Stress khiến quá trình trao đổi chất chậm lại
Căng thẳng không chỉ ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của bạn. Nghiên cứu này cũng đã chỉ ra rằng căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể.
Có một mối liên hệ nhất định giữa căng thẳng và sự thèm ăn của chúng ta. Nhưng theo nhà tâm lý học Susan Albers của Phòng khám Y khoa Cleveland, Mỹ, mối liên hệ này ở mọi người không giống nhau. Với một số người thì căng thẳng khiến họ không cảm thấy đói và nhịn ăn trong thời gian dài. Nhưng với những người khác thì càng căng thẳng họ lại càng ăn nhiều, nhai thức ăn một cách vô thức."Một số người ăn quá nhiều khi họ cảm thấy căng thẳng và một số người thì lại mất cảm giác ngon miệng", bà Albers nói. "Những người không ăn được vì quá tập trung vào sự căng thẳng đến nỗi họ không nhận biết và đáp ứng các tín hiệu đói của cơ thể. Còn những người ăn quá nhiều thì lại cố gắng đánh lạc hướng bản thân bằng đồ ăn."Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng stress có liên quan rất nhiều đến quá trình trao đổi chất. Những thông tin mới được công bố trên tạp chí Biological Psychiatry cho thấy tình trạng bị stress có thể khiến quá trình trao đổi chất chậm lại ở những phụ nữ dùng nhiều chất béo, do đó họ dễ bị tăng cân hơn so với những người không bị stress.
Cụ thể, những người tham gia nghiên cứu đã gặp phải một hoặc nhiều yếu tố gây ra căng thẳng, chẳng hạn như tranh luận với đồng nghiệp hoặc vợ/ chồng, bất đồng với bạn bè, gặp rắc rối với con cái hoặc áp lực liên quan đến công việc. Kết quả cho thấy, lượng calo cơ thể họ đốt cháy trong suốt 24 giờ còn ít hơn 104 calo so với lượng calo những phụ nữ không bị căng thẳng đốt cháy trong có bảy giờ, ngay cả khi những người phụ nữ này vừa ăn một bữa nhiều đồ béo.Các nhà nghiên cứu nói rằng việc trải qua một hoặc nhiều sự kiện căng thẳng vào ngày trước khi chỉ ăn một bữa ăn nhiều chất béo – loại mà chúng ta thường thích nhất khi bị suy nhược – làm chậm quá trình trao đổi chất của cơ thể, có thể gây tăng cân liên tục trong suốt một năm.Nhóm nghiên cứu ước tính sự chậm chuyển hóa hằng ngày như vậy có thể khiến nhóm người bị stress tăng thêm khoảng 4,9 kg mỗi năm. Những phụ nữ bị stress cũng có mức độ hormone insulin cao hơn trong máu, góp phần tích tụ mỡ. Bà Susan Albers cho biết: "Một số khảo sát trước đây cho thấy những người bị stress thường ít quan tâm đến việc cần dùng thực phẩm lành mạnh và vì vậy họ càng dễ tăng cân hơn do cơ thể của họ đốt ít calo hơn".
Nhu cầu hàng ngày của công việc và cuộc sống gia đình – thậm chí là việc sử dụng các thiết bị điện tử một cách liên tục – khiến mọi người có nguy cơ cao bị ăn uống căng thẳng. Cách tốt nhất để chống lại căng thẳng hoặc tình trạng ăn uống theo cảm xúc là hãy chú ý đến những gì gây ra căng thẳng khi ăn để điều chỉnh cho hợp lý."Nếu bạn là một người có xu hướng ăn uống theo cảm xúc, hãy tìm hiểu về các yếu tố kích thích, biết những gì làm bạn căng thẳng và chuẩn bị sẵn sàng để đối phó", tiến sĩ Albers nói. Một phần của việc chuẩn bị để đối phó với tình trạng căng thẳng trong ăn uống là tự trang bị cho mình những món ăn nhẹ lành mạnh. Khi bạn cảm thấy cần phải ăn nhẹ, thì có nghĩa là ít nhất bạn vẫn quan tâm đến nhu cầu của cơ thể, ý thức được việc phải nạp dinh dưỡng để đối phó với căng thẳng tốt hơn.
Cũng theo tiến sĩ Albers thì việc giúp cơ thể điều chỉnh lượng đường trong máu sẽ giúp cơ thể bạn ổn định và giúp bạn kiểm soát cảm xúc của mình tốt hơn. Tiến sĩ Albers đưa ra lời khuyên cho mọi người là hãy để trên bàn làm việc những đồ vật có thể giúp bạn giảm lo lắng. Hoặc trong khi làm việc, thỉnh thoảng cho phép bản thân nghỉ năm phút để nhắm mắt lại và hít thở sâu. Tập thể dục thường xuyên và đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi đêm cũng có thể giúp bạn xử lý tốt hơn những thách thức xảy ra mỗi ngày.
(Theo Thehealthsite)