PMI ngành sản xuất Việt Nam chậm lại trong tháng 11
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã giảm từ mức 51,6 điểm trong tháng 10 xuống 51,4 điểm trong tháng 11, theo báo cáo của Nikkei
Tốc độ cải thiện điều kiện kinh doanh ngành sản xuất Việt Nam chậm lại trong tháng 11. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tiếp tục tuyển thêm lao động và nhận thêm đơn hàng và điều này cho thấy tình trạng trì trệ hiện nay dự kiến chỉ là tạm thời.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng Purchasing Managers’ Index (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam - một chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất - đã giảm từ mức 51,6 điểm trong tháng 10 xuống 51,4 điểm trong tháng 11, theo báo cáo mới nhất của Nikkei.
Mặc dù những chỉ số này tiếp tục báo hiệu tình trạng cải thiện sức khỏe của lĩnh vực sản xuất, tuy nhiên tốc độ cải thiện điều kiện kinh doanh được cho là tăng chậm nhất kể từ tháng 3/2016.
Số đơn đặt hàng mới tăng chậm lại
Tháng 11 là tháng thứ hai liên tiếp có tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng mới đã chậm lại. Dẫn đến sản lượng của các nhà sản xuất hầu như không thay đổi.
Tình trạng đình trệ đã kết thúc thời kỳ tăng trưởng được ghi nhận kéo dài suốt 12 tháng qua.
Có một số báo cáo cho biết tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu đã kìm hãm sản xuất. Với sản lượng hầu như không thay đổi, tồn kho hàng thành phẩm đã giảm tháng thứ năm liên tiếp.
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại đã giúp các công ty giải quyết lượng công việc tồn đọng trong tháng. Lượng công việc chưa thực hiện đã giảm lần đầu tiên trong 5 tháng qua, và là mức giảm nhanh nhất kể từ tháng 6/2016.
Việc làm vẫn tiếp tục tăng mạnh
Mặc dù sản lượng đình trệ và số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại, các nhà sản xuất tiếp tục tuyển thêm nhân viên. Tốc độ tạo thêm việc làm hầu như ngang bằng với tháng 10. Các công ty vẫn lạc quan về triển vọng sản lượng trong 12 tháng tới, với những dự báo tích cực mà chủ yếu là dự báo tăng số lượng đơn đặt hàng mới.
Chi phí đầu vào tiếp tục tăng mạnh trong tháng 11 trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng. Chi phí đầu vào tăng đã khiến các công ty phải tăng giá bán hàng, và đây là tháng thứ ba liên tiếp giá bán hàng tăng.
Những thành viên nhóm khảo sát báo cáo thời gian giao hàng của người bán hàng kéo dài trong tháng 11 có nhắc đến nguyên nhân thiếu hụt nguồn cung. Thời gian giao hàng đã bị kéo dài trong mười tháng liên tiếp, và mức độ là lớn nhất kể từ tháng 4.
Những khó khăn trong việc tìm nguồn nguyên vật liệu cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến giảm tồn kho hàng mua. Tồn kho hàng hóa trước sản xuất đã giảm lần đầu tiên trong 17 tháng. Tình trạng này vẫn xảy ra mặc dù hoạt động mua hàng tiếp tục tăng mạnh.
Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, ông Andrew Harker, Phó Giám đốc tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát, nói: "Sau khi tăng trưởng chậm lại trong tháng 10, vẫn có những dấu hiệu suy yếu trong tháng 11 khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng yếu hơn và sản lượng bị đình trệ. Tuy nhiên, các nhà sản xuất tiếp tục tăng mạnh số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng và điều này cho thấy tình trạng trì trệ hiện nay dự kiến chỉ là tạm thời".
Chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất tại Việt Nam của Nikkei được xây dựng trên cơ sở dữ liệu thu thập hàng tháng từ các bảng trả lời câu hỏi khảo sát của các nhà quản trị mua hàng ở hơn 400 doanh nghiệp công nghiệp.
Các cuộc khảo sát chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã được thực hiện tại hơn 40 quốc gia và cho các khu vực chủ chốt kể cả khu vực đồng tiền chung châu Âu. Đây là những cuộc khảo sát kinh doanh được theo dõi nhiều nhất trên thế giới, được sự ủng hộ của các ngân hàng Trung ương, thị trường tài chính và các nhà hoạch định chính sách kinh doanh vì khả năng cung cấp những chỉ số cập nhật, chính xác và độc đáo, phản ánh các khuynh hướng kinh tế.