14:38 25/06/2024

Sốt xuất huyết đã trở thành gánh nặng toàn cầu

Hoài Phương

Đây là cảnh báo của các chuyên gia trong Hội nghị thượng đỉnh sốt xuất huyết châu Á lần 7 (7th Asia Dengue Summit 2024) vừa tổ chức tại Malaysia...

Vaccine Qdenga vừa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam được chỉ định tiêm cho người dân từ 4 tuổi trở lên.
Vaccine Qdenga vừa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam được chỉ định tiêm cho người dân từ 4 tuổi trở lên.

Tổ chức Thế giới (WHO) cảnh báo, gánh nặng sốt xuất huyết trên toàn cầu đang bị đánh giá thấp. Từ năm 2000 đến năm 2019, số người mắc bệnh sốt xuất huyết trên thế giới tăng 10 lần, từ 500.000 lên 5,2 triệu trường hợp, lan rộng 129 quốc gia. Chính vì thế, năm 2019, WHO xếp sốt xuất huyết là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu với sức khỏe toàn cầu.

70% GÁNH NẶNG BỆNH TẬT SỐT XUẤT HUYẾT Ở CHÂU Á

Tại hội nghị thượng đỉnh năm nay, một lần nữa chuyên gia y tế trong khu vực nhấn mạnh về mối nguy hiểm của loại "virus đen" (Dengue virus), với 70% gánh nặng bệnh tật sốt xuất huyết ở châu Á. Trong năm 2023, số ca nhiễm sốt xuất huyết được báo cáo tăng khoảng 200% ở Thái Lan và Campuchia, với khu vực đảo Đài Loan cũng đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng. 

Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, khoảng 4 tỉ người - tương đương khoảng một nửa dân số thế giới - sống ở những khu vực có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết. Đây là hậu quả của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu dẫn đến nhiệt độ tăng, lượng mưa và độ ẩm cao thuận lợi cho muỗi vằn phát triển. Thay đổi về kiểu huyết thanh lưu hành trong một quốc gia ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của cộng đồng cũng là một trong các nguyên nhân.

WHO xếp sốt xuất huyết là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu với sức khỏe toàn cầu.
WHO xếp sốt xuất huyết là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu với sức khỏe toàn cầu.

Dân số càng tăng và quá trình đô thị hóa nhanh chóng, nguy cơ mắc sốt xuất huyết được dự đoán còn cao hơn nữa. Trước tình trạng này, WHO đề xuất chiến lược "zero death" để quản lý sốt xuất huyết, hướng đến giảm tỷ lệ tử vong bằng 0 vào năm 2030. Tại châu Á, chuyên gia của các nước đều nhấn mạnh vai trò của miễn dịch bảo vệ trong phòng ngừa và ngăn chặn loại "virus đen" nguy hiểm. Bởi tiêm chủng là một trong những phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu "zero death".

Sau hành trình dài nghiên cứu, vaccine sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới được cấp phép năm 2015 tại Mexico. Hiện nay có hai vaccine ngừa sốt xuất huyết được WHO phê duyệt gồm Dengvaxia (của nhà sản xuất Sanofi) và Qdenga (của nhà sản xuất Takeda). Mới đây nhất, giữa tháng 5, lần đầu tiên Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt vaccine sốt xuất huyết Qdenga. Đây là vaccine ngừa sốt xuất huyết đầu tiên được lưu hành tại Việt Nam, dự kiến sẽ có mặt tại một số trung tâm tiêm chủng bắt đầu từ tháng 9/2024. 

Cùng với các biện pháp giám sát và kiểm soát muỗi vằn, vaccine an toàn và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc giảm gánh nặng sốt xuất huyết xuống còn 0 ca tử vong vào năm 2030. Thành tựu vaccine sốt xuất huyết được các chuyên gia ví là "vũ khí mới đối phó với dịch bệnh", giúp hàng triệu người được bảo vệ hiệu quả, mang đến kỳ vọng về tương lai không còn ca tử vong do "virus đen".

