16:33 23/05/2024

Tăng cường năng lực nội tại và sức chống chịu của nền kinh tế

Đỗ Phong

Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu xây dựng chương trình tổng thể về thúc đẩy tăng trưởng giai đoạn 2024-2025. Cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu các lĩnh vực theo hướng đa dạng hóa, tăng cường năng lực nội tại và sức chống chịu của nền kinh tế của chúng ta trước những diễn biến khó lường của kinh tế và thương mại thế giới...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Phát biểu ý kiến thảo luận ở tổ ngày 23/5/2024 về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết trong năm 2023, mặc dù tình hình thế giới có nhiều khó khăn tác động đến nền kinh tế của Việt Nam, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Quốc hội ra nghị quyết; Chính phủ điều hành, thực hiện nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, cho thấy nỗ lực, quyết tâm rất lớn, hoàn thành được 10/15 chỉ tiêu.

NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ VỀ THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG GIAI ĐOẠN 2024-2025

Trong đó, nổi bật nhất là vấn đề khu vực công nghiệp, xây dựng, nông- lâm- thủy sản và dịch vụ phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng, kiềm chế được lạm phát, ổn định các cán cân thương mại.

Về tăng trưởng GDP, Chủ tịch Quốc hội đánh giá tốc độ tăng trưởng năm 2023 đạt 5,05% dù không đạt mục tiêu 6,5% đề ra nhưng cũng là nỗ lực rất lớn của đất nước trong bối cảnh một số quốc gia trên thế giới và trong khu vực ghi nhận tăng trưởng âm.

Trước tình hình khó khăn chung, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã quan tâm phát động các cuộc vận động, phong trào thi đua chăm lo cho người nghèo, ổn định cuộc sống của người dân; đồng thời, cũng quan tâm đến giải quyết việc làm, nhất là đối với lao động nông thôn. Tình trạng thất nghiệp ở thành thị cũng được các ngành, các cấp quan tâm.

Theo Chủ tịch Quốc hội, công tác đối ngoại của đất nước thời gian qua được tăng cường khi trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, nhiều đoàn khách quốc tế lớn đến Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước có những chuyến thăm đến các nước trên thế giới để tăng cường quan hệ đối ngoại.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên thảo luận ở tổ ngày 23/5/2024.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên thảo luận ở tổ ngày 23/5/2024.

Bên cạnh những điểm sáng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn băn khoăn khi kim ngạch xuất khẩu năm 2023 giảm 2,5% so cùng kỳ năm trước; tăng trưởng tiêu dùng tư nhân năm 2023 giảm còn 3,5% (năm 2022 là 7,2%); thị trường bất động sản trầm lắng, tốc độ tăng đầu tư khu vực tư nhân trong nước giảm còn 2,8%.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đánh giá cụ thể hơn các tác động của tăng trưởng trên các mặt xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư của tư nhân trong nước năm vừa qua, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp ứng phó trong thời gian tới. Đồng thời cũng cần quan tâm đến tính bền vững cho các động lực tăng trưởng.

Dự báo tình hình kinh tế thế giới những tháng còn lại năm 2024 tiếp tục khó khăn, nhất là khi tình hình kinh tế Việt Nam luôn chịu tác động từ tình hình kinh tế bên ngoài, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có các kịch bản phù hợp, đánh giá để có chỉ đạo linh hoạt; cần đổi mới, cải cách nền tảng kinh tế vĩ mô, rà soát đánh giá kết quả thực hiện.

Bên cạnh đó, có các giải pháp cụ thể triển khai các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển kinh tế tư nhân; định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển vùng và công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ngoài ra, Chính phủ, các bộ, ngành cần ban hành sớm các Nghị định, Thông tư để hướng dẫn tổ chức triển khai có hiệu quả các luật căn bản của thể chế kinh tế thị trường như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi)… đã được Quốc hội thông qua.

Về ổn định kinh tế vĩ mô, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu xây dựng chương trình tổng thể về thúc đẩy tăng trưởng giai đoạn 2024-2025, rà soát, bổ sung, quan tâm đúng mức đến củng cố, ổn định kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt theo các kịch bản để ứng phó với những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực hiện nay.

