Hàng hóa chính trị: Cách kiếm tiền hay nâng cao thương hiệu tranh cử?
Sau khi thống đốc Minnesota Tim Walz được công bố là ứng cử viên Phó Tổng thống Mỹ, liên minh Harris-Walz đã gia tăng sức mạnh tranh cử. Tính đến ngày 8/8, chiến dịch đã tạo ra 47.000 chiếc mũ với giá trị gây quỹ tương đương 1.878.524 USD…
Chiếc mũ lưỡi trai rằn ri vốn là phụ kiện yêu thích của Tim Walz. “Đội ngũ của chiến dịch Harris-Walz tương đối nhạy bén. Họ biết điều gì thịnh hành”, Thomaï Serdari, Giáo sư tiếp thị của Đại học New York (Mỹ), nói. Những cử tri Gen Z nhanh chóng thể hiện sự yêu thích với món đồ lưu niệm này.
Theo Vogue Business, đội ngũ đứng sau chiến dịch Harris-Walz thể hiện sự khéo léo trong việc nhắm vào Gen Z, đồng thời linh hoạt thay đổi chủ đề các cuộc trò chuyện trực tuyến, tránh tạo ra sự nhàm chán. Cùng với đó, việc chiếc mũ lưỡi trai rằn ri in dòng chữ “Harris-Walz” vừa hết hàng là minh chứng cho sự thành công của các chính trị gia đảng Dân chủ.
“Chiến dịch Harris-Walz đang sử dụng văn hoá đại chúng để thúc đẩy sự nhận thức và kết nối. Hàng hoá chính trị đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch tranh cử”, Sara Arnell, chiến lược gia thương hiệu và giáo sư thỉnh giảng tại Trường Thiết kế Parsons của New York (Mỹ), nói.
Trong cửa hàng kinh doanh đồ lưu niệm Harris-Walz thuộc chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ của bà Kamala Harris, các cử tri có thể tìm thấy số lượng lớn áo phông, cốc, poster in ấn những phát ngôn thú vị, hình ảnh châm biếm tràn lan trên mạng xã hội.
Theo nhà báo Elizabeth Holmes, cuộc tranh cử trở nên thú vị và hấp dẫn khán giả trẻ hơn kể từ khi bà Kamala Harris thay thế ông Joe Biden. “Năng lượng trẻ trung của bà Kamala giúp hàng hoá chính trị được đón nhận hơn”, Holmes nói.
Khi chiếc mũ Harris-Walz “cháy hàng”, nhiều người bán trên các sàn thương mại điện tử như Etsy hay Ebay bắt đầu sản xuất những phiên bản “fake”. Lúc này, mặc dù lợi nhuận không thuộc về quỹ tranh cử, mức độ nhận diện của bà Harris vẫn được nâng cao.
Song, thành công của đội ngũ Harris-Walz dường như chưa là gì nếu so sánh với nhạy bén mang lại doanh thu lớn cho đội ngũ của cựu Tổng thống Donald Trump. Với chiến dịch tranh cử mới nhất này, ông Trump đã bán giày, nước hoa, bít tết, nến thơm, Kinh Thánh "yêu nước"… để kiếm tiền, điều chưa từng thấy với bất kỳ ứng viên tổng thống nào khác trong lịch sử Mỹ.
Trong hội chợ giày Philly's Sneaker Con ngày 17/2 tại bang Philadelphia, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump ra mắt hai sản phẩm trong dòng giày tennis Trump Sneakers, trong đó có mẫu "Never Surrender" (Không bao giờ đầu hàng) màu vàng ánh kim được bán với giá 399 USD.
Ngay sau đó, trang web của ông Trump mở bán 1.000 đôi giày vàng ánh kim, trong đó ít nhất 10 đôi có chữ ký của ông, và nhanh chóng cháy hàng trong vài giờ. Trang web cũng chào bán hai sản phẩm nước hoa "Victory" (Chiến thắng), giá 99 USD một lọ.
Đến ngày 26/3, ông Trump lại tiếp tục rao bán trên nền tảng Truth Social bản Kinh Thánh được đóng kèm bản sao hiến pháp và tuyên ngôn độc lập Mỹ và lời bài God Bless the U.S.A (Chúa ban phước nước Mỹ) của ngôi sao nhạc đồng quê Lee Greenwood, với giá 59,99 USD nhân dịp Lễ Phục sinh.
Phần mô tả trên websites mua Kinh Thánh cho biết chiến dịch bán hàng này "không liên quan và doanh thu sẽ không được sử dụng cho chiến dịch tranh cử của ông Trump", nhưng sử dụng hình ảnh, tên của ông theo giấy phép trả phí từ công ty tên là CIC Ventures. Các nhà quan sát cho biết không thể ước tính doanh thu từ dự án này.
