Hè đến, cảnh giác với mỹ phẩm trôi nổi
Những ngày này, mỗi ngày Bệnh viện da liễu Trung ương tiếp nhận hàng trăm ca mắc các chứng bệnh về da, trong đó có nhiều bệnh nhân nữ mắc chứng viêm da do dùng mỹ phẩm bị dị ứng khiến da tấy đỏ, nổi nốt mẩn ngứa…
Vào mùa hè, nhu cầu làm đẹp của con người và nhất là phụ nữ tăng lên cùng với xu hướng đi du lịch, tắm biển, diện trang phục bắt mắt… Trung bình ở Mỹ, mỗi một phụ nữ dùng ít nhất 7 loại mỹ phẩm như kem nền, kem dưỡng da, nước hoa, kem chống nắng, kẻ môi, dầu nhuộm tóc… hàng ngày.
Chị em phụ nữ Việt Nam cũng không kém cạnh, với “cuộc đua” dưỡng trắng da, kem chống nắng, kem trị nám/tàn nhang… Do không có sự tư vấn của bác sĩ, đa phần người tiêu dùng sử dụng các loại mỹ phẩm đều theo “tư vấn miệng”, nên nguy cơ dị ứng mỹ phẩm trong những ngày hè nắng nóng tăng cao.
Bên cạnh đó, tình trạng kinh doanh, quảng cáo mỹ phẩm đa dạng về chủng loại, xuất xứ diễn ra tràn làn trên các trang mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, khiến người tiêu dùng dễ sập bẫy hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. Tương tự Bệnh viện da liễu Trung ương, Bệnh viện Da liễu TP.HCM mỗi ngày tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân đến khám các vấn đề về da liễu. Không khó để bắt gặp được những ca bệnh bị biến chứng vì sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mỹ phẩm mua trên mạng mà chưa có sự kiểm chứng về nguồn gốc sản phẩm.
Theo ThS.BS Phan Ngọc Huy, Khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TPHCM, những biến chứng thường gặp của các bệnh nhân sau khi sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc thường bị viêm da tiếp xúc dị ứng với biểu hiện bong tróc vảy, đỏ da, ngứa. Trong trường hợp nặng, làn da có thể bị viêm tiết dịch dễ dẫn đến nhiễm trùng và tạo sẹo xấu. Ngoài ra, tình trạng sạm da sau phản ứng dị ứng cũng khá thường gặp và cần điều trị trong một thời gian trung bình khoảng 3 - 6 tháng để có thể phục hồi hoàn toàn.
Sở Y tế Hà Nội mới đây vừa ban hành văn bản thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm Gammaphil - chai 125ml (DNTN sản xuất hóa mỹ phẩm GAM MA). Lý do bị đình chỉ là mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa thành phần chất bảo quản Methyl paraben và Propyl paraben.
Trước đó vài ngày, hai lô sản phẩm chăm sóc da cũng vừa bị Bộ Y tế yêu cầu đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc. Đó là sản phẩm sáp nẻ Vaseline hoa hồng và Vaseline dầu dừa (hộp 15g), do Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Athena Việt Nam sản xuất, do không đáp ứng quy định về nhãn sản phẩm của Bộ Y tế.
Có thể thấy, hiện nay tình trạng kinh doanh, quảng cáo mỹ phẩm đa dạng về chủng loại, xuất xứ diễn ra trên mạng Internet, trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook...) đang rất khó kiểm soát. Thậm chí, một số mặt hàng son môi, phấn nền, kem chống nắng… thuộc nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới cũng bị làm giả, bán rải rác tại thị trường Việt Nam dưới danh nghĩa hàng “xách tay”…
Anh Lê Văn V. (Vĩnh Tuy, Hà Nội) chia sẻ gần đây, anh mua tặng vợ một tuýp kem chống nắng Nhật Bản có giá khuyến mãi 300.000 đồng (giá gốc 700.000 đồng), nhưng vợ dùng thử thì phát hiện dung dịch chống nắng bị vón cục, sản phẩm có dấu hiệu bị làm giả khi không in hạn sử dụng, nắp vặn thay vì nắp bật như hàng cùng loại…
ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành, Thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, bác sĩ tiếp nhận điều trị khá nhiều trường hợp mắc các vấn đề về da liễu như viêm da tiếp xúc, hạt cơm, herpes,... do dùng chung các loại mỹ phẩm, hoặc sử dụng mỹ phẩm trôi nổi, giá rẻ trên thị trường. Theo bác sỹ, mua mỹ phẩm online được giảm giá, tiện lợi song tiềm ẩn nguy cơ mua phải hàng cận ngày sử dụng, giả, nhái; thậm chí sản phẩm chứa chất độc hại, dẫn đến dị ứng.
