải.
Ông Phan Hoàng Phương, Trưởng phòng Giao thông Đô thị và Nông thôn, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải.

"Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long,  trong thời gian gần đây, Chính phủ đầu tư cải thiện mạng lưới đường bộ trong vùng, với gần 187 km đường cao tốc, 2.669 km đường quốc lộ và 4.559 km đường tỉnh. Về cơ bản, tất cả các điểm chính trên vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều có kết nối đường bộ.

Tỷ lệ chiều dài đường có quy mô trên 4 làn xe mới chỉ đạt 13,13%; chất lượng mặt đường chủ yếu đạt mức trung bình (65,37%), tỷ lệ mặt đường xấu và rất xấu còn cao (18,71%)".

Do xuất phát điểm thấp, với nền kinh tế nông nghiệp, sản xuất hàng hóa phát triển trên nền tảng tự nhiên, nhỏ lẻ, ít cạnh tranh; hạ tầng giao thông chưa phát triển, khó liên kết vùng nên quy mô kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhỏ, tốc độ tăng GRDP chậm dần và thấp hơn trung bình cả nước.

Chính vì vậy, ngày 18/6/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Nghị quyết số 78/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có vị thế hết sức quan trọng và có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển. Báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 13 địa phương Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng 16 đề xuất dự án với tổng mức đầu tư 94.328 tỷ đồng.

Sở hữu tiềm năng du lịch, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, bất động sản, logicstic, công nghiệp... khi hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, nguồn vốn hỗ trợ kịp thời thì khu vực sẽ có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, gắn kết với liên kết vùng miền.

Song song, Chính phủ đang có những động thái đánh thức tiềm năng khu vực này bằng việc đầu tư hạ tầng, phát triển cầu, đường cao tốc nối từ TP. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ và kết nối Đồng bằng sông Cửu Long, nâng cấp các đô thị hiện hữu…

NHỮNG ƯU TIÊN TRONG ĐẦU TƯ, NÂNG CẤP HẠ TẦNG

Cũng theo ông Phan Hoàng Phương, theo quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại Quyết định 1454/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong thời gian tới, cần tiếp tục tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, đặc biệt là các trục có nhu cầu vận tải cao như: trục TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, trục N2 đoạn từ Cao Lãnh về TP. Hồ Chí Minh tạo kết nối thuận lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh.

Theo đó, giao thông đường bộ kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh qua 5 trục chính: Trục dọc 1: Tuyến N1 (dài 235 km) chạy dọc biên giới Campuchia từ Đức Huệ (Long An) đến Hà Tiên (Kiên Giang). Hiện nay đoạn từ Châu Đốc - Hà Tiên đầu tư theo quy hoạch, các đoạn tuyến còn lại khai thác gián đoạn trên cơ sở tận dụng các tuyến đường địa phương có quy mô nhỏ hẹp.

Trục dọc 2: Tuyến N2 (dài 440 km) từ Chơn Thành (Bình Dương) đến Vàm Rầy (Kiên Giang). Hiện tại tuyến đầu tư xong cầu Vàm Cống, Cao Lãnh và một số đoạn, tuy nhiên, vẫn chưa thông xe toàn tuyến. Một số đoạn chưa được đầu tư theo đúng quy hoạch (quy hoạch nâng cấp thành đường cao tốc).

Trục dọc 3: Cao tốc đoạn TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Cần Thơ – Cà Mau. Hiện đang khai thác đoạn TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (40km, 4 làn xe) và đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận (51 km, 4 làn xe chưa có làn dừng khẩn cấp); Đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ dự kiến thông xe trong năm 2023; Đoạn Cần Thơ- Cà Mau đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư.

Trục dọc 4: Quốc lộ 1 (dài 334 km) từ TP. Hồ Chí Minh tới Cà Mau (đoạn từ TP. Hồ Chí Minh tới TP. Sóc Trăng và qua cửa ngõ TP.Bạc Liêu được quy hoạch quy mô 4 làn xe, các đoạn còn lại quy mô 2 làn xe); cơ bản hoàn thành đầu tư theo quy hoạch.