Theo CNBC, đối với một ứng viên bình thường, hoạt động bán hàng trong chiến dịch tranh cử có thể châm ngòi một cuộc điều tra tài chính, Brendan Fischer, lãnh đạo cấp cao của nhóm nhà báo điều tra Documented, Mỹ, nói. Nhưng điều này khó xảy ra với Trump, bởi ông đã bán hàng từ lâu trước khi bước vào chính trường.
Điều tra tài chính năm 2023 cho biết ông Trump là "quản lý, chủ tịch, người điều hành, thủ quỹ" của CIC Ventures và đã kiếm hơn 5 triệu USD từ các hoạt động diễn thuyết thông qua công ty này. Hồ sơ kinh doanh ở Florida cho thấy CIC Ventures trùng địa chỉ câu lạc bộ golf của ông ở bang này.
Ngay cả khi ông Trump phải trải qua khoảnh khắc bị ám sát hụt vào ngày 14/7, các doanh nghiệp nhỏ ở Hoa Kỳ cũng đang tận dụng sự kiện này và sử dụng hình ảnh tương tự để bán hàng hóa của mình. Redbubble - một cửa hàng bán đồ in theo yêu cầu đang có 71 mặt hàng, bao gồm áo nỉ, mũ, túi tote, tấm lót chuột, túi đựng máy tính xách tay, ốp điện thoại di động, đồng hồ, vỏ chăn, rèm tắm, tạp dề, sổ tay và đệm. Tất cả những thứ này có giá từ 1,03 USD đến 104,91 USD.
Cặp đôi diễn viên hài độc thoại và bình luận chính trị bảo thủ người Mỹ HodgeTwins đã quảng cáo trên X một chiếc áo phông đen có hình ảnh Trump với nắm đấm bất khuất cùng dòng chữ "Chiến đấu! Chiến đấu! Chiến đấu!"
Chiếc áo hiện đang được bán trên cửa hàng chính thức của họ với giá 35 USD, và hình ảnh của nó đã thu hút 2,4 triệu lượt xem kể từ khi được đăng vào sáng ngày 14/7. HodgeTwins cho biết: "100% lợi nhuận từ chiếc áo sơ mi này sẽ được chuyển vào chiến dịch tranh cử của ông Trump".
Giáo sư Lawrence Lessig từ Đại học Luật Harvard nhận định đây là hoạt động khác thường và "chưa có tiền lệ" trong lịch sử Mỹ, khi một ứng viên tổng thống gần như trộn lẫn giữa hoạt động kinh doanh với nỗ lực tranh cử. "Ông Trump là trường hợp độc nhất. Không ứng viên tổng thống nào bán loạt hàng hóa như vậy vì lợi ích cá nhân", Brendan Fischer, lãnh đạo cấp cao của nhóm nhà báo điều tra Documented, Mỹ, cho biết.
Dữ liệu từ DHgate, một nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc tập trung vào thị trường Mỹ, cho thấy kể từ tháng 1, khối lượng giao dịch hàng hóa liên quan đến bầu cử Mỹ đã tăng hơn 40% mỗi tháng, với tỷ lệ tăng trưởng hàng tháng trong tháng 3 vượt quá 110%. Hãng truyền thông Yicai hồi tháng 5 đưa tin tổng giá trị giao dịch hàng hóa lưu niệm bầu cử Mỹ trong quý đầu tiên đã tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở Mỹ, việc các tổng thống kiếm bộn tiền trước hoặc sau khi rời Nhà Trắng là không hiếm. Chẳng hạn ông Obama từng kiếm được hơn 3,3 triệu USD tiền bản quyền sách cho Dreams of My Father, cuốn sách ông viết vào những năm 1990 trước khi trở thành một nhân vật chính trị. Khi đắc cử, hình ảnh tổng thống Obama cũng xuất hiện nhiều trên các website quảng cáo, thậm chí là trong các trò chơi điện tử. Sau 2 nhiệm kỳ (8 năm), Barack Obama và phu nhân Michelle cũng bán một hợp đồng viết sách chung với giá 65 triệu USD.
Các bài phát biểu của vợ chồng cựu tổng thống Bill và Hillary Clinton giúp họ thu về 153 triệu USD tính đến năm 2015. Cựu tổng thống của Đảng Cộng hòa George W. Bush cũng là một người kiếm tiền giỏi nhờ tài diễn thuyết. Ông Bush cũng khá thành công trong kinh doanh khi mua đội bóng chày Texas Rangers rồi đầu tư nửa triệu USD vào nhượng quyền thương mại. Vào năm 1998, ông Bush bán cổ phần của mình và thu về 15 triệu USD.