Giám đốc khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Jeremy Farrar mới đây đã cảnh báo sốt xuất huyết cũng sẽ trở thành mối đe dọa lớn ở miền Nam nước Mỹ, miền Nam châu Âu và các khu vực mới của châu Phi trong thập kỷ này. Cũng theo ông Farrar, những quốc gia liên quan cần chuẩn bị ứng phó với vấn đề nói trên trong bối cảnh nhiệt độ ấm hơn tạo điều kiện cho muỗi mang virus gây bệnh sinh sôi. Việc chăm sóc lâm sàng đối với căn bệnh này thực sự chuyên sâu, đòi hỏi tỉ lệ điều dưỡng trên bệnh nhân cao. Đây sẽ trở thành vấn đề lớn gây áp lực lên hệ thống bệnh viện ở nhiều nước.

Sốt xuất huyết đã trở thành gánh nặng toàn cầu - Ảnh 1

VIỆT NAM LƯU HÀNH CẢ 4 TUÝP VIRUS DENGUE

Tại Việt Nam từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 22.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 3 trường hợp tử vong, theo thống kê từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Theo nhận định của các chuyên gia, sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số ca mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư. Theo Bộ Y tế, dịch bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng diễn biến bất thường, tính chất bệnh phức tạp, các biến chứng nguy hiểm xuất hiện ngày càng nhiều.

Hiện nay, Việt Nam lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue gây bệnh. Đáng chú ý, nếu như trong năm 2023 tuýp D2 chiếm 88% ca bệnh thì sang năm 2024 tuýp D2 chiếm 70%. Mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết sẽ bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 11, mỗi người dân cần hiểu rõ về bệnh này để có cách dự phòng, phòng chống bệnh hiệu quả. Đối với công tác phòng ngừa, Bộ Y tế nhấn mạnh, phương pháp phòng bệnh bền vững là kiểm soát vật trung gian lây bệnh là muỗi vằn và dự phòng chủ động bằng vaccine.

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn thành phố ghi nhận 745 ca mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã (tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023). Tại TP.HCM, tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến ngày 9/6 là 3.677 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Quận 1, Quận 7 và thành phố Thủ Đức.

Trên cả nước, nhiều địa phương trước nay chưa từng là điểm nóng về sốt xuất huyết nhưng cũng đang đứng trước nguy cơ bùng dịch như Đắk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên. Đặc biệt, tại Hải Phòng, sau trận mưa lớn được cho là lịch sử 30 năm mới có một lần xảy ra vào ngày 9/6 vừa qua, dịch bệnh sốt xuất huyết bắt đầu bùng phát và lan rộng đến nay ra 14/15 quận, huyện (trừ huyện đảo Bạch Long Vĩ).

Sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số ca mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư.
Sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số ca mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có 3 giai đoạn chính: Sốt, nguy hiểm và phục hồi. Các bác sĩ khuyến cáo một số sai lầm khiến sốt xuất huyết trở nặng, như chủ quan không đi khám bệnh, tự ý dùng kháng sinh điều trị, nghĩ hết sốt là khỏi bệnh. Nhiều người cho rằng, vừa mắc sốt xuất huyết xong sẽ không mắc lại bệnh. Đây là quan niệm chưa hẳn đúng. Vì sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra có 4 tuýp. Cả 4 tuýp virus này đều có khả năng gây bệnh.

ThS.BS Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - lưu ý: các bệnh nhân tuổi cao, nhiều bệnh nền nếu bị mắc sốt xuất huyết Dengue cần được chẩn đoán sớm để có kế hoạch theo dõi nguy cơ đồng nhiễm vi khuẩn, từ đó can thiệp điều trị kịp thời. Người dân nếu có sốt cấp tính trong mùa dịch sốt xuất huyết Dengue nên đi khám và quản lý tại cơ sở y tế, không nên tự truyền dịch tại nhà, không đảm bảo điều kiện vệ sinh, làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết, chủ yếu chữa triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Bệnh nhân cần nhập viện khi có một trong các dấu hiệu như xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít...