Sự cố y khoa tại thẩm mỹ viện: Hãy làm đẹp an toàn
Liên tiếp các rủi ro trong phẫu thuật thẩm mỹ xảy ra là lời cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn của các dịch vụ làm đẹp không đảm bảo an toàn, đặc biệt là những dịch vụ được thực hiện mà không có sự giám sát chặt chẽ về mặt y tế…
Chỉ trong vài ngày, trên địa bàn TP.HCM liên tiếp xảy ra các trường hợp tai biến sau thẩm mỹ. Trường hợp thứ nhất là tin báo của Bệnh viện Quân y 175 về bệnh nhân thực hiện dịch vụ hút mỡ bụng, cấy mỡ vào vùng trán và thái dương tại Viện thẩm mỹ Nguyên Anh.
Theo đó, 45 phút sau khi thực hiện dịch vụ, người bệnh có biểu hiện lừ đừ, tiếp xúc chậm, không nói được, yếu tay, chân bên phải. Phòng khám này đã chuyển cấp cứu người bệnh đến Bệnh viện Quân y 175 với chẩn đoán: Nhồi máu não diện rộng bán cầu trái do thuyên tắc mỡ sau phẫu thuật cấy mỡ tự thân.
Trường hợp thứ 2 là tin báo của Bệnh viện Nhân dân 115 liên quan người bệnh đến Phòng khám chuyên khoa Thẩm mỹ thuộc Công ty TNHH Bệnh viện Thẩm mỹ quốc tế Thailand Hospital (quận 1). Thông tin cho biết, người bệnh đến phòng khám ngày 4/6 để được tư vấn nâng mũi bằng vật liệu silicon và sụn vành tai.
Lúc 14h cùng ngày, ngay sau khi được gây tê bằng thuốc Lidocain 2% ở vành tai (khoảng 5 - 7 phút), người bệnh xuất hiện triệu chứng tê quanh miệng, đắng miệng, nhìn mờ, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, nghi sốc phản vệ. Phòng khám đã chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân 115 để cấp cứu, nhưng do tình trạng nặng, người bệnh đã tử vong.
Trường hợp thứ ba là thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho hay cơ sở tiếp nhận bệnh nhân N.T.H.L (sinh năm 1978) bị biến chứng sau tiêm chất làm đầy (filler) tại đia chỉ số 515 Lê Hồng Phong (quận 10). Ngày 4/6, Thanh tra sở phối hợp Phòng y tế quận 10 tiến hành kiểm tra tại địa chỉ trên, ghi nhận cơ sở đang sửa chữa và không cung cấp giấy đăng ký kinh doanh. Trong quá trình làm việc, đại diện cơ sở tại địa chỉ này còn không hợp tác với đoàn kiểm tra, bỏ ra về và không ký biên bản kiểm tra y tế.
Còn tại Hà Nội mới đây, sau khi sử dụng dịch vụ làm đẹp tại nhà, chị H.A.T (ở huyện Mê Linh, Hà Nội) đã rơi vào tình trạng sốc phản vệ độ 4 và suy đa tạng. Theo đơn trình báo của gia đình chị T, chị đã được chủ một Spa và là Giám đốc kinh doanh của một công ty chuyên về làm đẹp, tư vấn và thực hiện liệu trình trị sẹo rỗ và chàm tại nhà riêng vào. Quá trình trị liệu bắt đầu từ khoảng 11h nhưng chỉ sau 30 phút, chị T. bắt đầu có biểu hiện chóng mặt và khó thở.
Người nhà đã ngay lập tức đưa chị T. vào Bệnh viện Trung ương 74 tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chị T. bị sốc phản vệ nặng do chất làm đẹp. Tình trạng của chị tiếp tục diễn biến xấu. Đến đêm ngày 31/5, chị T. được chuyển đến Trung tâm hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội trong tình trạng tiên lượng xấu và nguy kịch. Hiện nay, chị T. vẫn đang phải lọc máu và thở máy, chưa qua khỏi tình trạng nguy hiểm.
Thực tế, phẫu thuật thẩm mỹ cũng giống như bất kỳ loại phẫu thuật nào đều có rủi ro. Các thủ tục thẩm mỹ có thể dẫn đến các biến chứng khác nhau, từ kết quả dao kéo không như ý, không tự nhiên, tới để lại sẹo, thậm chí tử vong. Ngoài các rủi ro chung của phẫu thuật, các biến chứng liên quan đến gây mê là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong phẫu thuật thẩm mỹ. Nguy cơ là rất nhỏ nhưng vẫn có và đó là lý do vì sao bệnh nhân cần lựa chọn các cơ sở uy tín để thực hiện thẩm mỹ.
Theo thống kê của Hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Việt Nam, tỷ lệ ca xảy ra biến chứng là 14%, tương đương 25.000 - 35.000 ca trên tổng số khoảng 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ hàng năm. Bác sĩ Đỗ Quang Khải, giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Thẩm mỹ Nam An (TP.HCM), cho biết: "Trong tất cả các can thiệp y khoa đều có tỷ lệ phần trăm biến chứng và tai biến, không can thiệp nào là an toàn 100%. Tuy nhiên các biến chứng xảy ra ở mức độ rất thấp nếu được thực hiện ở cơ sở uy tín, bác sĩ có tay nghề cao".
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Hoàng Hồng, Phụ trách khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, Khoa thường xuyên phải tiếp nhận các trường hợp tai biến do làm đẹp ở các cơ sở không được cấp phép, không được thực hiện bởi những người có chuyên môn. Có bệnh nhân hút mỡ tại cơ sở không uy tín bị chọc vào phổi, vào gan, bị tổn thương thủng ruột gây viêm phúc mạc. Trường hợp khác bị tắc mạch não gây thất ngôn liệt nửa người, hoại tử cân cơ da thành bụng, tắc mạch phổi, cơ quan nội tạng, thậm chí tử vong.
Bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội lo ngại khi hiện nay người dân đang trao tính mạng của mình vào tay những người không được đào tạo về thẩm mỹ. Còn theo PGS-TS.Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, điểm chung của nhiều ca biến chứng sau khi làm đẹp thời gian gần đây, theo các chuyên gia là do sử dụng các dịch vụ, thuốc chưa được cấp phép tại Việt Nam. Từ đó, các phương pháp này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, nguy hiểm tới tính mạng của con người.
Khuyến cáo người dân làm đẹp an toàn, bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E, người dân cần chú ý 3 nguyên tắc quan trọng khi làm đẹp, đó là nên lựa chọn các bệnh viện thẩm mỹ chính quy có đầy đủ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị; được cơ quan chức năng cấp phép và được thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm, có bằng cấp chuyên môn.
Ngoài ra, trước khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, người tham gia phẫu thuật phải thực hiện những xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh để tầm soát và phát hiện những bệnh lý tiềm ẩn thường gặp. Ví dụ như loại trừ những bệnh lý máu khó đông, suy gan, suy thận...
Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân nên lựa chọn các phòng khám chuyên khoa uy tín, có giấy phép hoạt động do Sở Y tế cấp. Người dân có thể tra cứu thông tin các cơ sở khám chữa bệnh và người hành nghề trên trang tra cứu http://thongtin.medinet.org.vn.
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh không phép trên địa bàn TP, có thể gọi ngay đường dây nóng qua số 0989.401155 hoặc phản ánh qua app “Y tế trực tuyến” để Thanh tra sở có thông tin, kịp thời phát hiện xử lý theo quy định.