Sau thời gian phát triển thần kỳ, các nền tảng bán hàng giá rẻ đang lao dốc?
Temu là sàn bán lẻ online xuyên biên giới, cũng tương tự các đồng hương Shein, Wish và AliExpress, đã học theo triết lý kinh doanh ngàn đời của người Hoa là thu lãi mỏng để bán được nhiều hàng...
Theo Bloomberg Billionaires Index, đầu tháng 8, Colin Huang (44 tuổi), chủ thương hiệu, nhà sáng lập công ty thương mại điện tử PDD Holdings, trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Tuy nhiên cổ phiếu của hãng thương mại điện tử PDD đã mất gần 30% trên sàn chứng khoán Mỹ mới đây, khi nhà đồng sáng lập cảnh báo hãng khó duy trì tốc độ tăng trưởng. Chốt phiên giao dịch 26/8, cổ phiếu PDD – công ty mẹ của sàn thương mại điện tử Temu – ghi nhận mức giảm mạnh nhất trên sàn Nasdaq (Mỹ), kể từ khi hãng IPO năm 2018.
Việc mất 29% trong một phiên, khiến tài sản của nhà sáng lập Colin Huang bốc hơi tới 14 tỷ USD. Ngay sau đó, Bloomberg Billionaires Index đã cập nhật tài sản ròng của doanh nhân 44 tuổi này ở con số 35,2 tỷ USD, đứng vị trí thứ 4. Bloomberg cũng thống kê chính xác số ngày ở vị trí giàu nhất Trung Quốc của ông là 18 ngày. Theo báo này, sức mua của thị trường tỷ dân Trung Quốc đã thấp hơn các dự báo.
Các nhà phân tích từng dự đoán doanh số bán hàng trong quý 2/2024 của PDD sẽ đạt khoảng 14 tỷ USD, nhưng kết quả thực tế chỉ hơn 13,6 tỷ USD. Ngoài ra, lãnh đạo PDD đã khiến các nhà đầu tư hoảng sợ khi liên tục cảnh báo về sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường cùng những thách thức phi kinh doanh có thể còn làm giảm tăng trưởng và lợi nhuận doanh nghiệp hơn nữa trong tương lai.
Tờ Bloomberg nhận định: Chiến lược mở rộng toàn cầu thông qua Temu của PDD đang gặp phải nhiều thách thức. Temu hầu như ngay lập tức đã trở thành một trong những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất ở Mỹ sau khi ra mắt năm 2022, nhưng đang phải đối mặt với mức độ giám sát ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý. Liên minh Châu Âu (EU) đang xem xét đề xuất đóng lỗ hổng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa giá rẻ mua trực tuyến, đây là động thái có thể ảnh hưởng đáng kể đến Temu và các nhà bán lẻ Trung Quốc khác.
Gần đây, "ông trùm" thương mại điện tử Amazon từ Mỹ thông báo rằng sẽ sớm tung ra các cửa hàng giá rẻ. Động thái này có thể lấy đi thị phần của Temu, vốn phải cạnh tranh gay gắt với nhiều nền tảng Trung Quốc khác như Shein hay Tiktok. “Hoạt động của chúng tôi ngày càng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố phi kinh doanh. Trong khi đó, sự cạnh tranh mà chúng tôi phải đối mặt ngày càng mạnh mẽ hơn. Cạnh tranh trong ngành sẽ còn tiếp diễn và dự kiến sẽ gia tăng”, ông Lei Chen, CEO của PDD nói trong 1 bài của báo Bloomberg hôm 28/8.
Theo ông Chen, cũng là một người đồng sáng lập PDD, những yếu tố trên kết hợp lại sẽ gây ra nhiều biến động đến tập đoàn của ông. Thực tế cho thấy kết quả kinh doanh đã không còn tích cực như trước, tăng trưởng doanh thu không bền vững và lợi nhuận giảm trong tương lai là không thể tránh khỏi. Dù vậy, ông Chen vẫn nhấn mạnh: “Cạnh tranh luôn tồn tại trong ngành của chúng tôi và dự kiến còn khắc nghiệt hơn. Tăng trưởng doanh thu cao không phải là điều bền vững. Tỷ suất lợi nhuận giảm cũng khó tránh”.
