“Cơn lốc” hàng giá rẻ Trung Quốc giữa những cuộc chiến kiện tụng
Thách thức lớn nhất hiện nay đối với các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc là cân bằng giữa giá cả và chất lượng sản phẩm. Hàng hóa giá rẻ có thể thu hút khách hàng lúc đầu, nhưng chất lượng kém sẽ khiến khách hàng không hài lòng...
Hôm 31/7, Temu lặng lẽ khai trương hoạt động kinh doanh tại Thái Lan. Khác với Shopee hay Lazada, Temu là nền tảng thương mại điện tử bán sản phẩm trực tiếp từ Trung Quốc mà không thông qua trung gian tại Thái Lan hoặc cho phép các doanh nghiệp Thái bán hàng trên nền tảng này. Do đó, theo lý thuyết, Temu không phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 7% áp dụng với các sàn trong nước và nước ngoài khác.
Ngay hôm sau 1/8, Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) đã mạnh mẽ lên tiếng. FTI nói, với việc Temu giảm giá đến 90%, xứ chùa vàng đứng trước “viễn cảnh nhiều nhà máy đóng cửa bởi các sản phẩm nội địa không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc”. Thủ tướng Thái Lan ngày 4/8 đã phải yêu cầu Cục Thuế và Bộ Kinh tế và Xã hội kỹ thuật số (DES) tăng cường các biện pháp quản lý, đảm bảo Temu tuân thủ luật pháp Thái Lan và nộp thuế đầy đủ khi hoạt động tại xứ sở chùa Vàng.
Các cơ quan chức năng của nước này cũng đang thảo luận tìm kiếm các biện pháp kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ hơn, bao gồm áp thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu có giá dưới 1.500 baht (42 USD). Trước đó, Malaysia cũng đã áp dụng thuế bán hàng 10% đối với hàng hóa nhập khẩu được mua trực tuyến với giá dưới 500 ringgit (108 đô la), Bộ Thương mại Indonesia thì đang tìm cách áp thuế lên tới 200% để đối phó với tình trạng nhập khẩu gốm sứ, quần áo, giày dép, mỹ phẩm và đồ điện tử tăng mạnh.
Thực tế, từ khi trở thành ngôi sao mới như Shein, Temu vấp phải sự phản đối không chỉ tại Đông Nam Á mà trên toàn thế giới. Một đài truyền hình Đức đã tiến hành thử nghiệm các sản phẩm mua từ Temu. Họ phát hiện một số làm bằng vật liệu kém chất lượng, nhanh hỏng. Khi hỏi người tiêu dùng ở Đức, một phần tư (25%) nghi ngờ về mức giảm giá lớn và hơn một nửa (51%) cảm thấy bị thao túng bởi quảng cáo.
Temu, AliExpress, Shein và các đối thủ cạnh tranh khác cũng đang vào tầm ngắm của doanh nghiệp và giới chức phương Tây trong việc xả hàng giá rẻ. Đầu tháng 6, Temu được thông báo sẽ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của Liên minh Châu Âu dành cho các công ty có hơn 45 triệu người dùng thường xuyên, gọi là VLOP. Chúng bao gồm giám sát chặt hành vi niêm yết và bán hàng giả, sản phẩm không an toàn hoặc bất hợp pháp và các mặt hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Mới nhất, ngày 14/8, chính quyền thành phố Seoul, Hàn Quốc, cho biết đã tiến hành kiểm tra an toàn đối với 144 sản phẩm được bán trên 3 ứng dụng mua sắm của Trung Quốc gồm AliExpress, Temu và Shein từ ngày 12/7 – 9/8. Các sản phẩm được kiểm tra bao gồm 94 hộp đựng thực phẩm, 13 sản phẩm trang điểm, 28 xăng đan và mũ, cùng với 9 sản phẩm vệ sinh. Kết quả cho thấy 11 sản phẩm có vấn đề về an toàn, theo hãng tin Yonhap.
Trong khi đó, ngay tại quê nhà Trung Quốc, hàng trăm nhà cung cấp trên Temu đã tổ chức một cuộc biểu tình tại văn phòng của gã khổng lồ thương mại điện tử này tại Quảng Châu nhằm phản đối các chính sách bán hàng vô lý. Một nhà cung cấp có trụ sở tại Quảng Châu, từ chối nêu tên, cho biết khi phát sinh vấn đề sau bán hàng, Temu sẽ hoàn lại tiền cho khách hàng và cho phép họ giữ sản phẩm, đồng thời phạt người bán gấp đôi giá cho vấn đề sau bán hàng. Người này cũng cho biết Temu có thể phạt người bán hàng với số tiền gấp 5 lần giá trị của sản phẩm.
