12:01 16/02/2023

Thận trọng ngày đáo hạn phái sinh, thanh khoản giảm mạnh, khối ngoại tiếp tục bán ròng

Kim Phong

Diễn biến tăng giá ở cổ phiếu vẫn áp đảo trong phiên giao dịch sáng nay nhưng dòng tiền đã không còn “cuồng nhiệt” như hôm qua. Hai sàn khớp lệnh giảm 25%, trong đó HoSE giảm 30%. Nhóm VN30 giao dịch thậm chí giảm 41% trong ngày đáo hạn phái sinh...

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn kém đồng thuận là lý do khiến VN-Index dao động hẹp sáng nay.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn kém đồng thuận là lý do khiến VN-Index dao động hẹp sáng nay.

Diễn biến tăng giá ở cổ phiếu vẫn áp đảo trong phiên giao dịch sáng nay nhưng dòng tiền đã không còn “cuồng nhiệt” như hôm qua. Hai sàn khớp lệnh giảm 25%, trong đó HoSE giảm 30%. Nhóm VN30 giao dịch thậm chí giảm 41% trong ngày đáo hạn phái sinh.

VN-Index kết phiên sáng tăng nhẹ 0,29% tương đương +3 điểm so với tham chiếu. VN30-Index tăng 0,1%, Midcap tăng 0,4% và Smallcap tăng 0,58%. Chỉ riêng điều này cũng cho thấy biên độ tăng đã hẹp lại đáng kể, dù số lượng vẫn khá nhiều. HoSE ghi nhận 251 mã tăng/93 mã giảm, với khoảng 100 mã tăng hơn 1%.

Các chỉ số quan trọng tăng rất ít một phần do tác động kéo ngược của cổ phiếu vốn hóa lớn. VIC giảm 2,65%, còn 51.500 đồng, tạm thời đang chốt ở ngưỡng thấp nhất 5 năm. Nếu tính theo mức đóng cửa thì VIC đã xuống dưới đáy tháng 11/2022 – cũng là đáy thị trường và đáy của đa số cổ phiếu. Tuy nhiên về mặt dao động thì chưa, vì phiên ngày 8/11/2022, VIC còn chạm tới 49.700 đồng trước khi hồi trở lại. VHM giảm 0,94%, VRE giảm 1,41% đang là các cổ phiếu khác cũng có ảnh hưởng xấu. Chỉ riêng VIC đã lấy đi 1,3 điểm của VN-Index và 1,4 điểm của VN30-Index.

Dù số lượng cổ phiếu tăng giá nhiều hơn, thậm chí blue-chips cũng tăng nhiều (VN30 có 18 mã tăng/9 mã giảm) nhưng cường độ tăng lại không mạnh. VCB tăng 1,08%, GAS tăng 1,49%, CTG tăng 1,9% là các mã mạnh nhất trong nhóm trụ. NVL, POW, HDB cũng tăng tốt nhưng sức ảnh hưởng hạn chế.

Dù các cổ phiếu trụ không giúp thị trường bùng nổ được, nhưng cổ phiếu riêng lẻ vẫn khá tích cực. Tuy vậy dòng tiền cũng như tính cá biệt của cổ phiếu cho thấy sẽ rất khó tạo sức lan tỏa nếu như chỉ dựa vào các cổ phiếu được đầu cơ riêng rẽ. Sáng nay yếu tố giảm bán vẫn tạo lợi thế chính, thay vì yếu tố dòng tiền như phiên hôm qua. VIP tăng 5,39% thanh khoản 23,1 tỷ; PVD tăng 3,78% thanh khoản 98,6 tỷ; KBC tăng 2,83% thanh khoản 55,2 tỷ; VIX tăng 2,77% thanh khoản 22,4 tỷ; PVT tăng 2,28% giao dịch 37,3 tỷ là những mã hiếm hoi nổi bật ở cả hai phương diện giá và thanh khoản.

Vn-Index lình xình suốt buổi sáng.
Vn-Index lình xình suốt buổi sáng.

Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết đã tụt giảm 25% so với sáng hôm qua, chỉ còn 3.660,5 tỷ đồng. HoSE giảm 30%, còn 3.033,6 tỷ đồng. VN30 giảm 41% còn 1.145,4 tỷ đồng. Việc thị trường hôm nay trùng vào phiên đáo hạn phái sinh cũng có thể khiến thanh khoản giảm, nhưng rõ ràng sự hưng phấn là quá khác biệt so với sáng hôm qua. Việc dòng tiền từ chối vùng giá cao có khả năng làm giảm cơ hội phục hồi cao hơn vì thực sự thời điểm này cũng chưa có yếu tố hỗ trợ nào rõ rệt để khuyến khích sự hăng hái giải ngân.

Khối ngoại đã duy trì đà bán ròng sang phiên thứ hai liên tục, đang rút ròng 70,8 tỷ đồng trên HoSE. Khối này giảm cả chiều mua lẫn chiều bán, nhưng giảm mua nhanh hơn dẫn tới bán ròng. Dù vậy mức độ cũng chưa đáng kể, những cổ phiếu bị bán nhiều nhất sáng nay là STB -31,7 tỷ ròng, DXG -21,1 tỷ, DCM -18,2 tỷ, VIC -14,6 tỷ, VHM -11,6 tỷ, HPG -11,6 tỷ. Phía mua ròng lớn nhất là VNM cũng chỉ 10,2 tỷ đồng.

Hiện tượng co hẹp biên độ tăng là điều không bất ngờ khi thị trường chưa có đủ các tín hiệu đáng tin cậy về khả năng kết thúc nhịp điều chỉnh kỹ thuật hiện tại. Càng gần tới ngưỡng hỗ trợ của chỉ số và cổ phiếu, sẽ càng có lực cầu bắt đáy nhiều hơn. Tuy nhiên người mua sẽ chọn ngưỡng giá thấp hơn là hào hứng mua giá cao. Mặt khác, thị trường còn nhiều điều chưa chắc chắn, nên quan điểm lướt sóng cũng sẽ chiếm ưu thế.