09:33 10/07/2016

Sân bay Long Thành: “Nhất thiết phải có cơ chế đặc thù”

Nguyên Hà

Nếu thực hiện theo các thủ tục bình thường, dự án sân bay Long Thành chắc chắn sẽ không thể đưa vào sử dụng từ năm 2025

Dự án Cảng hàng không quốc tế 
Long Thành có diện tích đất thu hồi 5.000 ha, trong đó diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không là 2.750 ha.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có diện tích đất thu hồi 5.000 ha, trong đó diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không là 2.750 ha.
“Nhất thiết phải có cơ chế đặc thù, công tác chuẩn bị phải thật khẩn trương, rút ngắn để muộn nhất năm 2019 phải khởi công được dự án sân bay Long Thành, đáp ứng mục tiêu đưa vào sử dụng giai đoạn 1 trong năm 2025”.

Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buồi làm việc với tỉnh Đồng Nai về phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn, ngày 9/7.

Kiến nghị với Phó thủ tướng và đoàn công tác Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng việc triển khai dự án ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 4.730 hộ dân với gần 15.000 nhân khẩu, ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Do đó, việc xây dựng cơ chế đặc thù nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân trong vùng dự án khi đến nơi ở mới, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án là rất cấp thiết.

Theo báo cáo của các bộ, ngành và tỉnh Đồng Nai, nếu thực hiện theo các thủ tục bình thường, sớm nhất cũng phải đến năm 2021 mới có thể khởi công được dự án, như vậy chắc chắn sẽ không thể đáp ứng yêu cầu của Quốc hội là đưa sân bay Long Thành vào sử dụng năm 2025.

Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ cho phép tách nội dung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thành tiểu dự án riêng và tổ chức thực hiện độc lập, cho phép tỉnh Đồng Nai lập thủ tục thu hồi đất ngay trong năm 2016 để thực hiện đầu tư xây dựng 2 khu tái định cư nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng toàn bộ vùng dự án.

Tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù và khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án.

Về nguồn vốn, tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị cho phép bổ sung vốn giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành vào kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Trước mắt, cho tạm ứng vốn để xây dựng hạ tầng 2 khu tái định cư và giải phóng mặt bằng cho giai đoạn 1 của dự án.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, đơn vị được giao chủ trì thực hiện dự án, cũng kiến nghị Chính phủ tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình thi tuyển kiến trúc, lập báo cáo khả thi, thu xếp vốn… nhằm đáp ứng yêu cầu đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào năm 2025.

Chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sân bay Long Thành đối với địa phương, khu vực và cả nền kinh tế. Đây là dự án quan trọng quốc gia, với mục tiêu đạt tiêu chuẩn cấp 4F, hướng trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hoá, hành khách quốc tế của khu vực.

Phó thủ tướng cho rằng nhất thiết phải có những cơ chế đặc thù, cách làm phù hợp để có thể rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án, sớm đưa sân bay Long Thành vào khai thác.

Được biết, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có diện tích đất thu hồi 5.000 ha, trong đó diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không là 2.750 ha. Vị trí thực hiện dự án nằm trên địa bàn 6 xã: Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Long An, Long Phước và Bàu Cạn (huyện Long Thành). Sau khi hoàn thành, sân bay Long Thành cách trung tâm Tp.HCM 40 km, cách Biên Hoà 30 km.

Sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương hồi tháng 6/2015, đến nay tỉnh Đồng Nai đã lập quy hoạch chi tiết 1/500 của hai khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và Bình Sơn (282 ha) để bố trí các hộ gia đình, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, các trụ sở cơ quan và trường học phải di dời, giải toả khi thực hiện dự án.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã tổ chức điều tra thông tin, tham vấn ý kiến của các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức sử dụng đất trong vùng dự án. Đến nay, địa phương đã tiếp xúc trực tiếp và lấy ý kiến của 4.730 hộ dân và 26 tổ chức bị ảnh hưởng, trong đó 100% hộ dân và tổ chức đồng ý với chủ trương thực hiện dự án.