"Temu lôi kéo người tiêu dùng bằng những lời hứa về giá cả cực thấp. Nhưng Temu không kiếm lợi nhuận từ việc bán những sản phẩm này vì chúng được định giá thấp đến mức Temu phải trợ cấp cho mỗi giao dịch và chịu lỗ trong từng giao dịch. Chỉ bằng cách khuyến khích các nhà bán hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác và bán hàng giả hoặc hàng kém chất lượng, Temu mới có thể hy vọng giảm thiểu những tổn thất khổng lồ mà họ đang gánh chịu”, theo đơn kiện của Shein lên tòa án liên bang Washington (Mỹ) mới đây, được trích dân trên CNBC.
Giữa những cuộc chiến kiện tụng liên miên, đầu tháng 8, Colin Huang (44 tuổi), nhà sáng lập công ty thương mại điện tử PDD Holdings, trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Ông duy trì vị trí đó đến nay, với khối tài sản 50,8 tỷ USD tính đến 21/8, hạng 23 thế giới và 3 châu Á, theo Bloomberg Billionaires Index. Tài sản của ông Huang tăng khi hai nền tảng thương mại điện tử chuyên bán hàng giá rẻ Pinduoduo và Temu, cùng thuộc PDD Holdings, ăn nên làm ra.
Ở nội địa, thói quen mua sắm tiết kiệm của người Trung Quốc đã tạo điều kiện cho Pinduoduo. Ở thị trường quốc tế, nhận thức của người tiêu dùng toàn cầu với Temu ngày càng tăng. Một cuộc điều tra gần đây của viện nghiên cứu IFH Köln (Đức) cho biết 32% người tiêu dùng nước này được hỏi nói đã mua sản phẩm từ Temu, tăng lên từ mức 11% vào 2023. Tổng doanh số giao dịch trên sàn (GMV) cũng tăng trưởng theo cấp số nhân. Vào 2022, GMV chỉ mới 290 triệu USD nhưng đã tăng hơn 4.500 lần, đạt 14 tỷ USD năm 2023, theo ECDB. Dự báo GMV của Temu đạt 29,5 tỷ USD năm nay và 41 tỷ USD vào năm 2025.
Theo ông Huang, chiến lược cốt lõi của Pinduoduo "không phải là giá rẻ, mà là khiến người dùng cảm thấy như họ đã có được một deal hời". Là phiên bản quốc tế của Pinduoduo, Temu thừa hưởng chiến lược phát triển của "chị em" mình tại quê nhà. Ngoài giá thấp, Temu cung cấp nhiều chiết khấu hơn cả Shein, với các ưu đãi đẩy giá sản phẩm có khi xuống chỉ còn một cent. Không chỉ rẻ, nền tảng cung cấp dịch vụ miễn phí vận chuyển và trả hàng. Họ thực hiện được nhờ mạng lưới nhà cung cấp và đối tác vận chuyển rộng khắp của PDD Holdings.
Để giá đã rẻ còn có thể rẻ hơn, Temu mang giải pháp mua hàng theo nhóm đã chứng minh thành công trên Pinduoduo sang phương Tây. Về cơ bản, người dùng cùng nhau lập nhóm để đặt một đơn số lượng càng lớn, hay gọi là gộp đơn, sẽ được nhận chiết khấu càng cao. Để tiếp thị, Temu cũng đốt tiền không ít. Goldman Sachs ước tính Temu chi 1,2 tỷ USD cho quảng cáo trên Meta năm ngoái.
Tất nhiên, con đường phát triển của các sàn bán lẻ trực tuyến chưa bao giờ bằng phẳng. Trước mắt, các nền tảng như Temu hay Shein phải lắng nghe phản hồi từ cả phía người mua lẫn người bán, giải quyết những mối bận tâm của hai nguồn này. Tiếp theo, họ cần tập trung củng cố điểm khác biệt để có thể giữ vững ưu thế cạnh tranh của mình. Ví dụ cung cấp sản phẩm độc đáo, thậm chí là độc quyền, không có trên sàn khác. Chất lượng của các sản phẩm giá rẻ cũng là vấn đề, nếu muốn duy trì động lực và đảm bảo phát triển bền vững.