Trục dọc 5: Tuyến duyên hải ven biển phía Đông gồm 2 quốc lộ (Quốc lộ 50, Quốc lộ 60) hiện Quốc lộ 50 đoạn qua Long An, Tiền Giang được đầu tư theo quy hoạch; Quốc lộ 60 đoạn Tiền Giang, Bến Tre được nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch, hiện nay đoạn Trà Vinh, Sóc Trăng chưa được đầu tư theo quy hoạch để đảm bảo đồng nhất cấp kỹ thuật của toàn tuyến. Nút thắt trên tuyến là đoạn cửa ngõ TP. Hồ Chí Minh và 2 cầu lớn: Cầu Rạch Miễu 2 và Đại Ngãi.

Tuyến đường bộ ven biển dài 750km từ TP. Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đến Kiên Giang, quy hoạch cấp IV ĐB; hiện đang khai thác gián đoạn trên cơ sở tận dụng các đoạn tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường địa phương và các tuyến đê biển hiện hữu, các đoạn tuyến đi mới, đi trùng với đê biển, đường địa phương đang được các tỉnh, thành phố tiếp tục đầu tư.

Về đường thuỷ nội địa, ông Phan Hoàng Phương, tổng chiều dài tuyến đường thủy trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đưa vào quản lý, khai thác là 14.826,4km. Đây cũng là khu vực có mật độ đường thủy nội địa cao nhất cả nước, đạt 0,61km/km2. Các tuyến đường thủy nội địa chính trong vùng gồm 2 tuyến trục dọc, 5 tuyến trục ngang kết nối vùng. Đường thủy nội địa chưa tham gia sâu vào chuỗi vận tải hàng hóa container trong khu vực.

"Trong tương lai, với sự hình thành các trung tâm đầu mối và phát triển cao hơn của ngành nông nghiệp về chất lượng và giá trị gia tăng, vai trò của đường thuỷ sẽ tăng hơn", ông Phương khẳng định.

Hiện nay các tuyến đường thuỷ đảm bảo chuẩn tắc kỹ thuật theo quy hoạch và được đầu tư bằng nguồn vốn Ngân hàng Thế giới WB3, WB5. Riêng kênh Chợ Gạo là tuyến huyết mạch đường thuỷ chính, chiếm 60-70% lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường thuỷ, kết nối giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ (trong đó có TP. Hồ Chí Minh).

"Hiện nay, để nâng cao năng lực khai thác của kênh Chợ Gạo cần phải đẩy nhanh hoàn thiện đầu tư nâng cấp giai đoạn 2 cho kênh Chợ Gạo và một số cầu vượt sông không đảm bảo tĩnh không và khoang thông thuyền các cầu trên các tuyến vận tải chính", đại diện Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Về hàng không, hiện nay, trong vùng có 4 cảng hàng không đang khai thác gồm 2 cảng hàng không quốc tế (Cần Thơ, Phú Quốc) và 2 cảng hàng không nội địa (Rạch Giá, Cà Mau).

Thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu tập trung vào các Cảng hàng không Quốc tế như Cần Thơ, chiếm 51,3% thị phần; Phú Quốc với 48% thị phần.

Trong quy hoạch mới nhất hệ thống sân bay chuyên dùng được giao về cho các địa phương, đây cũng là điểm mở tạo điệu kiện phát triển hệ thống cảng hàng không trong khu vực.

"Việc huy động nguồn lực để triển khai quy hoạch cần được chú ý trong thời gian tới, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo đúng quy hoạch đề ra, tập trung cho các dự án ưu tiên. Việc phát triển theo đúng quy hoạch sẽ đảm bảo lợi ích đóng góp tối ưu của kết cấu hạ tầng giao thông đối với phát triển kinh tế- xã hội", ông Phương nhấn mạnh.