TĂNG CƯỜNG KÍCH CẦU TRONG NƯỚC, KIỂM SOÁT LẠM PHÁT, KHƠI THÔNG HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP

Thảo luận tại tổ, các đại biểu nhận định, năm 2023, kinh tế xã hội nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý cũng còn một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục như: Tăng trưởng kinh tế theo giai đoạn có xu hướng giảm dần; Đầu tư tư nhân giảm đáng kể so với giai đoạn trước; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng; Tăng trưởng tín dụng thấp hơn mục tiêu và chủ yếu tăng tập trung trong tháng cuối năm; Tốc độ tăng trưởng GDP quý 1/2024 dù cải thiện nhưng chưa quay lại quỹ đạo cần thiết; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn vướng về quy trình,…

Các đại biểu cho rằng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu, nhiệm vụ khác theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024 và các nghị quyết khác của Quốc hội, trong những tháng còn lại của năm 2024, Chính phủ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024.

Đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị có giải pháp cụ thể khơi thông hoạt động doanh nghiệp, để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, phát triển sản xuất…
Đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị có giải pháp cụ thể khơi thông hoạt động doanh nghiệp, để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, phát triển sản xuất…

Đặc biệt cần quan tâm, đẩy mạnh một số trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô như: tăng cường kích cầu trong nước; kiểm soát lạm phát, khơi thông hoạt động doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp, người dân;...

Đưa ra kiến nghị, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Tp.Hà Nội, kiến nghị cần tăng kích cầu trong nước, có chính sách tiếp tục miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí; có giải pháp cụ thể khơi thông hoạt động doanh nghiệp, để doanh nghiệp tin tưởng mở rộng kinh doanh, phát triển sản xuất;…

Để nền kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng bền vững và phát triển hơn nữa trong thời gian tới, đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn Tp.Hồ Chí Minh, nêu quan điểm: "Chính sách tài khóa của nước ta còn dư địa nên có thể sử dụng các nguồn lực tài khóa, gói hỗ trợ thông qua các khoản thuế, phí như giảm thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ nền kinh tế. Bởi các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đang phát huy hiệu quả, kích thích sản xuất, hỗ trợ nền kinh tế".

Thời gian tới, phải tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, khuyến khích doanh nghiệp thành lập, lôi kéo nguồn lực xã hội cho đầu tư.

Đóng góp ý kiến vào đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng bối cảnh nền kinh tế trong năm qua không thuận lợi nên đã tác động lớn đến sự phát triển của kinh tế trong nước. Mặc dù nền kinh tế vĩ mô ổn định nhưng tỷ giá tăng trở lại, lạm phát tăng hơn đã tác động đến sự phát triển kinh tế. Do đó, các cơ quan chức năng cần có giải pháp căn cơ để giám sát.

Trong năm qua, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng tính bền vững chưa cao do bất ổn khó lường từ tình hình thế giới. Do đó, cần quan tâm hơn đến phát triển thị trường nội địa; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, tạo động lực về đầu tư, ưu tiên thu hút doanh nghiệp công nghệ cao phát triển…

Còn theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đoàn Lạng Sơn, Việt Nam là quốc gia có quy mô kinh tế nhỏ, độ mở cao. Bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế có độ mở quá cao, nếu không có những giải pháp chính sách tốt, sẽ đem đến nhiều hệ lụy, như nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương, nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài. Mặc dù xuất nhập khẩu nhiều nhưng chủ yếu là hàng hóa thâm dụng lao động, giá trị gia tăng không cao; tăng trưởng cao nhưng vẫn ở vị trí cuối trong chuỗi giá trị toàn cầu…

Với xu hướng hội nhập sâu và rộng, tham gia ngày càng nhiều hơn vào các FTAs, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của độ mở nền kinh tế đến nước ta, độ mở bao nhiêu là phù hợp, nhu cầu và cơ chế kiểm soát độ mở của nền kinh tế… để từ đó xác định lại động lực và mô hình phát triển.