"Dị ứng mỹ phẩm không quá nặng có thể chỉ biểu hiện ngoài da, sẩn ngứa vùng bôi mỹ phẩm, viêm da dị ứng. Nặng hơn thì gây lở loét, thậm chí lan ra cả vùng không bôi thành phản ứng toàn thân. Nếu không điều trị dứt điểm, tình trạng dị ứng hơn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, có thể để lại sẹo, điều trị phức tạp khó khăn hơn”, ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành khuyến cáo. “Sử dụng mỹ phẩm phù hợp với đặc điểm làn da của mỗi cá nhân là điều quan trọng nhất. Việc lựa chọn “hàng hiệu” chỉ là một yếu tố trên bàn cân. Các yếu tố khác quan trọng không kém là hoạt chất phù hợp với làn da. Như vậy, việc sử dụng mỹ phẩm mới thật sự hiệu quả lâu dài”.
Đánh giá về ngành công nghiệp mỹ phẩm nước ta, TS. Chu Quốc Thịnh, Trưởng phòng Phòng Quản lý Mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) nhận định, với dân số khoảng 100 triệu người, đứng thứ 12 trên thế giới về dân số, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn, nhiều tiềm năng đối với các nhà sản xuất và phân phối mỹ phẩm.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp mỹ phẩm ở Việt Nam vẫn là ngành công nghiệp non trẻ, nhiều hạn chế như quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ dây chuyền sản xuất chưa hiện đại. Đến nay, tổng số cơ sở sản xuất trong nước 965 cơ sở tuy nhiên chỉ 35 cơ sở sản xuất trong nước đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm của Asean. Các doanh nghiệp mỹ phẩm Việt Nam hiện nay chỉ chiếm 30% số lượng sản phẩm mỹ phẩm được công bố nên chỉ có thể trụ lại ở phân khúc giá rẻ.
Nhằm tăng cường quản lý thị trường quản lý mỹ phẩm, ông Thịnh cho biết, Cục Quản lý Dược đang làm đầu mối phối hợp các Vụ, Cục liên quan thuộc Bộ Y tế xây dựng Nghị định quản lý mỹ phẩm. Bộ hồ sơ đề xuất nghị định các trong quá trình xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và dự kiến ban hành trong năm 2025.
Được biết, các nội dung chính sách dự kiến tại nghị định này bao gồm 3 chính sách. Trong đó, tăng cường quy định về công bố sản phẩm mỹ phẩm để bảo đảm thống nhất trong việc xem xét công bố tính năng, công dụng sản phẩm mỹ phẩm phù hợp với thông lệ quốc tế và Hiệp định hòa hợp mỹ phẩm ASEAN. Mục tiêu của chính sách quy định chặt chẽ khâu tiền kiểm bằng việc quy định chặt chẽ hồ sơ công bố mỹ phẩm về tính năng, công dụng và quản lý cơ sở sản xuất tại nước ngoài.
Đồng thời, tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý mỹ phẩm phù hợp xu thế cách mạng 4.0 và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về mỹ phẩm; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đồng thời bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với đó là nâng cao chất lượng mỹ phẩm sản xuất trong nước... Trong bối cảnh ngày càng mở rộng của thị trường mỹ phẩm, việc siết chặt quản lý là điều cần thiết để đảm bảo an toàn và chất lượng cho người tiêu dùng.