Mới nhất, mâu thuẫn giữa 2 gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc lại tiếp tục bùng lên khi Shein đệ đơn kiện Temu. Trong đơn khiếu nại nộp lên tòa án liên bang ở Washington, Shein tố Temu đã "khuyến khích người bán vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, bán hàng giả hoặc hàng kém tiêu chuẩn". Shein viết trong hồ sơ tòa án: “Temu đã sử dụng mô hình kinh doanh bất hợp pháp để xây dựng một cỗ máy làm hàng giả và vi phạm bản quyền quy mô lớn ở Mỹ. Bộ máy này phải bị tiêu diệt”.
Shein cũng cáo buộc có ít nhất một nhân viên của Temu đã đánh cắp bí mật thương mại liên quan đến các mặt hàng bán chạy nhất của Shein. Temu đã phản bác lời buộc tội của Shein. Phát ngôn viên của Temu nói với Nikkei Asia: “Trong khi đang ngập trong hàng núi vụ kiện vi phạm bản quyền của chính mình, Shein lại có đủ can đảm để bịa đặt những cáo buộc chống lại người khác, về chính những hành vi sai trái mà họ đã nhiều lần bị tố cáo”.
Thực tế, đà tăng trưởng vũ bão của Temu được công ty dịch vụ dữ liệu chuyên về thương mại điện tử ECDB (Hong Kong) gọi là "khuấy đảo thế giới" nhưng cũng đặt ra nghi ngờ về tính bền vững. Temu áp dụng "mô hình sản xuất ngược" (reverse-manufacturing model) đã giúp Shein làm mưa làm gió trên thị trường bán lẻ thời trang trực tuyến. Theo đó, ban đầu, Temu cung cấp sản phẩm với số lượng nhỏ để thăm dò thị trường. Những sản phẩm có nhu cầu cao sẽ được sản xuất thêm, còn những sản phẩm không bán chạy sẽ bị loại bỏ.
Để giá đã rẻ còn có thể rẻ hơn, Temu mang giải pháp mua hàng theo nhóm đã chứng minh thành công trên Pinduoduo sang phương Tây. Về cơ bản, người dùng cùng nhau lập nhóm để đặt một đơn số lượng càng lớn, hay gọi là gộp đơn, sẽ được nhận chiết khấu càng cao. Thêm vào đó, Temu áp dụng mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment). Họ tích hợp các trò chơi điện tử (game) như Fishland, Coin Spin, Card Flip để người dùng tích điểm thưởng đổi thành ưu đãi mua hàng, khiến thời gian lưu lại ứng dụng lâu hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tính lâu dài trong phương pháp tiếp cận của Temu trong chiến lược bán hàng vẫn chưa chắc chắn. "Nếu không có quả cầu pha lê, thật khó để dự đoán Temu sẽ đi về đâu", phân tích ECDB bình luận. PDD cũng không phải là nền tảng trực tuyến duy nhất ở Trung Quốc báo cáo rằng kỳ vọng không đạt được khi đất nước này đang trải qua suy thoái kinh tế với tỷ lệ thất nghiệp cao và thu nhập hộ gia đình giảm.
Alibaba, một nền tảngtrực tuyến tương tự bán hàng hóa siêu giảm giá, đã báo cáo thu nhập ròng giảm 28,8% vào tháng 6 và JD.Com thì không đạt được dự báo doanh thu trong cùng tháng. Giám đốc đầu tư của AJ Bell, Russ Mould cho biết: “Chúng ta đang trong một cơn bão của các điều kiện kinh tế không chắc chắn, người tiêu dùng thận trọng và áp lực cạnh tranh. Điều này cho thấy ngay cả những hàng hóa siêu rẻ cũng có thể gặp khó khăn nếu người tiêu dùng suy nghĩ kỹ về việc chi tiền vào đâu là xứng đáng”.
Các báo cáo xuất hiện vào tháng này cho thấy rằng những người tiêu dùng trẻ tuổi ở Trung Quốc đang tiết kiệm nhiều hơn so với các thế hệ trước và ý tưởng đặt ra các mục tiêu chi tiêu cực thấp thậm chí đã trở thành một xu hướng trên mạng xã hội có tên gọi là “tiết kiệm trả thù”, xuất phát từ nền kinh tế suy yếu của đất nước. Chuyên gia Mould kết luận: 'Kết quả mới nhất là lời nhắc nhở rằng ngay cả những công ty thành công nhất cũng không thể duy trì mức tăng trưởng rất cao quá lâu dài”.